- Theo Sở Công thương Hà Nội, việc phát triển xe đạp trong giao thông sẽ là giải pháp giảm ùn tắc hiệu quả, góp phần tiết kiệm nhiên liệu và giảm ô nhiễm môi trường.
Mới đây, Sở Công thương trình UBND TP.Hà Nội “Đề án sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường”.
Sở Công thương TP.Hà Nội trình đề án đi xe đạp để giảm tắc đường (Ảnh
minh họa: Infonet).
Theo phân tích của Sở Công thương, lượng ô tô, xe máy tăng quá nhanh trong đô thị là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc, đe dọa nghiêm trọng các cơ sở hạ tầng, làm ô nhiễm môi trường khiến số lượng người dân mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp ngày một tăng.
Ngoài ra, các loại nhiên liệu xăng dầu ngày càng đắt đỏ và khan hiếm.
Theo tính toán, một chiếc ô tô có diện tích lấn chiếm đường bằng 6-7 chiếc xe đạp.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, hiện Hà Nội có khoảng 30 nhà máy, xí nghiệp sản xuất, lắp ráp xe đạp nhưng không tiêu thụ được sản phẩm, do đó nếu đề án được chấp thuận sẽ tạo điều kiện kích cầu kinh tế.
Nhiều thành phố phát triển trên thế giới hiện có tỷ lệ người tham gia giao thông bằng xe đạp rất cao như Amsterdam (Hà Lan), London (Anh)... Trong đó Amsterdam là 1 trong 10 thành phố sạch nhất thế giới.
Sở Công thương Hà Nội cho rằng đề án này là cần thiết trong tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, quy hoạch giao thông còn chưa hoàn chỉnh. Việc người dân có ý thức sử dụng xe đạp sẽ tạo ra sự thay đổi nhận thức lớn khi tham gia giao thông.
Đề án dự kiến thực hiện trong 24 tháng với kinh phí khoảng 900 triệu đồng để tính toán về chất lượng đường sá, phương pháp quản lý, quy hoạch giao thông...
Tuy nhiên xung quanh đề án này có nhiều ý kiến trái chiều, không ít người hoài nghi về tính khả thi, liệu đi xe đạp có giảm được ùn tắc?
Thứ nhất, các nước phát triển khuyến khích đi xe đạp do họ có cơ sở hạ tầng tốt, làn đường rộng và có làn đường dành riêng cho xe đạp. Trong khi đường sá tại Hà Nội phổ biến là đường nhỏ. Nếu muốn quy hoạch cần thời gian dài và vô cùng tốn kém.
Thứ hai, trường hợp để xe đạp đi chung với các phương tiện khác sẽ làm cho giao thông càng thêm rối loạn và nguy hiểm. Bằng chứng là diện tích sử dụng lòng đường của xe đạp cũng xấp xỉ xe máy nhưng do đi chậm, nhiều người nghênh ngang nên mật độ phương tiện vào giờ tan tầm lớn, nguy cơ ùn tắc càng cao.
Thứ ba, xe đạp chỉ phù hợp với một số người không phải di chuyển nhiều, thích hợp với các chuyến đi cự ly ngắn từ 3-5km. Trong khi thực tế mỗi cá nhân có thể có rất nhiều loại chuyến đi trong 1 ngày, với các chuyến đi dài, xe máy sẽ hiệu quả hơn, nên không thể "ép" mọi người đi xe đạp.
Thứ tư, Hà Nội cũng thường xuyên xảy ra tắc đường vì xe đạp vào những thập niên 80-90 của thế kỷ trước, dù lúc đó dân số thành phố chỉ có hơn 2 triệu người.
Do đó nhiều ý kiến cho rằng, đề án của Sở Công thương TP. Hà Nội chỉ nên nhấn mạnh về ý nghĩa bảo vệ môi trường, sức khỏe, còn việc giảm ùn tắc thì không khả thi.
Theo đề xuất, Hà Nội nên ưu tiên tập trung phát triển các loại phương tiện công cộng như xe bus, tàu điện ngầm...
Trước những vấn đề nêu trên, VietNamNet mở diễn đàn về việc sử dụng xe đạp chống ùn tắc để bạn đọc có thể đóng góp ý kiến nhằm xây dựng đề án này hoàn thiện hơn.
Mọi ý kiến, bài viết góp ý, chia sẻ xin gửi về [email protected]
VietNamNet