Được mời tham dự cuộc thi hoa hậu đầu tiên của TP.HCM, nhưng Diễm My không tham gia vì chị biết mình sẽ bị loại 'từ vòng gửi xe' do thừa chiều cao, quá tuổi quy định.
Đến với điện ảnh bằng sự tình cờ, nhận vai chính đầu tiên cũng không phải từ tài năng diễn xuất của mình, Diễm My luôn cho rằng mình may mắn với nét đẹp trời phú nên mới có được sự ưu ái của các đạo diễn đến thế.
Tưởng chừng như con đường đến với nghệ thuật đã khép lại sau những vai diễn không thể tệ hơn thì một lần nữa, theo Diễm My, chính sự may mắn đã đưa chị đến với nhiếp ảnh gia Nguyễn Kỳ.
Trong thập niên 1980, Diễm My được mệnh danh là Nữ hoàng Ảnh lịch.
Hoa hậu không ngai
Thời đó cả Sài Gòn chỉ có nhiếp ảnh gia Nguyễn Kỳ có máy chụp hình rửa phim màu, và Diễm My cũng như bao cô gái trẻ khác đều muốn lưu lại những khoảnh khắc của tuổi thanh xuân. Chị tìm đến Nguyễn Kỳ không phải với vai trò một diễn viên được mời chụp hình mà đơn giản chỉ là một vị khách bình thường.
Bởi không chỉ Nguyễn Kỳ, mà có lẽ rất nhiều người khi đó không thể nhớ nổi Diễm My đã từng đóng phim gì. Chị chia sẻ: ‘Anh Nguyễn Kỳ khi đó rất nổi tiếng ở chợ Tân Định khi làm việc với rất nhiều diễn viên đã thành danh khác.
Tôi có đem hình đến rửa ở tiệm của anh. Không phải tôi được anh mời chụp mà chỉ đến rửa cuốn phim màu. Khi tôi đến, anh không biết tôi là ai, nhưng có thể tôi phù hợp với công việc anh đang làm, nên anh Kỳ đã mời tôi chụp hình lịch cho anh.
Thời đó chụp hình cũng đơn giản, chỉ cần cầm trái hồng hay trái táo. Tôi cũng chẳng cần phải khóc lóc hay diễn đạt tâm trạng như trong phim, chỉ cần cười mỉm, mắt long lanh, quần áo xanh đỏ là chụp được ngay.
Gương mặt tôi có nét lai khá lạ với tiêu chuẩn vẻ đẹp thời đó, mái tóc dài nhìn cũng sang trọng quý phái nên dễ gây ấn tượng với khán giả. Những năm 80 không có tranh để treo nên mọi người thường mua lịch về coi như trang trí nhà luôn.
Và cứ thế từ lịch một tờ, lịch lốc, lịch bướm đến gương lược, hộp mứt, đến kẹp tóc, vé số, thậm chí là hộp quẹt đều có hình tôi. Mà những năm đó tư duy cũng đơn giản, năm trước chụp ăn khách thì năm sau lại tiếp tục mời mình chụp. Vậy là hình ảnh của tôi phủ sóng ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam một cách tình cờ như thế’.
Năm 1984, Diễm My được mẹ tổ chức bữa tiệc sinh nhật hoành tráng kỷ niệm tuổi 22 tại một nhà hàng ở trung tâm Sài Gòn.
Diễm My luôn tự nhận mình gặp may mắn, mọi thứ đến với chị chỉ là cái duyên mà vô tình chị nắm bắt và sử dụng nó rất tốt. May mắn cũng được, và nếu là duyên lại càng quý, mới nếu không có những điều đó, thì chắc nền nghệ thuật Việt Nam đã chẳng có một ‘hoa hậu không ngai’ Diễm My với độ phủ sóng dày đặc.
Với những năm đầu bước chân vào nghệ thuật của chị, gọi là may mắn cũng đúng, nhưng gọi là khó khăn cũng không sai. Bởi ít có diễn viên nào sau những vai diễn đầu tiên lại trắc trở đến thế. Không thể khẳng định được tên tuổi, quyết định dừng bước. Nhưng nghệ thuật không cho chị rẽ sang hướng khác, và chị lại tiếp tục lao vào nó như thể nghệ thuật là nơi chị thuộc về.
‘Khi đó bộ lịch điện ảnh cần một khuôn mặt mới, nên tôi được bổ sung vào như một sự mới lạ của phim ảnh Việt Nam. Cũng đươc ghi chú là ‘diễn viên điện ảnh Diễm My’ nhưng khi đứng cạnh những đàn chị như Hà Xuyên, Thuý Lan, Lê Vân thì danh hiệu đó đối với tôi có đôi chút xấu hổ.
Không ngờ từ bộ lịch đó, các đạo diễn lại nhìn nhận mình như một diễn viên mới mà không ai hay rằng mình đã đóng phim từ lâu mà không nổi được. Và các lời mời đóng phim lại đến với tôi, mỗi đạo diễn cho một vài cơ hội để tôi có thể trau dồi, tích luỹ kinh nghiệm cho sự nghiệp điện ảnh quá khó khăn này’.
Nói nhan sắc của Diễm My đủ để trở thành một đối thủ nặng ký trong các cuộc thi hoa hậu không hề sai, nhưng chị lại không tham gia bất cứ cuộc thi nào. Điều đó dễ hiểu bởi lần đầu tiên một cuộc thi sắc đẹp được tổ chức tại Việt Nam là Hoa hậu Thành đoàn diễn ra vào năm 1989.
Tuy nhiên tại thời điểm này, Diễm My đã 27 tuổi trong khi độ tuổi thí sinh là từ 18 đến 25. Ngay cả chiều cao quy định từ 1,50m đến 1,65m trong khi chị lại cao tới 1,73m. Thừa chiều cao, quá tuổi tác có thể là bất lợi của Diễm My nhưng vô tình chị lại được phong danh hiệu ‘Hoa hậu không ngai’ mà chẳng cần thi bất cứ cuộc thi sắc đẹp nào.
Diễm My có dịp đóng phim cùng đàn anh Nguyễn Chánh Tín vào năm 1986.
Bắt đầu diễn được từ khi bị người yêu bỏ
Miệt mài nhận vai từ những đạo diễn ấn tượng với chị qua tờ lịch, Diễm My vẫn âm thầm nỗ lực và học hỏi diễn xuất không mệt mỏi. Cuối cùng, những cố gắng của chị cũng được ghi nhận khi năm 1990, chị được mời sang dự Liên hoan phim tại Nga với vai thứ chính trong bộ phim Phía sau cuộc chiến.
Mất hơn 10 năm để đạt được một sự thành công nhất định, chặng đường đó là quá dài cho một diễn viên triển vọng thời bấy giờ. Diễm My vẫn nhớ như in ngày đó, bởi bộ phim này đã đưa chị lên một nấc thang mới trên con đường của chính mình:
‘Với Phía sau cuộc chiến, tôi đã được ghi nhận ngoài sắc ra, mình cũng có một chút khả năng. Hơn 10 năm từ 1979 đến 1990, tôi cặm cụi đóng phim nhưng không thể ghi dấu trong điện ảnh, chỉ có hình tôi là xuất hiện ngập tràn mọi nơi.
Mọi người ra rạp đơn giản là để xem tôi trên lịch như thế, khi trên phim có khác gì không. Và các đạo diễn cũng mời tôi với lý do tôi đẹp, chỉ cần đi lại trên phim là đủ để thu hút khán giả ra rạp rồi.
Thời đó truyền hình chưa phát triển, lại quá nhiều phim màn ảnh rộng nên tên tôi đôi khi được dùng để câu khách. Tôi không buồn, cũng không nản lòng, chỉ biết cố gắng hơn cho đến một ngày được thành công.
Năm 1989, Diễm My đóng quảng cáo cho một sản phẩm mỡ trăn.
Quay lại năm 1983 với vai diễn cô giáo Dung, tôi không thể khóc, cũng không thể diễn đạt được nội tâm nhân vật. Điều đó hoàn toàn lý giải được bởi cuộc sống của tôi quá yên bình, không có trắc trở nào để mình có thể trải nghiệm và ghi nhớ những cảm xúc đó.
Đến năm 1987 khi bị người yêu bỏ, đạo diễn bảo khóc là khóc được ngay. Hoá ra diễn viên là như thế, nếu không có năng khiếu thì bắt buộc phải có trải nghiệm. Là diễn viên, ai chẳng thích mình được mọi người nhớ đến bằng những vai diễn, chẳng ai muốn người ta xem mình vì mình xinh, vì mình xuất hiện nhiều.
Nhưng tôi biết rằng, khi cánh của này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra cho tôi, và đến với chụp ảnh lịch là cánh của quá lớn để tôi có thể được tiếp tục làm nghệ thuật.’
Diễm My trong tà áo dài nữ sinh, vào vai một nữ biệt động thành can đảm trong phim Dòng sông hoa trắng. Phim còn có sự tham gia của hai nghệ sĩ Lê Khanh và Trà Giang.
Mất hơn 10 năm để khẳng định khả năng bản thân, đó cũng là lúc thời kỳ vàng son của điện ảnh Việt Nam với dòng phim ‘mì ăn liền’ xuất hiện. Với một loạt tên tuổi như Lý Hùng, Việt Trinh, Diễm Hương, Thu Hà… nổi lên, Diễm My nghĩ rằng, đã đến lúc mình phải dừng lại. Và chị đã chọn cho mình một lối đi khác khi thành công vừa mới bắt đầu.
Theo VTC News