- Giọng hát Việt nhí khép lại, những đứa trẻ bước ra khỏi sân khấu của truyền hình là bước ngay ra sân khấu cuộc sống với thông tin show diễn của các em xuất hiện liên tục trên mặt báo. Cuộc khai thác bắt đầu và liệu đã đến lúc cần cảnh báo về hai từ “lạm dụng”?

Có thể thấy ngay trong những liveshow liên tiếp từ Bắc chí Nam mời gọi thí sinh hậu The Voice Kids và cũng như khả năng kí kết hợp đồng tiếp tục ghi âm, khai thác của BTC với những thí sinh nhí đoạt giải cao.

{keywords}

 Quán quân và á quân The Voice Kids tiếp tục đắt show Nam - Bắc.

Khai thác hình ảnh của trẻ em trong bất cứ lĩnh vực nào đều cần sự cẩn trọng đặc biệt. Bản chất của truyền hình thực tế lẫn những hệ lụy chạy đua hút nguồn lực của nó lại càng không đùa với trẻ em. "Mệt lắm!" - có lẽ là thán từ đọng lại rõ nhất trong trí nhớ của người quan sát sau khi nghe tâm sự của cậu bé Ngọc Duy hậu The Voice Kids mùa đầu tiên.

Cảm giác của cậu học sinh 12 tuổi tương đồng với phụ huynh 42 tuổi Lương Quốc Thái - cha của bé Thùy Mai - cũng là thí sinh lọt vào vòng chung kết gameshow này khi ông thổ lộ trong bài viết "Tôi đưa con đi thi The Voice Kids" lan truyền nhiều trên mạng. Và điều khiến người lớn đau lòng nhất là phát biểu của chính HLV Hiền Thục: "Tôi sẽ không bao giờ để con mình tham gia The Voice Kids".

Hai nguy cơ chính không khó để nhìn ra: nguy cơ lạm dụng về thời gian/sức khỏe thể chất trẻ em - và nguy cơ bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm lý/tinh thần. Các em đã liên tục bị đòi hỏi/kì vọng thể hiện năng lực tối đa, đồng thời phải tương tác với hàng triệu người xem không phân biệt trình độ văn hóa, khả năng kiềm chế và ứng xử.

Không phải không có lý khi một số quốc gia phát triển đã phải xây dựng những điều luật riêng biệt và chi tiết để bảo vệ lao động trẻ em nói chung và trẻ em hoạt động trong nền công nghiệp giải trí nói riêng. Luật lao động trẻ em (năm 2003) của Úc giới hạn về số giờ làm việc trong tuần, ngoài ra còn giới hạn thời gian hoạt động muộn về đêm để đảm bảo sức khỏe cho các em. Giả sử chiểu theo định dạng chương trình The Voice Kids 2013 với thí sinh tham gia từ 9 tuổi trở lên, nếu em phải trình diễn sau 10 giờ tối sẽ là phạm luật. Các show diễn mời gọi các em tham gia cũng không thể để trẻ em biểu diễn quá muộn.

{keywords}

 Ông Lương Quốc Thái - phụ huynh thí sinh Thùy Mai, bên cạnh là phụ huynh thí sinh Võ Thu Hà

Từ thực tế này, nếu tồn tại một bản hợp đồng kín giữa BTC chương trình và phụ huynh các thí sinh như ông Lương Quốc Thái nêu ra trong bài viết Tôi đưa con đi thi The Voice Kids sẽ là điều bất hợp lý. Liệu cha mẹ của rất nhiều em đến từ vùng xa, vùng nông thôn liệu có đủ khả năng nắm rõ về việc phải bảo đảm quyền lợi (thời gian, chăm sóc sức khỏe..) cho con em mình trong một cuộc chơi với các đại gia truyền thông giải trí.

Liệu BTC có cam kết sẽ cùng hiệp lực với họ bảo vệ con cái họ trong cuộc chiến dư luận vốn chưa bao giờ là yên ả khi có sự cố xảy ra? Hay là sẽ lại có một trường hợp Quỳnh Anh như năm 2012?

Ở một góc nhìn chuyên môn khác, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cảnh báo: "Trẻ đến tuổi dậy thì sẽ thay đổi hoàn toàn về giọng hát. Các trường nhạc phải bỏ hệ sơ cấp của môn thanh nhạc là vì 9/10 em lúc lớn không hát được nữa. Các bậc phụ huynh nghĩ rằng con mình là nghệ sĩ và đưa đi diễn sẽ ảnh hưởng tới các môn văn hoá, đến lúc sau này muốn lựa chọn lại e rằng sẽ khó cho các em!"

Xin được kết bằng phát biểu của Alanis Morissette, nữ ca sĩ tham gia nền công nghiệp giải trí từ khi 10 tuổi và từng đoạt nhiều giải Grammy: "Tôi nghĩ một đứa trẻ trong nền công nghiệp giải trí là một hình thức lạm dụng trẻ em. Bọn trẻ sẽ phải chịu đựng nhiều hơn khả năng của chúng, ngoài những khía cạnh vui vẻ của công việc. Hiển nhiên, đó chính là một kiểu lạm dụng".

Hồ Hương Giang