- Ông Nguyễn Văn Lập – Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho biết: Việc Bến xe Nước Ngầm thiếu xe đã diễn ra từ năm 2007 đến nay. Nguyên nhân là do Sở GTVT Hà Nội không chấp thuận phân bổ xe theo chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội và Cục Đường bộ VN (Bộ GTVT).

Đầu tư 80 tỷ rồi 'dài cổ' chờ xe vào bến

Câu chuyện bến xe Nước Ngầm được đầu tư theo chủ trương của TP Hà Nội nhưng sau nhiều năm hoạt động vẫn trong tình trạng…  thiếu xe một lần nữa lại trở thành vấn đề nóng tại buổi tọa đàm “Làm cách nào để hiện đại hóa bến xe?”.

“Bỏ ngoài tai” chỉ đạo của Thành phố?

Cụ thể, theo ông Lập, tại văn bản 1425/CĐBVN (4/2007) của Cục đường bộ VN (Bộ GTVT) yêu cầu Sở GTVT Hà Nội ngừng tạm thời các tuyến từ bến xe Giáp Bát đi các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và chấp thuận chuyển sang bến xe Nước Ngầm.

Tuy nhiên, thay vì chấp thuận để các tuyến xe Nghệ An, Hà Tĩnh về Bến xe Nước Ngầm thì tháng 9/2007 Sở GTVT Hà Nội lại điều xe tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh đang hoạt động ở Bến xe Nước sang Bến xe Mỹ Đình trong điều kiện bến Mỹ Đình chưa công bố tuyến đi các tỉnh này.

{keywords}

Ông Lập cho rằng: Nguyên nhân Bến xe Nước Ngầm thiếu xe là do Sở GTVT Hà Nội không chấp thuận phân bổ xe theo chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội và Cục Đường bộ VN (Bộ GTVT).

“Chính việc Sở GTVT Hà Nội chuyển xe từ Bến Nước Ngầm sang bến Mỹ Đình “tự do” nên đến tháng 10/2009, Bến xe Mỹ Đình rơi vào tình trạng quá tải và buộc Sở GTVT phải ra văn bản nêu rõ: Bến xe Mỹ Đình đã quá tải, phải tạm dừng toàn bộ các tuyến vận tải ở phía Nam vào bến Mỹ Đình”, ông Lập nói.

Chưa dừng lại ở đó, dù Bến xe Mỹ Đình đã được sở GTVT Hà Nội tuyên bố quá tải và yêu cầu không cho thêm xe vào bến, nhưng đến tháng 5/2013, thông qua văn bản số 607, Sở GTVT Hà Nội vẫn chấp thuận cho xe của Công ty CP vận tải Thanh Xuân vào bến Mỹ Đình.

“Điều này đi ngược lại văn bản trước đó của Sở GTVT Hà Nội”, ông Lập nêu rõ mâu thuẫn giữa văn bản yêu cầu và việc thực hiện của Sở GTVT Hà Nội.

Thêm nữa, tại các văn bản do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng chỉ đạo gần đây, yêu cầu Sở GTVT Hà Nội thực hiện điều chuyển bổ sung một số tuyến vận tải khách cho bến xe Nước Ngầm nhưng đến nay Sở GTVT vẫn không thực hiện.

Cụ thể, ngày 18/7/2013, UBND TP Hà Nội ra văn bản về kết luận của Chủ tịch UBND TP, yêu cầu đến ngày 15/8/2013, sắp xếp, điều chuyển để giảm tần suất các tuyến vận tải khách liên tỉnh từ Mỹ Đình đi các tỉnh từ 20-30% lưu lượng theo hướng chuyển bớt về một số bến xe khác như: Bến xe Yên Nghĩa, Gia Lâm, Nước Ngầm.

Ngày 27/12/2014, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký văn bản giao Sở GTVT Hà Nội xem xét điều chuyển một số tuyến vận tải khách tại các bến xe quá tải như: Mỹ Đình, Giáp Bát... về Bến xe Nước Ngầm. Tuy nhiên, Sở GTVT đã phớt lờ các chỉ đạo này.

“Các văn bản của Thành phố yêu cầu đã không được Sở GTVT Hà Nội thực hiện, trong khi các bến xe: Mỹ Đình, Giáp Bát... đang quá tải trầm trọng thì Bến xe Nước Ngầm mới chỉ đạt công suất 200 lượt/ngày, bằng 1/4 công suất cho phép”, ông Lập nêu thực tế.

Xe khách liên tỉnh không đi xuyên tâm thành phố

Theo ông Lập, việc quy hoạch không cho phương tiện vận tải hành khách liên tỉnh tại các bến xe đi qua Trung tâm thành phố có từ năm 2003 tại Quyết định 165/2003 của UBND TP.Hà Nội.

Theo đó, Bến xe Đông Anh được quy hoạch là bến xe Tây Bắc, Bến xe Mỹ Đình cũng là bến xe Tây Bắc được bổ sung quy hoạch đón luồn khách ở QL2 – QL3.

Bến xe phía Nam là Bến xe Thanh Trì đón khách của QL1A mới, QL1A cũ và kết hợp giữa hai luồng vận tải đường bộ và đường sắt giữa ga Ngọc Hồi.

Bến xe Thanh Trì sẽ thay thế cho Bến xe Giáp Bát sau khi di dời Bến xe Giáp Bát. Bến xe Nước Ngầm được TP.Hà Nội thành lập để giảm tải cho Bến xe Giáp Bát thì đương nhiên Bến xe Nước Ngầm cũng lấy khách từ Bến xe Giáp Bát giảm tải và từ QL1A mới và cũ bổ sung thêm đi vào hoạt động.

Bến xe Hà Đông (Yên Nghĩa) được quy hoạch nhận toàn bộ phương tiện từ Bến xe Sơn La (Thanh Xuân) và Bến xe Hà Đông cũ chuyển ra.

Tuy nhiên, thay vì di dời bến xe Sơn La và Bến xe Hà Đông cũ về Bến xe Yên Nghĩa thì Sở GTVT Hà Nội lại chấp thuận cho xe ở các bến này về Bến Mỹ Đình, góp phần đẩy bến xe Mỹ Đình vào tình trạng “vỡ trận” như năm 2014...

“Đến thời điểm này, các văn bản ra đời sau đều tuân thủ quy hoạch tại Quyết định 165/2003 của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cơ quan thực hiện - Sở GTVT Hà Nội lại không thực hiện đúng theo quy hoạch. Điều này dẫn đến tình trạng Bến xe Mỹ Đình quá tải còn Bến xe Nước Ngầm và Bến xe Yên Nghĩa lại ... thiếu xe...”, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm bức xúc.

Vũ Điệp