- Tại trạm khí tượng Láng (quận Đống Đa) nhiệt độ lên tới 39,4 độ. Tại Hà Đông, nhiệt độ là 38,4 còn tại thị xã Sơn Tây nhiệt độ là 38,5.
Nắng nóng còn kéo dài
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của rìa phía Nam rãnh áp thấp bị nén nối với vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn mạnh nên ngày 15/5 nắng nóng tiếp tục xảy ra trên diện rộng.
Ở khu vực phía đông Bắc Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ, các tỉnh Bắc - Trung Trung Bộ và ven biển Nam Trung Bộ với nền nhiệt độ phổ biến 36 - 38 độ.
Nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung còn kéo dài (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TW cho biết, tại Hà Nội, vùng đô thị trung tâm có mật độ bê tông hóa cao, ít cây cối, nhiều nhà cao tầng là điểm nóng nhất.
Tại trạm khí tượng Láng (quận Đống Đa) nhiệt độ lên tới 39,4 độ. Tại Hà Đông, nhiệt độ là 38,4 còn tại thị xã Sơn Tây nhiệt độ là 38,5.
Nhiệt độ ngoài trời tại các điểm trên lên tới 42-43 độ.
Riêng tại Ba Vì, nhiệt độ ngày 15/5 trong lều khí tượng là 40,1 độ C. Nhiệt độ tại đây cao như vậy là do trước khi có nắng nóng, người dân đã chặt cây keo thu hoạch khiến diện bao phủ bởi cây xanh bị thu hẹp, nhiệt tăng.
Các địa phương lân cận Hà Nội như Nam Định cũng nắng nóng tới 39,7 độ; Hòa Bình 39,9 độ; Nho Quan (Ninh Bình) 39,6 độ.
Miền Trung thực sự là “chảo lửa” khi mà nhiệt độ toàn miền phổ biến ở mức 37-39 độ, một số nơi xấp xỉ 40 độ và nhiệt độ ngoài trời lên tới 43-44 độ.
Kết hợp với gió phơn hoạt động mạnh, đẩy khối áp thấp nóng lan rộng, miền Trung nắng nóng ngột ngạt, khô khốc, càng tăng cảm giác oi bức
Ông Hải cho biết, nắng nóng đến mức 38-39 độ như hiện nay sẽ giảm nhẹ cường độ vào ngày mai (về mức 35-36 độ) nhờ mưa giông vào chiều và tối.
Ngày thứ 7, chủ nhật thời tiết vẫn oi bức với nền nhiệt phổ biến 35-36 độ, tuy nhiên không còn điểm nào nắng nóng tới 39-40 độ như hiện nay.
Trẻ nhỏ ồ ạt nhập việnThời tiết nắng nóng kéo dài vài ngày vừa qua khiến nhiều trẻ em và người già không “trụ” nổi, đã ngã bệnh.
Tại BV Nhi TƯ, số bệnh nhi đến khám trung bình 3.000 lượt trẻ/ngày, tăng từ 10-15% so với thời điểm bình thường. Việc tăng số bệnh nhi đến khám cũng xảy ra ở các khoa Nhi của các bệnh viện như Xanh Pôn, Bạch Mai. Tại Nghệ An, số trẻ nhập viện vì nắng nóng đã tăng gần gấp đôi.
Trẻ em chờ vào khám tại BV Nhi TW |
Bệnh chủ yếu trẻ gặp ở thời điểm này là tiêu chảy và hô hấp.
Bác sỹ Vũ Quý Hợp, nguyên trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện Nhi TW cho biết bệnh trẻ dễ mắc nhất trong thời điểm nắng nóng gay gắt như hiện nay là bệnh tiêu chảy do vi khuẩn gây nên.
Trong điều kiện nhiệt độ cao, kéo dài liên tục, thức ăn sẽ dễ bị lên men, tạo môi trường tốt cho các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển.
Phụ huynh cần chú ý việc trẻ đi ngoài trong thời điểm này. Nếu trẻ đi ngoài ra máu thì đó là dấu hiệu cho thấy trẻ bị lỵ - một bệnh tiêu chảy rất nguy hiểm. Nếu trẻ vừa đi ngoài vừa khóc cùng lúc thì đó là dấu hiệu cho thấy trẻ bị đau bụng.
Các bệnh về nhiễm khuẩn tiêu hóa, đường ruột cũng rất phổ biến, do đó cần hết sức cảnh giác và theo dõi sát sao sức khỏe trẻ. Ngoài ra, bệnh hô hấp tại thời điểm này tuy không diễn biến phức tạp như thời điểm giao mùa song vẫn xảy ra với nhiều trẻ do bị nhiễm lạnh.
Việc sử dụng điều hòa nhiệt độ cần hợp lý, nên để ở mức 27-28 độ, tránh sốc nhiệt cho trẻ bằng cách tắt điều hòa trước khi ra ngoài, mở cửa để không khí nóng dần hòa trộn với khí lạnh, giúp trẻ có thời gian thích nghi.
Ngoài trẻ em, người lớn tuổi cũng là đối tượng có nguy cơ cao bị ảnh hướng tới sức khỏe, gây đột quỵ và tai biến. Các bác sỹ khuyến cáo người lớn tuổi nên tập thể dục lúc trời mát mẻ, ăn uống đủ chất nâng cao đề kháng và tránh sốc nhiệt.
Ngọc Anh