- Theo thông tin từ Tổng cục thống kê, chỉ tính riêng trong tháng 4/2013 đã có 59 người chết và bị thương, thiệt hại 389 tỷ đồng do thiên tai (mưa đá, lốc xoáy… ở các địa phương).

Ngoài ra, có 118 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi; gần 23.000 ngôi nhà bị ngập nước, sạt lở, tốc mái; khoảng 3 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, trong đó 1,7 nghìn ha mất trắng. Mưa đá sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới.

Thiệt hại nặng, chưa thể thở phào

Đây là con số chưa tính đến thiệt hại của trận mưa đá lớn diễn ra đêm 30/4, rạng sáng 1/5 tại một loạt các tỉnh miền núi phía Bắc vừa qua. Trận mưa đá này đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân ở các địa phương trên.

Tại Lào Cai, mưa đá xảy ra ở cả 9 huyện với gió lốc mạnh cấp 9, giật cấp 10, 11 kéo dài 20 phút khiến 10 người bị thương, 83 nhà bị sập đổ, tốc mái 3.865 ngôi nhà, 34 trường học, một số gian hàng của 3 khu chợ, 16 cột điện hạ thế bị đổ, 39 ha diện tích ngô và hoa màu bị ngã đổ.

Toàn tỉnh Yên Bái đã có gần 3.600 nhà dân bị mưa lốc làm hư hỏng, trong đó có 22 nhà bị sập đổ hoàn toàn, số còn lại bị tốc mái. 1 người bị thương do bị tấm lợp rơi vào đầu. Mưa lốc cũng làm gãy, đổ gần 200 ha lúa và hoa màu.

Tại Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, tình hình cũng không khả quan hơn khi mà một loạt nhà cửa, diện tích hoa mày của người dân bị hư hỏng, trong đó có nhiều nhà cửa sập đổ hoàn toàn.

{keywords}
Mưa đá gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền núi phía Bắc

Trong những ngày tới, người dân nơi đây vẫn chưa thể “thở phào nhẹ nhõm” vì không khí lạnh vẫn đang tiếp tục tràn về.

Từ chiều ngày 3/5 và chiều ngày 10/5 sẽ tiếp tục có các đợt không khí lạnh gây ảnh hưởng đến miền Bắc.

Tuy không gây lạnh, rét nhưng những khối khí lạnh này gây ra sự tranh chấp mạnh giữa hình thái thời tiết nóng – lạnh, khiến giông, tố, lốc và mưa đá lớn xuất hiện.

Do đó, người dân cần được thông tin kịp thời và hướng dẫn cụ thể để chằng chống nhà cửa, tìm nơi trú ẩn an toàn, hạn chế được thiệt hại.

Được báo trước một ngày

Trao đổi với VietNamNet, ông Lưu Minh Hải, Giám đốc đài khí tượng thủy văn Lào Cai cho biết đợt mưa đá, giông lốc diễn ra vào rạng sáng 1/5 trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai được báo trước khoảng một ngày trước đó.

Ngoài ra, với các diễn biến thời tiết cực đoan, thông thường bản tin dự báo có độ chính xác cao nhất thường được đưa ra khoảng 6 tiếng trước khi xảy ra sự việc.

Với các bản tin thời tiết cực đoan như trên, sau khi có đầy đủ thông tin và phát bản tin dự báo, Trung tâm khí tượng gửi công văn (qua fax) đến 3 nơi: Đài truyền hình tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh và UBND tỉnh.

Ngay sau đó, các huyện, thị trấn sẽ nhận được thông tin trực tiếp qua điện thoại để kịp thời triển khai các biện pháp đối phó.

Tuy nhiên, với địa hình hiểm trở, người dân định cư phân tán, thông tin rất khó để đến với họ kịp thời. Do đó, dù liên tiếp xảy ra nhưng thiệt hại do thiên tai không giảm xuống.

Hiện nay, thời tiết tại các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn tiếp tục có mưa nhỏ trên diện rộng. Do mưa đá có khả năng tiếp diễn liên tiếp nên các hoạt động phòng chống được tiến hành từ thời điểm này.

C.Quyên