- Việc thu phí tải nhạc trên mạng lẫn những biện pháp an ninh nhằm chống việc vi phạm bản quyền phim ảnh ngoài rạp hiện nay chẳng khác nào đá ném ao bèo.

NGƯỜI QUAN SÁT
Buồn vì đẳng cấp sao Việt hay sao Hàn?
“Bí quyết” giúp phim Hàn đẩy lùi Hollywood

“Gangnam Style”: Đại sứ, gã hề hay nghệ sĩ?

Những điều nhố nhăng rùm beng showbiz Việt

Bảo tàng 'khủng' và câu chuyện niềm tin

Từ phim siêu nhảm đến 44 tỷ bốc hơi

Tai tiếng showbiz Việt: Quá định mức, hết khuây khỏa!

|1|. Câu chuyện đầu tiên liên quan đến lĩnh vực âm nhạc mà cụ thể là trang web chuyên cho tải nhạc Zing mp3. Cách đây đúng 1 tháng, dư luận đã được một phen sôi sục sau khi hàng loạt trang thông tin lớn của thế giới từ AP đến New York Times, từ Washington Post đến FoxNews... của Mỹ đồng loạt đưa tin về việc hai thương hiệu lớn của thế giới đồng loạt rút quảng cáo khỏi trang Zing của Việt Nam vì trang này cho phép người dùng tải xuống những ca khúc Việt cũng như bài hát nước ngoài mà chưa được phép.

Động thái nhỏ mà không nhỏ này của hai thương hiệu nước ngoài trên được cho là sự báo động với nạn vi phạm bản quyền tràn lan trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở VN, đặc biệt là âm nhạc. Đây cũng là đòn cảnh cáo với các website đang vi phạm bản quyền một cách trắng trợn.

Nhiều năm qua rất nhiều nghệ sĩ đã kêu trời về việc họ bỏ công sức, thời gian, chất xám và cả núi tiền ra làm một album nhưng vừa phát hành, ngay ngày hôm sau các bản đĩa lậu đã xuất hiện nhan nhản ngoài kệ đĩa còn các bài hát của họ thì bị copy vô tội vạ trên mạng. Do vậy rất ít đĩa nhạc đạt được doanh số cao và cũng không có được con số tiêu thụ thực bởi nhiều khi bản đĩa lậu còn được bán nhiều hơn bản gốc vì giá rẻ.

Trong khi đó, đa phần người nghe nhạc lại không có ý thức mua đĩa gốc như một sự ủng hộ các nghệ sĩ cũng như thể hiện văn hóa tôn trọng bản quyền.

Cũng chính vì điều này mà chiến dịch "nghe có ý thức" do nhạc sĩ Huy Tuấn và Quốc Trung khởi xướng gần đây đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều ca sĩ có tiếng, giới truyền thông cũng như những người nghe nhạc có ý thức về việc sử dụng nhạc số có bản quyền, một việc làm quá bình thường ở các nước phương Tây nhưng vẫn còn xa lạ tại VN.


Thông điệp của chiến dịch mang đầy tính thực tế này càng hợp thời khi từ ngày 1/11, nhiều trang web nghe nhạc đồng loạt thử nghiệm việc thu phí tải nhạc. Mức tiền 1000đ cho một lần tải nhạc không phải lớn nhưng sẽ là rất lớn với hàng triệu người nghe nhạc Việt Nam vốn chỉ thích "nghe nhạc chùa" như một thói quen. 

Tuy nhiên, sau vài ngày áp dụng việc thu phí tải nhạc, ngoài những bài hát trong 100 album có thỏa thuận với Hiệp hội ghi âm VN - RIAV, người nghe vẫn có thể tải về vô tư nhiều ca khúc trong nước và nước ngoài mà không phải trả phí, cũng không gặp bất cứ hàng rào cản trở nào.

Chưa hết, các trang web này vẫn cho phép người dùng tải nhạc 128kb miễn phí, chỉ thu phí tải chất lượng 320kb nên vô hình chung vẫn tạo kẽ hở cho việc vi phạm bản quyền một các đường hoàng. Thêm một câu hỏi nữa đặt ra là nếu chỉ thu tiền tải nhạc mà người dùng vẫn nghe nhạc miễn phí vô tư thì liệu hiệu quả của việc thu phí này sẽ tới đâu trong việc nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền âm nhạc của người nghe?

Cách làm nửa vời này xem chừng chẳng thay đổi được gì cục diện nhiễu loạn của thị trường âm nhạc hiện nay. Xem ra việc áp dụng hình thức bán nhạc trực tuyến có bản quyền như "đại gia" iTunes mãi chỉ là mơ ước mà thôi. Cuối cùng người chịu thiệt hại ở đây vẫn là các nghệ sĩ.

|2|. Phim ảnh cũng được cho là một trong những vực bị vi phạm bản quyền khủng khiếp nhất tại nhiều nước châu Á, trong đó Việt Nam. Rất nhiều bộ phim lớn của Mỹ nếu phát hành chậm so với thị trường nước ngoài thì luôn luôn ra rạp khi các bản đĩa lậu đã xuất hiện nhan nhản ngoài đường cũng như các kệ đĩa. Nhiều trang web chuyên về phim cũng cập nhật liên tục các bản phim từ mọi quốc gia (tất nhiên là không có bản quyền) để phục vụ một lượng người xem không nhỏ vừa muốn xem phim giết thời gian, lại không muốn bỏ tiền ra rạp mua vé.

Liên quan đến câu chuyện bản quyền, trong một buổi chiếu phim nước ngoài vào đầu tháng 11 vừa rồi tại Hà Nội, bà Cục trưởng Cục Điện ảnh có chia sẻ rằng BTC LHP Quốc tế HN đã phải vận dụng mọi mối quan hệ và uy tín của mình để thương thảo với nhà phát hành "A Seperation", bộ phim giành giải Oscar cho Phim nước ngoài hay nhất 2012 để có được hai suất chiếu trong LHP Quốc tế HN diễn ra vào cuối tháng 11 tới mà không phải trả phí bởi giá mua bản quyền một bộ phim giành giải Oscar, dù là phim Iran thực sự là "ở trên trời".



Với thị trường phim ngoại chiếu rạp tại Việt Nam đang phát triển với tốc độ chóng mặt thì việc tôn trọng bản quyền là điều kiện quan trọng để các studio và nhà phát hành phim Mỹ hàng đầu dành quyền ưu tiên cho các nhà phát hành Việt Nam.

Chính vì vậy, vài năm trở lại đây, giới truyền thông và nhiều khán giả Việt Nam đã phải làm quen với việc buộc phải gửi lại toàn bộ các thiết bị điện tử trước khi vào phòng chiếu mỗi khi được xem những bộ phim được công chiếu trước ngày khởi chiếu toàn cầu để đảm bảo không một hình ảnh nào của phim bị phát tán ra ngoài.

Không chỉ phải tuân thủ yêu cầu bản quyền nghiêm ngặt nói trên từ phía studio, nhà phát hành tại VN chỉ nhận được một mã kích hoạt bản phim ngay trước giờ chiếu đã đăng ký để đảm bảo bộ phim hoàn toàn được bảo mật về mặt nội dung.

Đây là những biện pháp an ninh nhằm kiểm soát và hạn chế phần nào nạn sai chép và in lậu các bản phim Mỹ vốn bị coi là vấn đề nhức nhối ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên giải pháp này cũng chỉ giống như "đá ném ao bèo", bởi các bản phim lậu của những bộ phim dù là bom tấn bằng nhiều cách khác nhau vẫn xuất hiện như nấm sau mưa chỉ một thời gian ngắn sau khi phim ra rạp.

Tôn trọng vấn đề bản quyền và mong muốn cho khán giả Việt Nam tiếp cận với những tác phẩm điện ảnh thực sự chất lượng ngoài rạp thay vì những bản phim chép lậu kém chất lượng, đã có hơn 1 nhà nhập khẩu phim ngoại mạnh tại Việt Nam vẫn liên tục thương thảo với các studio và nhà phát hành lớn của nước ngoài để mua bản quyền các bộ phim độc lập, những tác phẩm điện ảnh nghệ thuật giành giải cao tại các LHP và giải thưởng điện ảnh danh giá của thế giới như Cannes, Oscar đưa về thị trường VN.

Rõ ràng, việc xem một bộ phim gốc ngoài rạp với chất lượng âm thanh và hình ảnh hoàn hảo không chỉ là việc tôn trọng bản quyền mà còn là quyền của người xem. Một bộ phim không thể coi là một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa với hình ảnh nhòe nhoẹt, âm thanh méo mó được quay trộm ngoài rạp.

"The Aritist", Phim hay nhất Oscar 2012 được mua bản quyền chiếu rạp tại VN vào ngày 11/5 với tựa "Nghệ sĩ", gần 3 tháng sau lễ trao giải Oscar.

Vài chục ngàn đồng cho một chiếc vé xem phim hay vài trăm ngàn cho một bản DVD chính gốc cho một bộ phim có bản quyền xem ra không phải là khoản tiền quá cao cho câu trả lời về chất lượng và ý thức.

Hạnh Phương