Rằm tháng 7 đang tới gần, theo tương truyền dân gian đây là dịp để con cái tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ. Vì thế, cũng nhân cơ hội này, nhiều người đã không tiếc cả công sức lẫn tiền bạc để nghĩ ra những "chiêu độc" để tỏ lòng thành kính dâng lên báo hiếu bố mẹ...

Mua đất nghĩa trang mừng thọ mẹ già

Đã hết cái thời con cái tặng cha mẹ bằng bông tai, vàng cánh, đá quý hay những chuyến du lịch, nhiều người con đã tìm ra các món quà lạ và độc để báo hiếu cha mẹ.

Chị Nguyễn Thị H (phóng viên một báo lớn ở Hà Nội) khoe vợ chồng chị vừa làm hợp đồng mua một suất đất nghĩa trang tặng bố mẹ già.

{keywords}

Một khu đất nghĩa trang được đại gia mua để tặng cha mẹ lúc còn sống.

Theo chị H, nhiều năm nay, bố mẹ chị luôn lo lắng trăn trở khi về với các cụ sẽ yên nghỉ ở đâu trong điều kiện đất nghĩa trang đã hết, nghĩa trang Văn Điển ngưng phục vụ. Về quê thì quá xa, con cái đi về thăm cha mẹ cũng khó. Mỗi lần có một phóng sự nào nói về tình trạng quá tải nghĩa trang ở Hà Nội, bố mẹ chị lại thở dài "đến lượt mình không biết về đâu".

Tháng 8 là mừng thọ mẹ chồng chị H. Vợ chồng chị đã quyết định ký hợp đồng mua đất ở một công viên nghĩa trang. Món quà anh chị tặng mẹ vào sinh nhật tuổi 80 của mình là "sổ đỏ" của suất đất nghĩa trang.

Chị H nhớ lại cảm giác trao quà: "ban đầu vợ chồng chị chỉ sợ bố mẹ la mắng vì chúng tao còn sống mà mày đã lo xây mộ. Nhưng lạ, bố mẹ chị rất vui. Bố chị cầm "sổ đỏ" mà cứ rưng rưng mừng. Cả đêm, hai cụ cứ ôm bản hợp đồng vì sợ đó chỉ là giấc mơ".

Ở một trường hợp khác, ông Phạm Văn C (một cán bộ về hưu cao cấp của UBND TP. Hà Nội) về hưu cũng xuống tiền mua cả 200m2 đất nghĩa trang với giá 2 tỷ đồng để tặng cho mẹ già đã ngoài 80 tuổi. Đây là món quà đặc biệt ý nghĩa mà ông dành cho mẹ già của mình nhân lễ thượng thọ tuổi 80 của bà vào năm trước.

Nguyễn Thị M, một đại gia giấu mặt, cũng đặt 500m2 đất nghĩa trang dành cho bố mẹ nội ngoại hai bên. Chị chia sẻ: mua tặng ông bà rồi dẫn ông bà lên ngắm xem khu nhà trong tương lai ở thế giới bên kia của ông bà như thế nào. Thậm chí, chị còn đưa cả bố mẹ mình đi gặp nhà thiết kế để chọn được mẫu mộ ông ưng ý nhất để khi nào họ mất gia đình sẽ làm những mẫu thiết kế mộ như họ đã chọn.

Mua rượu ngoại mừng cha dưới mồ

Bố mẹ còn sống đã thế, với những người bố mẹ đã qua đời thì con cái tìm cách báo hiếu bằng việc thỏa mãn sở thích của bố mẹ lúc còn sống. Anh Triệu Văn Thức (Hàn Thuyên, Hà Nội) cũng thuộc vào dòng dõi, có của ăn của để. Bố anh Thức là một doanh nhân nổi tiếng. Ông bị một cơn đau tim dẫn đến đột quỵ. Chưa đầy 1 tháng nằm cấp cứu, ông qua đời ở tuổi 71.

{keywords}

Ngày càng xuất hiện nhiều ngôi mộ tiền tỷ cho người đã khuất.

Bố anh Thức là "tín đồ" của rượu ngoại. Ông chỉ uống rượu ngoại trong đó có một số chai rượu có giá cả nghìn đô la. Biết bố thích rượu ngoại, anh Thức thiết kế "ngôi biệt thự" - mộ có cả tủ rượu để trưng bày. Mỗi ngày, anh nhờ người quản trang rót 1 ly rượu để thắp hương mời bố anh về uống. Cụ thích Cognac, thích Camus..

Hỏi chi phí chỉ tiền rượu ngoại và tiền thuê người rót rượu mời người cha quá cố dùng hàng tuần, anh Thức chỉ cười "rượu thì vô giá, tùy điều kiện có chai 2 - 3 triệu, có chai 5 -7 triệu. Tiền thuê người rót rượu hàng tháng là 1,2 triệu đồng".

Còn anh Nguyễn Văn Hưng, Lương Thế Vinh, Hà Nội lại có cách báo hiếu rất lạ. Bố anh mất sớm. Một mình mẹ nuôi anh trưởng thành. Ngày cha còn sống, nhà nghèo nên bố anh thường xin những vỏ chai rượu ngoại của những nhà hàng xóm bỏ đi. Ông về chắt rượu quốc lủi của mình vào đó và tự nhâm nhi như thưởng thức rượu ngoại.

43 năm sống trên đời, ông có cả đống vỏ chai rượu ngoại nhưng chưa bao giờ ông được thưởng thức một chai rượu ngoại đúng nghĩa. Ngày cha bị ốm, anh nhớ cha thèm có một bữa tiệc giống nhà hàng xóm. Nhưng nhà nghèo, mẹ con anh tổ chức sinh nhật cuối cho cha cũng chỉ có rượu giả đựng trong chai xịn.

Đến bây giờ, khi có của ăn, của để, anh thương cha nên thường xuyên mua rượu ngoại cả chục triệu/chai xuống mộ cha mời cha uống. Thắp hương xong, anh mang những ly rượu xịn tưới quanh mộ cha mình.

Máy bay, biệt thự có sổ đỏ, đồ công nghệ...đắt khách mùa Vu Lan

Tại các phố Hàng Mã, Mã Mây, Lương Văn Can, Chả Cá (Hà Nội) những ngày này hành khách qua lại nườm nượp hòng mua cho mình được những đồ hàng mã để "hóa" cho người cõi âm. Thị trường năm nay cũng không có nhiều biến động, nhưng những mặt hàng được cải tiến để phù hợp hơn với xu thế của người trần vì quan niệm "trần sao âm vậy".

Người Hà Nội đang sốt sình sịch với nhập cư, sổ đỏ chính chủ, có lẽ vì thế mà những ngôi "biệt thự" dưới âm cũng bắt buộc phải thế khi kèm theo mỗi sản phẩm biệt thự giấy là một cuốn sổ có bìa đỏ để khẳng định "ngôi nhà này chính chủ". Giá của 1 biệt thự chỉ từ 300.000 - 500.000 đồng/chiếc, nếu đi kèm “sổ đỏ” thì phải trả thêm từ 100.000 - 200.000 đồng nữa.

{keywords}

"Nhà chính chủ" của người âm.

Giao thông của người trần cũng là vấn đề nóng hổi khi tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra ở khắp nơi Hà Nội trong giờ cao điểm, đường hỏng, sụt lún, bong tróc ngày càng nhiều. Có lẽ, lo sợ cho những người dưới âm cũng bị tình cảnh như thế, đi đứng sẽ không an toàn nên ngay tức thì mặt hàng máy bay đã được thiết kế ra.

Đánh đúng nhu cầu thị trường, mặt hàng này đã đắt khách ngay từ lần đầu tiên ra mắt mùa lễ Vu Lan. Theo khảo sát của PV, có hai loại máy bay trực thăng và phản lực, với giá thấp nhất là 150.000 đồng mỗi chiếc, loại to và cầu kỳ lên tới 750.000 đồng.

Ngoài ra, các sản phẩm công nghệ năm nay vẫn là điểm nhấn và được "cải tiến" khá nhiều, nhãn mác Apple vẫn được nhiều người ưa chuộng.

Nếu như trước đây sản phẩm đi theo bộ gồm điện thoại, máy tính bảng, đồng hồ và kính thì nay nguyên hộp có đủ tai nghe, sạc, loa, thậm chí cả sim và thẻ nạp cũng có, với giá khoảng 150.000 đồng một bộ. Một bộ máy vi tính được gắn thương hiệu nổi tiếng được bán với giá 120.000 đồng.

Mùa lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ, tổ tiên đang tới gần. Với lòng thành kính, nhiều người dâng lên bậc bề trên toàn những đồ "siêu độc" mà kể cả người sống cũng phải mơ ước, cố gắng cả đời có khi cũng chẳng thể đạt được.

Nhưng khi xuống cõi âm, chỉ trong nháy mắt, những nhu cầu đó được hậu thế bỗng dưng "hóa" thành hiện thực. Chỉ có điều, ai biết được rằng ở dưỡi cõi âm, tổ tiên có nhận được hay không?

(Theo Báo Đất Việt)

(Theo Đất Việt)