- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa có văn bản báo cáo Bộ trưởng liên quan đến công văn 1042/PC67-P3 của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an).
Theo nội dung trong văn bản báo cáo Bộ Tư pháp thì “Công văn 1042/PC67-P3 của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt có dấu hiệu sai trái cần phải được xử lý”.
Văn bản của Cục Kiểm tra văn bản (KTVB) nêu rõ: “Ngày 26.4.2013, đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục CSGT ĐB-ĐS ký ban hành công văn số 1042/C67-P3 (CV 1042) có trích yếu là “v/v giả danh nhà báo ghi hình CSGT”.
Văn bản của Cục CCGT đường bộ - đường sắt |
Tại mục 2 của công văn có đoạn: “Luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ, hoặc có hành vi chống đối tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm (TTKS, XLVP) khi chưa được phép đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.
Ngay sau khi nhận được thông tin của báo chí, công luận, Cục KTVB đã tổ chức thảo luận, xem xét theo thẩm quyền về văn bản của C67.
Cục KTVB cho rằng chỉ đạo của công văn 1402 nêu hai nhóm hành vi "có lời nói đe đọa lăng mạ"; "chống đối CSGT" với hành vi "quay phim chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được sự đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ", đã thể hiện sự thiếu thận trọng khi kết nối các nhóm hành vi với bản chất, mức độ khác nhau.
Theo Cục KTVB, việc đưa ra nội dung CSGT có quyền yêu cầu bất cứ người dân nào quay phim, chụp ảnh CSGT khi đang làm nhiệm vụ xuất trình giấy tờ để xác định "được phép" hay chưa và để "xác định đúng là nhà báo hay giả danh" là không phù hợp với quy định hiện hành về quyền của nhà báo, thậm chí là cả người dân khi quay phim, chụp ảnh.
Bởi pháp luật hiện hành chỉ quy định những trường hợp bí mật nhà nước như an ninh quốc phòng mà có quy định hạn chế thì mới không được quay.
Qua rà soát các văn bản hiện hành, Cục KTVB cũng cho rằng chưa thấy có quy định nào của pháp luật cấm công dân quay phim, chụp ảnh cán bộ công chức và chiến sĩ công an khi đang thực thi nhiệm vụ.
Như vậy, việc công dân quay phim chụp ảnh CSGT không phải là hành vi bị cấm. Hơn nữa CSGT cũng không có quyền truy hỏi người đang quay phim, chụp ảnh cũng như kiểm tra giấy tờ của họ.
Cục KTVB cũng cho rằng, việc công văn 1402 nêu nội dung “nếu đúng là nhà báo thì tập hợp báo cho cơ quan chủ quản” cũng không phù hợp với nhiệm vụ của CSGT khi đang tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.
Mặt khác, việc quay phim chụp ảnh CSGT khi đang tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm không phải là ghi hình ảnh riêng tư của một vài cá nhân cụ thể mà là ghi hình ảnh thi hành công vụ của cơ quan nhà nước tại nơi công cộng là việc làm bình thường nên không cần bất cứ cá nhân hay CSGT nào cho phép.
Đây là việc làm giám sát của người dân đối với CSGT, nhờ vào việc giám sát này còn phát hiện ra những hình ảnh đẹp cần được tôn vinh và những sai phạm cần kịp thời chấn chỉnh, xử lý.
Từ những phân tích trên, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khẳng định: “CV 1042 có nhiều nội dung có dấu hiệu sai trái cần được xử lý”.
Liên quan đến sự việc này, Cục KTVB cũng đã đã đề nghị lãnh đạo Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp với đại diện C67 để trao đổi thêm về những nội dung “khó hiểu” của văn bản trên và đưa ra hướng xử lý thích hợp.
Hoàng Sang