- UBND Thanh Hóa giao CA tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT, Sở KH-CN, Chi cục bảo vệ thực vật giám sát việc khai quật của công ty, xác định rõ chủng loại, khối lượng, thời gian chôn lấp để củng cố hồ sơ xem xét việc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 18/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền đã có buổi làm việc với các ngành về tiến độ kiểm tra, xác minh vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường của Cty Nicotex Thanh Thái.

Theo đó, kết luận Cty Nicotex Thanh Thái là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đã rõ các lỗi vi phạm

Trong báo cáo kết luận, kết quả điều tra của Công an tỉnh Thanh Hóa xác định Cty Nicotex Thanh Thái (xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy) có 9 lỗi vi phạm các quy định bảo vệ môi trường và 1 lỗi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

 

{keywords}

Kết luận của UBND tỉnh Thanh Hóa

Mặt khác, đoàn liên ngành cùng với quần chúng nhân dân cũng đã phát hiện trong khuôn viên xưởng sản xuất của công ty có tổng 10 hố chôn chất thải.

Theo đó, ông Nguyễn Đức Việt, nguyên GĐ Cty giai đoạn 1998 - 2005 tự khai nhận năm 2000 ông chỉ đạo chôn 380kg thuốc bảo vệ thực vật quá hạn trong bể xi măng. Tiếp đó, năm 2001 đã chỉ đạo chôn lấp 10 phuy chấy Methemedofor với khối lượng 1.000 kg (việc chôn chất thải trên có xin chủ trương của ông Nguyễn Thành Nam – Tổng GĐ Cty CP Nicotex).

Tiếp đó, theo ông Nguyễn Xuân Trường (GĐ Cty giai đoạn 2005 - 2011), thì năm 2008, ông Trường đã chỉ đạo ông Lương Văn Ngọ (hiện công tác tại Cty Nicotex Thái Bình) chôn lấp khoảng 400 vỏ chai nhựa đựng thuốc bảo vệ thực vật.

Số vỏ chai này được xử lý sơ bộ và nghiền nhỏ cùng một số vỏ gói thuốc bảo vệ thực vật.

Theo ông Việt, vào thời điểm tháng 11/1999 ông đi công tác nước ngoài, ở công ty đã xảy ra sự cố chập điện tại bể gia nhiệt dẫn đến 3 phuy Dimethoate bị bục vỏ, một phần hóa chất trong các phuy bị thoát ra ngoài lẫn với nước trong bể.

Sau sự cố trên, Cty đã cho múc toàn bộ lượng nước bị nhiễm Dimethoate ở bể gia nhiệt khoảng (02m3) đổ vào các phi dung tích 200 lít, sau đó chôn xuống đất.

Bên cạnh đó, ông Trường cũng khai báo trong khoảng thời gian kéo dài từ năm 2006, đến khi ông Trường miễn nhiệm làm giám đốc (7/2011), mỗi khi có cặn bùn, thải phát sinh trong quá trình xử lý nước thải ông đều cho công nhân đổ chôn vào hố này (hố chôn mà ông Việt chỉ đạo trước đó) tổng lượng hơn 1m3.

Ông Trường “tố” hố này đã có từ thời ông Việt làm giám đốc. Đây là hố có sẵn mà công nhân dùng bỏ các chất thải như bỏ bao bì, tem, nhãn mác… Khi ông Trường làm giám đốc vẫn tiếp tục cho công nhân thực hiện chôn lấp chất thải, đến năm 2009 thì dừng hẳn.

Chưa thể khai quật để kiểm tra thực tế?

Theo báo cáo của CA tỉnh Thanh Hóa, hiện nay cơ quan này không đủ điều kiện về thiết bị, kỹ thuật chuyên môn nên chưa thể tiến hành khai quật các điểm chôn lấp để kiểm tra thực tế.

{keywords}

Hóa chất trong công ty

 

Công an tỉnh cũng đã phối hợp với Sở KH - CN, Sở TN-MT đã tiến hành lấy 13 mẫu gửi Trung tâm kiểm dịch thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc (Cục Bảo vệ thực vật) để kiểm nghiệm, phân tích các chỉ tiêu, hàm lượng các chất nhằm đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường.

Qua kết quả xét nghiệm, Cty Nicotex Thanh Thái là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo đó, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Cty Nicotex Thanh Thái khẩn trương hợp đồng với đơn vị đủ điều kiện, phương tiện và chức năng xử lý chất thải nguy hại để khai quật, xử lý triệt để lượng chất thải mà công ty đã chôn lấp.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT, Sở KH-CN, Chi cục bảo vệ thực vật giám sát việc khai quật của công ty, xác định rõ chủng loại, khối lượng, thời gian chôn lấp để củng cố hồ sơ xem xét việc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Lê Anh