- Ngay sau khi 4 thuyền viên Việt Nam tố cáo bị chủ tàu Đài Loan “hành hạ như nô lệ” được đưa về nước ngày 12/8, các công ty phái cử 4 thuyền viên đã lên tiếng về sự việc này…
Thuyền viên bỏ trốn?
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Công ty CP đầu tư Thương mại & Dịch vụ tổng hợp Hà Nội (Servico Hà Nội) - đơn vị đưa thuyền viên Trần Văn Dũng (22 tuổi) sang Đài Loan làm việc vừa về nước cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận thông tin 4 thuyền viên bị chủ tàu hành hạ, trong đó có thuyền viên Dũng, Công ty đã làm việc với đối tác Đài Loan, chủ tàu báo cáo diễn biến vụ việc.
Các DN có thuyền viên tố cáo bị hành hạ như nô lệ đã có giải trình báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) và Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao). |
Theo thông báo từ phía đối tác Đài Loan và chủ tàu, ngày 8/8/2013 tàu Đại Hiệp khi đang lai dắt một tàu bạn về cảng Tahiti thuộc Cộng hòa Pháp, khi tàu dừng lại khu vực thả neo, thuyền trưởng phát hiện 4 thuyền viên nhảy xuống biển và ngày lập tức thuyền trưởng thông báo cho địa phương và các tàu cứu vớt.
Phía cảng vụ Tahiti đã tiếp nhận và quản lý 4 thuyền viên đồng thời yêu cầu sắp xếp cho các thuyền viên này về nước.
"Chủ tàu khẳng định tuyệt đối không có sự đánh đập như các thuyền viên mô tả, mối quan hệ giữa thuyền trưởng và các thuyền viên đều tốt", ông Tường khẳng định.
Giám đốc Servico Hà Nội còn cho biết thêm, hiện tại trên tàu Đại Hiệp vẫn đang còn 7 thuyền viên của Việt Nam làm việc trên tàu, sau khi 4 thuyền viên nhảy khỏi tàu, chủ tàu đã hỏi 7 thuyền viên còn lại nếu muốn về nước sẽ sắp xếp cho về, nhưng các thuyền viên đều ký vào bản cam kết với chủ tàu và nhất trí ở lại làm việc.
Ông Tường cho rằng, thuyền viên Trần Văn Dũng có tư tưởng bỏ trốn khi tàu vào bờ để tìm công việc khác. Điều này nếu là sự thật sẽ gây rất nhiều phiền toái cho chủ tàu và các công ty xuất khẩu thuyền viên sẽ phải chịu phạt thay cho lao động.
Là đơn vị có 2 trong 4 thuyền viên về nước ngày 12/8 là Hoàng Văn Hậu và Lê Đình Anh (đều quê ở Nghệ An), ông Nguyễn Hữu Phong, Phó Tổng giám đốc Công ty CP XKLĐ Thương mại & Dịch vụ (TTLC) cho biết, đơn vị đã trực tiếp cử đại diện ra sân bay đón cả 4 thuyền viên về nước và theo thông báo từ đại diện công ty cho biết thì sức khỏe của các lao động đều bình thường. Công ty đã hỗ trợ mua vé xe để các lao động về quê ngay ngày 12/8.
“Thông tin chủ tàu lấy móc cầu móc vào miệng và vào gót chân để tra tấn, hành hạ thuyền viên là hoàn toàn không có…”, ông Phong nói.
Tuy nhiên, ông Phong cho rằng, cách nói của thuyền trưởng tàu Đài Loan thường theo kiểu “sóng to, gió lớn” và rất nóng tính nên các thuyền viên Việt Nam một phần không biết tiếng và chưa quen nên việc bị thuyền trưởng tạt tai là có.
Liên quan đến việc có hay không thuyền viên bị hạnh hạ như nô lệ, trao đổi với VietNamNet, đại diện Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết, cục này đang tiếp tục kiểm tra xác minh để làm rõ vụ việc và đến ngày 16/8 tới sẽ có thông tin cụ thể.
Không có chuyện thuyền viên bị nợ lương
Khi được hỏi có thông tin suốt 2 năm qua 4 thuyền viên chỉ được lên bờ đúng một lần và tiền lương của 4 thuyền viên đã bị chủ tàu giữ lại để trả tiền ăn và mua vé máy bay về nước, ông Phong cho biết: Các thuyền viên đi Đài Loan từ ngày 20/12/2012, tính đến nay mới làm việc hơn 8 tháng nên không thể có chuyện suốt 2 năm qua thuyền viên chỉ được lên bờ một lần duy nhất.
Ông Phong cũng cho hay, hiện các thuyền viên đã nhận lương đến hết tháng 7/2013. Mỗi tháng lương của thuyền viên là 400 USD, trừ đi 50 USD tiêu vặt, trung bình mỗi tháng thuyền viên nhận được 350 USD.
Theo hợp đồng với công ty môi giới Liên Hợp (Đài Loan) lương của các thủy thủ được trả theo quý, nhưng công ty TTLC trả theo tháng cho gia đình thủy thủ sau khi đã trừ tiền chi tiêu.
“Thực tế chúng tôi đã trả lương cho thuyền viên Hoàng Văn Hậu đến tháng 8 và Lê Đình Anh đến tháng 7. Sở dĩ thuyền viên Lê Đình Anh mới được trả lương đến tháng 7 vì ngay sau khi nghe thông tin thuyền viên bỏ trốn chúng tôi đã tạm dừng việc chi trả lại”, ông Phong nói.
Theo ông Phong, hiện 2 lao động quê Nghệ An của công ty TTLC đã về đến nhà, nhưng theo xác minh của công ty thì lao động Lê Đình Anh đã về thẳng Khánh Hòa.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Tường, từ ngày thuyền viên Trần Văn Dũng xuất cảnh (20/12/2012) Công ty Servico Hà Nội cũng đã chi trả lương đầy đủ theo hợp đồng cho gia đình lao động, bao gồm lương quý I và lương quý II/2013.
“Không có chuyện thuyền viên không được công ty Đài Loan trả lương…”, ông Tường khẳng định.
VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này….
Vũ Điệp