- Trước một số thông tin cho rằng Cục cảnh sát đường bộ, đường sắt (C67, Bộ Công an) đang có chỉ đạo để hạn chế quyền của người dân cũng như báo chí trong việc giám sát lực lượng CSGT, C67 đã lên tiếng phản bác.

Mới đây, Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) đã ký văn bản số 1042/C67-P3 gửi Trưởng phòng CSGT công an các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về việc “Giả danh nhà báo ghi hình CSGT”.

{keywords}
(Ảnh minh họa; GĐ&XH)

Theo như nội dung văn bản này, phía C67 yêu cầu lực lượng CSGT “Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ hoặc quay phim chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được sự đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.

Văn bản này sau khi được công bố đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều bởi nội dung không rõ ràng, mạch lạc. Một số người ngầm hiểu: nếu là Nhà báo khi quay phim chụp ảnh cần phải được sự đồng ý của CSGT thì mới được tác nghiệp. Sau khi Nhà báo “xin phép” được CSGT đồng ý thì CSGT sẽ gọi điện về thông báo cho cơ quan chủ quản của Nhà báo.

Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn – Cục phó C67 cho rằng, văn bản của C67 là chỉ đạo nội bộ, mục đích là để cán bộ chiến sỹ nâng cao tinh thần cảnh giác trước một số đội tượng giả danh Nhà báo nhằm mục đích xấu. Văn bản này cũng không đưa ra bất cứ quy định cấm nào.

“ Theo tinh thần văn bản này có thể hiểu, người dân hoàn toàn được tự do ghi âm ghi hình CSGT ở những địa điểm không có biển cấm quay phim chụp ảnh. CSGT đang thực thi công vụ chứ không phải riêng tư nên người dân không cần phải xin phép”, ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cũng khẳng định: Nhà báo được quyền ghi hình chụp ảnh CSGT theo quy định của luật Báo chí.

Hoàng Sang