- Dù thừa nhận hiệu quả tích cực trong việc bảo vệ môi trường, song phần lớn dư luận đều cho rằng đi xe đạp để chống tắc đường là không khả thi. Thậm chí ngay cả mục đích bảo vệ sức khỏe cũng không đạt được trong điều kiện môi trường khói bụi như hiện tại.
>> Đi xe đạp có giảm ùn tắc?
>> 900 triệu có giảm được ùn tắc Thủ đô bằng xe đạp?
Khỏe và tiết kiệm
Trước thực trạng quá tải phương tiện và ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn, nhiều ý kiến cho rằng đi xe đạp là phương án phù hợp, vừa có lợi cho sức khỏe, vừa bảo vệ môi trường.
Chia sẻ sau 1 tháng đi làm bằng xe đạp, độc giả Nguyễn Thanh cho rằng di chuyển bằng xe đạp tại thành phố lớn chỉ chậm khoảng 10 phút so với xe máy cho quãng đường từ 5-6km.
Đi xe đạp giúp rèn luyện sức khỏe và tiết kiệm |
"Đi làm bằng xe đạp tạo cảm giác dễ chịu, thấy nhịp sống chậm lại và bản thân thấy thanh thản hơn nhiều khi đi xe máy", độc giả này nhận xét.
Đồng quan điểm, thành viên Metincoi trên Webtretho cũng cho rằng đi xe đạp giúp giảm khí thải ra môi trường, giảm tốc độ sống, nâng cao tinh thần tâm lý sau khi ngồi ì ở cơ quan 8 tiếng đồng hồ.
Ngoài ra theo thành viên này, một yếu tố khác để ủng hộ đi xe đạp chính là lý do tiết kiệm. Theo tính toán, 1 năm không đi xe máy, tiền xăng sẽ đủ mua 1 chiếc xe đạp "xịn".
"Nên xem đây là giải pháp tạm thời khi phương tiện công cộng chưa phát triển đủ cho nhu cầu của người dân", độc giả này nhấn mạnh.
Làm một phép tính đơn giản, độc giả Mai Lan cho rằng nếu vợ chồng chị cùng đi xe đạp, mỗi tháng sẽ tiết kiệm được khoảng 1,4 triệu đồng.
Cụ thể, tiền xăng xe hiện tại cho 2 chiếc xe máy khoảng 800.000 đồng/tháng. Tiền gửi xe tại khu tập thể mỗi tháng 200.000/xe, tiền gửi xe tại nơi làm việc 100.000/tháng/xe.
"Cái được trước mắt là một năm có thể tiết kiệm 16 triệu đồng. Chưa kể sức khỏe được nâng cao, thay vì phải đến các trung tâm fitness hay yoga, giờ chỉ cần mỗi chiếc xe đạp vẫn đảm bảo cơ thể dẻo dai, săn chắc", chị Lan phân tích.
Trước băn khoăn của nhiều người cho rằng đi xe đạp không an toàn, bạn đọc Toàn Thắng cho rằng xe đạp có vận tốc nhỏ nên chủ phương tiện hoàn toàn có thể chủ động trong nhiều tình huống. Trong trường hợp nhận thấy dấu hiệu nguy hiểm, có thể "bỏ của chạy lấy người".
"Đi xe đạp có thể chậm vài phút, nhưng mọi người có thể đi làm sớm hơn ít phút. Từ thay đổi thói quen sẽ giúp thay đổi môi trường sống", độc giả Trần Văn Biên bày bỏ.
Tuy nhiên, theo đề xuất của nhiều độc giả, để khuyến khích người dân đi xe đạp, nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ. Có thể giảm giá xe đạp hoặc đặt xe đạp tại các điểm công cộng sau đó cho người dân sử dụng làm các phương tiện trung chuyển có thu phí và quản lý thông qua nhiều hình thức.
Đi xe đạp... dễ loạn
Bên cạnh các ý kiến ủng hộ đề án đi xe đạp, nhiều độc giả cho rằng việc "ép" người dân đi xe đạp là thiếu thực tế, không khả thi, mục đích kích cầu ngành sản xuất loại xe này cũng không đạt được.
Theo độc giả Nguyễn Hải Hà, mục đích dùng xe đạp để giảm tắc đường sẽ không hiệu quả.
"Đơn cử, xe máy có vận tốc 30km/h, xe đạp là 10km/h. Bạn đi từ A đến B hết 10 phút xe máy, 30 phút xe đạp. Như vậy tính ra xe đạp chiếm dụng mặt đường gấp 3 lần xe máy về thời gian", anh Hà phân tích.
Do đi chậm hơn nên xe đạp dễ gây tắc đường hơn vào giờ cao điểm (Ảnh minh họa: 24h) |
"Xe máy có luật còn chạy bát nháo không quản nổi. Đến lúc xe đạp nhan nhản đầy đường, mỗi khi tắc đường sẽ lao cả lên vỉa hè, cứ chỗ nào hở là lách thì khi ấy lại cần thêm luật cho xe đạp sao", độc giả Phan Bình lo ngại.
Lấy ví dụ một cách đầy hài hước và sinh động, một thành viên trên diễn đàn ô tô viết "Nếu ngày nghỉ muốn đưa vợ con đi ăn nhà hàng cách nhà 6km thì cũng đi xe đạp cho đỡ tắc. Khi đó sẽ có thêm luật cấm xe đạp chở quá số người quy định".
Một lý do khác được nhiều người đưa ra, thời tiết tại Việt Nam không thích hợp để đi xe đạp, nhiệt độ ngoài trời vào mùa hè có thể lên tới 41-42 độ C.
Buổi sáng mùa hè, nếu đi xe đạp đến cơ quan, người sẽ ướt sũng mồ hôi do đường xấu nên mất sức nhiều hơn đi xe đạp tại nhiều nước khác. Trong khi hầu hết các cơ quan không có phòng tắm, gây bất tiện. Bên Châu Âu khí hậu luôn mát mẻ ôn hòa nên họ có thể đi xe đạp quanh năm.
Nhìn nhận trên phương diện sức khỏe, độc giả Vũ Mạnh Hiếu thẳng thắn bày tỏ mục đích này cũng sẽ không đạt được do đi xe đạp cần nhiều sức hơn, hít thở sâu hơn, trong khi môi trường không khí toàn bụi, khói xe thì hoàn toàn không có lợi.
Chỉ ra nhiều điểm bất tiện khác, thành viên Cafe_omai trên diễn đàn Webtretho chia sẻ chị em sẽ không được mặc váy ngắn, chân váy các loại. Do chỉ phù hợp cự ly ngắn, nên khi có việc đột xuất phải mượn xe đồng nghiệp. Đi xe đạp dễ bị cướp đồ, khi sang đường dễ gây tai nạn do không có xi nhan như các loại xe khác...
Khi xét đến mục tiêu để kích cầu ngành sản xuất xe đạp như trong đề án Sở Công thương đề ra, nhiều ý kiến đánh giá mục tiêu này rất khó thực hiện.
"Xét trên tình hình thực tế, thị trường xe đạp Việt Nam hiện nay đang được chiếm lĩnh bởi các loại xe đạp nhậu khẩu với kiểu dáng đa dạng, chất lượng tốt và giá cả phong phú, phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Các hãng sản xuất xe đạp nội đang rất yếu thế ngay tại sân nhà vì không đủ sức cạnh tranh", bạn đọc Xuân Khoa dẫn chứng.
Nhà máy sản xuất xe đạp Thống Nhất vốn rất nổi tiếng, hiện cũng chỉ còn 2 điểm bán hàng tại Hà Nội.
Do vậy, nhiều ý kiến đồng tình nên thử nghiệm trước. Có thể nghiên cứu phát triển xe đạp tại các thành phố nhỏ, thành phố vệ tinh như Vũng Tàu, Vĩnh Long... Những thành phố này ít ô nhiễm, giao thông chưa ùn tắc, vỉa hè chưa bị lấn chiếm nhiều. Khi thấy phù hợp, có thể áp dụng đại trà tại các thành phố lớn.
Đ.Tâm (tổng hợp)