- Lũ đã đi qua, bão đã tan và mặt trời ló dạng. Thị trấn Eađrăng (H. Eahleo, Đắk Lắk) xác xơ. Trong phút chốc thiên tai đã lấy đi biết bao mồ hôi lẫn nước mắt, để lại những phận người với những nỗi niềm cay đắng.
Trắng tay sau 20 năm…
Cơn lũ đã qua mấy ngày, thế nhưng con đường nhỏ dẫn vào mảnh đất của đại gia đình anh Huỳnh Văn Thanh vẫn ngập nước, lầy lội.
Đi hết đoạn đường, cảnh tượng trước mắt còn bàng hoàng hơn. Hai căn nhà chỉ còn lại cái nền và một góc tường nhỏ. Kính vỡ, gỗ, tôn, thép, cây cối,… vương vãi khắp nơi. Lẫn trong bùn đất là những hạt cà phê nhân no nước, đen sì.
Phần hạ lưu của đập đầy nguy hiểm nhưng chính quyền vẫn để người dân sinh sống mà không có cảnh báo. Ảnh chụp từ thân đập. (vị trí mảnh vườn và 2 ngôi nhà đã trôi của anh Huỳnh Văn Thanh và anh Huỳnh Văn Sơn được khoanh tròn) |
Khuôn mặt thẫn thờ, anh Thanh kể lại: "Sáng hôm đó đang đi làm thì con tôi báo nước tràn vào nhà. Tất cả anh em chúng tôi vội vã bỏ công việc để chạy về sơ tán đồ đạc.
Đưa được mẹ già và một ít đồ đạc đi thì nước đã dâng quá cao. Tiếc của lắm nhưng không một ai dám ở lại…".
Mọi người cùng chạy lên đoạn đường cao. Mặc cơn mưa to, ai nấy đều ngẩn ngơ nhìn dòng nước dữ nuốt gia sản của mình. Nước dâng ngập gần tới nóc, cả căn nhà đổ ập rồi rã ra.
Chỉ ít phút sau, ti vi, tủ lạnh nổi lên lềnh bềnh, trôi đi trước mắt. Những người phụ nữ trong gia đình nhìn gia sản trôi đi khóc ngất: "Vậy là mất hết rồi!".
Chị Huỳnh Thị Hòa gom nhặt những chiếc bát đĩa còn sót lại sau trận lũ.
|
Phơi sách sau lũ |
Tài sản của ba anh em anh đều để trong nhà. Em trai anh, anh Huỳnh Văn Sơn mở dịch vụ tiệc cưới nên trong nhà chứa rất nhiều vật dụng với số lượng lớn như rạp, phông màn, bàn ghế, chén dĩa. Sau thời gian tích góp, anh dự định xây lại nhà mới nên cũng chuẩn bị sẵn nhiều gỗ tốt trong nhà.
Vợ chồng em gái anh là chị Huỳnh Thị Hòa làm nghề sửa xe. Chị mua được một số lượng lớn xe máy thanh lý gửi nhờ nhà hai anh. Ngoài ra, tất cả cà phê thu hoạch được trong năm 2011 và 2012 chị không dám gửi đại lý nên cũng cất trữ tại nhà các anh.
Tổng khối lượng cà phê của 3 anh em lên đến 6 tấn.
Cơn lũ quét qua đã khiến cho tất cả gia sản của đại gia đình anh Thanh tiêu tan.
Người nghèo tủi phận
Mảnh đất đại gia đình anh Thanh đang sinh sống nằm cạnh suối Eađrăng. Đây là vùng đất trũng, cao ngang bờ suối. Đồng thời, nơi này lại nằm dưới hạ lưu của đập và chỉ cách đập khoảng hơn 500m.
Gia đình anh Thanh thẩn thờ trước những gì còn sót lại |
Chị Hòa cho biết, khi đập Eađrăng được xây dựng, chị đã nghe bản tin trên ti vi thông báo về việc sẽ giải tỏa những hộ dân trong khu vực nguy hiểm, trong đó có nhà mình.
Từ đó đến nay đã nhiều năm, nhưng người dân khu vực này không được nhận thông báo hay cảnh báo nguy hiểm nào khác.
Hiện tại, anh cũng chưa biết sau những ngày tá túc ở nhà người quen, gia đình anh và người mẹ đã già yếu sẽ sống ở đâu.
Song, sau trận lũ kinh hoàng, anh khẳng định sẽ không dựng lại nhà trên nền đất cũ. Anh sợ rằng nếu lũ dâng lên trong đêm, mẹ già và những đứa trẻ sẽ không thể nào chạy kịp.
Trong sáng 20/9, khi lãnh đạo UBND huyện đến thăm hỏi, anh đã kiến nghị việc bố trí đất tái định cư cho gia đình. Các vị lãnh đạo chỉ hứa sẽ xem xét trong thời gian tới. Điều cả gia đình anh Thanh mong ước nhất lúc này sẽ không phải chờ đợi quá lâu.
May mắn hơn những ngôi nhà lân cận, nhà bà Phan Thị Kiểu (khối 6 - thị trấn Eađrăng) đắp nền cao nên chỉ bị ngập chừng nửa mét. Song con nước hung hãn đã làm xói đất nền, sụp móng. Nền nhà bê tông nứt toác, sụt lún.
Bà Kiểu thuộc diện hộ nghèo nên gia đình bà không có gì đáng giá. Sau lũ, bà nhờ hàng xóm khiêng hộ chiếc tủ gỗ ra ngoài, nhưng không ai dám. Họ sợ chỉ thêm một chấn động nhỏ là cả mảng nền sẽ sập xuống, có nguy cơ kéo theo cả căn nhà.
Căn nhà của bà Kiểu sụt lún, xiêu vẹo sau lũ nhưng lại được kết luận là không phải do thiên tai |
Ở tuổi 64, bà Kiểu đang sống với hai đứa con nuôi. Đứa lớn 14 tuổi, nhỏ mới 5 tuổi. Cả hai đều bị bỏ rơi lúc mới lọt lòng. Bà thương nên mang về nuôi nấng. Không có đất vườn, bà mượn đất láng giềng để trồng hoa màu, nuôi gà, vịt để kiếm tiền lo cho hai đứa trẻ.
Cơn lũ tràn qua đã lấy đi của bà nửa sào bắp sắp đến kỳ thu hoạch. Đàn gà 67 con, giờ chỉ còn 18 con. Đàn ngan chục con cũng chỉ còn 2 con.
Thế nhưng điều khiến bà vừa buồn vừa tủi không phải là hoàn cảnh hiện tại mà chính là thái độ của những người đại diện chính quyền. Khi thống kê thiệt hại sau lũ, họ nói rằng nhà bà hư hỏng không phải do thiên tai. Bà Kiểu chỉ biết nghẹn ngào: "Chẳng lẽ tôi tự phá nhà mình sao?".
Nhà xiêu, kế sinh nhai cũng gần cạn. Bà và 2 đứa trẻ phải sống nhờ trong lán chứa vật liệu của căn nhà đang xây gần đó. Bà nhìn những gì còn sót lại mà lòng không khỏi bất an. Những ngày tiếp theo, không biết bà sẽ nuôi bọn trẻ bằng gì?
Không thể kể hết những phận người sau cơn lũ dữ. Nhiều người giờ đây chỉ còn lại đôi bàn tay trắng. Những mảnh đời đó làm sao có thể trong một sớm một chiều gây dựng lại sản nghiệp. Tất cả chỉ trông mong vào chính quyền tạo điều kiện giúp ổn định cuộc sống. Mong lắm thay…
• Đinh Nga