Khi khoản tiền dành cho việc tu bổ chùa Trăm Gian còn chưa được rót xuống thì Thành phố đã phải dành một khoản kinh phí không nhỏ để "giải quyết hậu quả" của việc trùng tu "chui" vừa qua.

Một nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng Việt Nam có một liên tưởng rất hài hước về việc "trùng tu" chùa Trăm Gian rằng di tích ngàn tuổi giống như một ông bố già cả được các con đưa vào viện chữa bệnh. Bác sĩ bảo ông ấy ốm yếu quá rồi, chữa trị rất khó và khuyên gia đình hãy thay thế bằng một ông bố mới khỏe mạnh và trẻ hơn rồi mang về phụng dưỡng.


Nhận lỗi là xong?

Nhà Tổ và gác Khánh ở chùa Trăm Gian được dựng mới hoàn toàn.

Những ngày qua, chùa Trăm Gian đã trở thành một địa chỉ nóng không chỉ thu hút sự quan tâm của giới văn hóa, những người làm di sản mà còn được công chúng trong và ngoài nước chú ý sau khi nhà Tổ, gác Khánh và bậc lên xuống của di tích quốc gia đặc biệt này bị phá đi và xây mới. Đã có nhiều bài báo, nhiều diễn đàn được mở ra để bàn về mức độ xâm hại di tích, bàn về trách nhiệm của những người liên quan.

Khi vụ việc được báo chí phanh phui, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội cùng Sở VHTTDL Hà Nội đã ngay lập tức vào cuộc, đình chỉ thi công công trình vi phạm Luật Di sản, tạm đình chỉ chức vụ của nhiều cá nhân liên quan. Công tác kiểm điểm, thanh tra cũng được gấp rút triển khai để làm rõ trách nhiệm của từng người trước khi đưa ra đưa ra kết luận cuối cùng.

Ông Chủ tịch xã Tiên Phương cũng mạnh dạn nhận lỗi rằng lãnh đạo địa phương đã không sâu sát trong quản lý vụ việc. Trụ trì chùa Trăm Gian Thích Đàm Khoa cũng tự nhận lỗi thuộc về mình và cho hay không rõ lắm về Luật di sản?! Sư thầy Thích Đàm Khoa giải thích lý do tự ý tiến hành hạ giải gác Khánh và nhà Tổ là do công trình đã xuống cấp nên không thể chậm trễ. Vội đến mức không thể chờ sự đồng ý của các cấp lãnh đạo?!

Sư thầy Thích Đàm Khoa đã nhầm lẫn khi cho rằng là trụ trì thì mình có quyền quyết định mọi việc liên quan đến ngôi chùa mà không hiểu rằng bà chỉ tu hành ở chùa Trăm Gian còn đây là di tích quốc gia, là của toàn dân. Trong cuộc họp báo chiều 30/8, ông Phạm Quang Long - Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cũng nói: "Một số nhà sư trụ trì nhầm lẫn ở chỗ này: nơi mình tu hành khác hoàn toàn với việc tài sản đó do mình làm chủ".

Thiệt đơn thiệt kép

Viên ngói mới được làm thay thế trông thật phản cảm

Khi tất cả đã là sự đã rồi và các bên có trách nhiệm đã lên tiếng nhận lỗi thì người ta mới vỡ lẽ UBND Huyện Chương Mỹ đã có văn bản đề nghị Sở VHTTDL phối hợp đề xuất UBND thành phố phương án trùng tu Di tích chùa Trăm Gian và UBND thành phố đã đồng ý về mặt chủ trương tại công văn ký ngày 18/11/2009.

Sở Kế hoạch và đầu tư TP.Hà Nội đã ra quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử chùa Trăm Gian từ ngày 13/4/2010. Kế đó, Sở VHTTDL Hà Nội ngày 29/7/2011 đã có công văn đề nghị cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo chùa Trăm Gian và được Bộ VHTTDL chấp thuận.

Ngày 14/9/2011, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chấp thuận chủ trương trên. Tuy nhiên, sau gần 1 năm mà dự án tu bổ chùa Trăm Gian vẫn nằm im do chưa bố trí được nguồn kinh phí đầu tư dù nhiều hạng mục của di tích đang bị xuống cấp trầm trọng.

Báo cáo kết quả kiểm tra việc tu bổ, tôn tạo gác Khánh và nhà Tổ chùa Trăm Gian của huyện Chương Mỹ ngày 21/8 nêu rõ: "Do bức xúc bởi nguy cơ sụp đổ nhà Tổ và gác Khánh, ảnh hưởng việc khách thập phương đến chùa lễ Phật và những kiến nghị của nhân dân, ngày 19/7/2012 (tức ngày 1/6 Âm lịch), Sư thầy trụ trì chùa Trăm Gian và nhân dân địa phương hạ giải khi nhà Tổ, gác Khánh và xây dựng mới toàn bộ Khu nhà Tổ, gác Khánh bằng gạch đá, xi măng, gỗ.... Kinh phí thực tế hết khoảng 5 tỉ đồng, nguồn kinh phí do Sư thầy vay và công đức của khách thập phương (Chưa có ngân sách nhà nước)". 

Làm sao có thể phục dựng lại nguyên trạng công trình này?

Vậy là nếu khoản tiền dành cho việc tu bổ chùa Trăm Gian  được rót xuống ngay sau khi chủ trương tu bổ  chùa Trăm  Gian được thông qua thì thành phố đã không phải mất một số tiền chắc chắn lớn hơn để "giải quyết hậu quả" bằng cách xây dựng phương án và tiến hành phục hồi nguyên trạng nhà Tổ, gác Khánh và bậc cấp sân trước tiền đường. Đó là chưa kể 5 tỷ đồng mà nhà chùa đi vay và tiền công đức của dân để "làm mới" chùa đã đổ xuống sông xuống bể. Và còn biết bao nhiêu tiền đổ vào những cuộc họp, cuộc đi khảo sát... sau khi phát giác vụ việc chùa bị xâm hại.

Tiền mất đã đành, di tích đã mất cũng không thể trở lại nguyên trạng ban đầu trong khi niềm tin của nhiều người đã bị tổn thương nghiêm trọng. Bài học này thật sự quá đắt!

Hạnh Phương