- Có một mâu thuẫn dường như không thể giải quyết được khi nhạc sến luôn “bị” những người làm âm nhạc chuyên nghiệp coi “rẻ tiền” song nó lại có sức sống, sức lan tỏa mạnh. Vì sao?

LTS: Từ bài phỏng vấn nhạc sĩ Quốc Trung ngày 10/9, câu chuyện xung quanh dòng nhạc sến và ảnh hưởng của nhạc sến đang trở thành một tranh luận “nóng” chưa thấy hồi kết, kéo theo các yếu tố lịch sử mang tính đặc thù của dân tộc. Báo VietNamNet xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu, lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long - Phó Ban biên tập Nhà xuất bản Âm nhạc Dihavina, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Câu chuyện tranh cãi về dòng nhạc được gắn với cái tên “sến” đã bắt đầu từ lâu nhưng chưa biết bao giờ có thể kết thúc. Có một mâu thuẫn dường như không thể giải quyết được khi nhạc sến luôn “bị” những người làm âm nhạc chuyên nghiệp coi “rẻ tiền” song nó lại có sức sống, sức lan tỏa mạnh. Vì sao thế? Cần nhìn nhận khách quan vấn đề này.

 

{keywords}

Các nhạc sĩ/ca sĩ tham gia ý kiến về nhạc sến

Nhạc “sến”: nhìn từ góc sáng tác hay người nghe?

Nhạc “sến” có thể coi là một thuật ngữ dùng để chỉ dòng nhạc tình cảm thiên về tình yêu đôi lứa với sự chia ly vốn phổ biến ở Sài Gòn cùng với sự phát triển của văn hóa phòng trà trước năm 1975. Đây là cách gọi của người miền Bắc và xuất hiện sau năm 1975, lúc đầu có ý miệt thị về một dòng nhạc ủy mị, khiến con người ta dễ sa đà vào tình cảm sướt mướt của tình yêu đôi lứa - tức là thiên về cái tôi cá nhân mà thiếu đi tinh thần tập thể vốn là một trong những điều tối cần thiết trong giai đoạn đất nước mới thống nhất và đang hừng hực khí thế xây dựng lại sau những mất mát từ chiến tranh.

Cho nên ở một góc độ nào đó, với ý nghĩa như vậy thì tên gọi với ý nghĩa ấy phù hợp với một giai đoạn lịch sử nhất định. Ngoài từ nhạc sến, dòng nhạc này còn được gọi là nhạc vàng, tức nhạc tình cảm buồn, để đối trọng với nhạc đỏ với những ca khúc kháng chiến đề cao tinh thần quyết tâm đấu tranh cao, với khí thế hừng hực.

Tuy nhiên, giới âm nhạc và công chúng nghe nhạc miền Nam gọi nó là dòng nhạc tình. “Tây” hơn nữa được gọi là nhạc bolero. Ngay cả bây giờ, nhiều ca sĩ cũng có ý tránh tên gọi “sến”, “vàng” vì có lẽ còn e ngại sự miệt thị từ công chúng nên “dệt” cho nó cái tên khá “mỹ miều” và cũng rất thông minh khi gắn cả tinh thần dân tộc vào đó trong cụm từ: nhạc trữ tình quê hương.

Một thú vị có thể sẽ bất ngờ, tưởng rằng Sài Gòn là “đất thánh” sinh ra và nuôi dưỡng cho dòng nhạc này nhưng thực tế Hà Nội mới là điểm khởi đầu. Ở Hà Nội nhạc tình có xuất phát điểm sớm, ngay đầu những năm 1940 cùng sự xuất hiện của tân nhạc.

Sau năm 1954 nhạc tình không được khuyến khích ở miền Bắc, song nó đã được các nhạc sĩ từ Hà Nội mang theo khi di chuyển vào phía Nam. Sự mới mẻ cộng với lợi thế thể hiện tâm hồn đầy lãng mạn của những người đang yêu lại được khoác lên bởi những giai điệu rủ rỉ, đượm buồn đã nhanh chóng chinh phục người nghe miền Nam. Thêm vào đó, việc không bị hạn chế phát triển nên chỉ trong thời gian ngắn dòng nhạc này đã có sự phát triển mạnh mẽ.

Cách nhìn có phần thiếu thiện chí từ một số nghệ sĩ chuyên nghiệp hiện nay (chủ yếu phía Bắc) đối với dòng nhạc này có lẽ xuất phát từ những quan niệm trên đây; đồng thời có thể họ cho rằng, với dòng nhạc một màu, chỉ khai thác một chủ để tình yêu đôi lứa khiến dòng nhạc này thiếu đi tính sáng tạo và chất nghệ thuật. Lý luận trên đây có thể đúng với những người làm âm nhạc luôn muốn hướng tới những mới mẻ song điều đó không quan trọng đối với người nghe.

Sự thực thì người nghe chỉ cần những gì thật gần gũi, đúng với tâm trạng và nói một cách hết sức nôm na là “lọt cái lỗ tai”. Điều này có lẽ nhạc sến là một trong số ít dòng nhạc cho tới thời điểm hiện nay đã làm được tốt nhất.

 

{keywords}

Vinh Sử - nhạc sĩ được người yêu nhạc của ông gọi là “ông vua nhạc sến” – bên cạnh các ca sĩ nổi tiếng của dòng nhạc này

“Nhạc sến có liên hệ mật thiết với dân ca”

Ở một góc độ khác, hãy thật cẩn thận khi phê bình về chất lượng nghệ thuật, hãy tự đặt câu hỏi tại sao nhạc sến lại có sức sống bền bỉ cùng sự ảnh hưởng rộng đến thế. Hãy thử một lần đặt mình vào địa vị người nghe để thưởng thức những giai điệu nhạc sến bằng đôi tai của người hiểu biết âm nhạc, sau đó giải mã cái gọi là “nghịch lý” của nó.

Không ít người sẽ rất ngạc nhiên khi dòng nhạc này có mối liên hệ mật thiết với những bài dân ca. Không kể những “Chiếc áo bà ba” (Trần Thiện Thanh), “Còn thương rau đắng mọc sau hè” (Bắc Sơn), “Chuyến đò quê hương” (Vy Nhật Tảo)… vốn ảnh hưởng trực tiếp từ dân gian, ngay cả những ca khúc “sến xịn” như “Chuyến xe lam chiều”, “Làm dâu xứ lạ”, “Người phu kéo mo cau” (Vinh Sử), “Đêm buồn tỉnh lẻ” (Tú Nhi - Bằng Giang), “Mưa đêm tỉnh nhỏ” (Hà Phương)… vẫn nói là bolero, rumba cho “sang”, chứ nếu không gọi bằng những cái tên ấy và chỉ giữ nguyên phần tiết tấu nhạc đệm sẽ thấy từ trên nền tiết tấu đó, có thể hát được rất nhiều bài dân ca từ Quan họ hay đồng bằng Bắc bộ đến Nam bộ.

Giai điệu của những ca khúc sến thường cũng đơn giản, sự phát triển không quá phức tạp chính là một nét gần gũi với dân ca. Trong khi đó, nhìn lại quá khứ nhạc Việt, từ thuở hồng hoang, chúng ta là một dân tộc thiên về nhạc hát chứ không phải nhạc đàn. Vì thế, chạnh nghĩ việc phát triển các dòng nhạc khác, kể cả khí nhạc là cần thiết nhưng sẽ không có dòng nhạc nào có thể đánh bật được nhạc hát. Cái tên dòng nhạc trữ tình quê hương cũng vì thế mới không trở nên kệch cỡm, lố bịch.

“Khó có thể đánh bại nhạc sến”

Tất nhiên, không thể phủ nhận việc nghe quá nhiều dòng nhạc buồn, thường nói về sự chia tay bi đát của những cuộc tình dang dở sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới tinh thần người nghe. Bài học lớn đã nhìn thấy đối với chính quyền miền Nam Việt Nam trước năm 1975; đồng thời chứng minh “âm nhạc cũng là một thứ vũ khí sắc bén” mà nhạc sĩ Cát Vận đã từng nói trong một bài viết mới đây của ông trên tạp chí Âm nhạc Việt Nam khi nhắc tới sự tiếp nối của dòng ca khúc cách mạng.

Thanh Sơn - tác giả của “Nỗi buồn hoa phương” - một trong những nhạc sĩ đình đám của nhạc sến chia sẻ lúc đầu rất khó chịu với cách gọi này rồi ông tìm cách “sống chung với lũ”. Với Vinh Sử, tác giả “Nhẫn cỏ trao em” còn cảm thấy vui khi mọi người yêu quý gọi là “ông vua nhạc sến”. Thực tế, nhạc sến, nhạc vàng đã không còn được hiểu theo ý miệt thị mà trở thành một thuật ngữ tương đương với các thuật ngũ dùng chỉ các dòng nhạc khác. Nên, đối với giai đoạn hiện nay, sự miệt thị về dòng nhạc này trong một bộ phận âm nhạc chuyên nghiệp cần phải được gạt bỏ.

 

{keywords}

Nhà nghiên cứu, lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long

Đồng thời cũng cần nhìn nhận những đóng góp của nhạc sến đối với đời sống tinh thần người dân. Không phải ngẫu nhiên một dòng nhạc có thể bám rễ vào đời sống nên cũng không dễ dàng “bứt” nó ra. Điều người nhạc sĩ có thể làm nếu thực sự muốn đẩy lùi nhạc sến vào quá khứ chỉ có con đường duy nhất là tạo ra một dòng nhạc khác đủ sức thay thế trong lòng người nghe. Đồ rằng, sáng tạo ra một dòng nhạc khác không phải là bolero thiên về trữ tình nội tâm thì khó đánh bật được nhạc sến trong lòng người Việt.

Nguyễn Quang Long

Lý luận âm nhạc