Vào thời hoàng kim, Lý Hùng là diễn viên có mức cát xê cao kỷ lục: 30 triệu cho một tập phim, tương đương hơn 60 cây vàng thời bấy giờ.
Thành công quá lớn đến với anh khi tuổi đời trẻ, với Phạm Công Cúc Hoa anh thành danh năm 16 tuổi, Người không mang họ năm 17 tuổi… đã giúp anh có một cuộc sống khá sung túc, nhưng tất cả tiền anh đều đưa về cho mẹ giữ.
Tiền trong túi mẹ anh, lo toan chi trả cuộc sống gia đình cũng có, dùng tiền làm từ thiện cũng nhiều, còn Lý Hùng không đặt nặng vấn đề kinh thế quá: ‘Ở độ tuổi đó, cậu thanh niên Lý Hùng muốn chứng tỏ mình, muốn làm việc thật nhiều hơn là những con số cát sê.
Tôi không quan tâm tổng cộng tôi có bao nhiêu tiền, tôi chỉ mong muốn số lượng vai diễn của tôi ngày càng nhiều, mà vai nào cũng phải có giá trị nhất định. Mình là nghệ sĩ, chỉ biết sống và cống hiến cho nghệ thuật. Hôm nào rảnh đi chơi xin mẹ tiền đi ăn uống, cà phê với bạn bè là vui lắm rồi’.
Không chỉ dừng ở đó, Lý Hùng cũng có thể được coi là một trong những diễn viên đầu tiên của điện ảnh Việt Nam được mời hợp tác với các hãng phim danh tiếng nước ngoài, cụ thể là xứ Hương Cảng. Nói về điều đó, anh cho biết:‘Năm 1993, một nhà sản xuất phim người Mỹ gốc Hoa mời tôi qua Hồng Công đóng phim, tôi cứ tưởng đùa, bởi mình có tên tuổi ở Việt Nam thật, nhưng vươn ra nước ngoài là điều chưa bao giờ nghĩ tới. Đến khi xem kịch bản, là vai chính, tôi lại càng ngạc nhiên, và quyết định tham gia.
Một kỷ niệm vui đó là khi lên Công an Văn hoá xin phép xuất ngoại đóng phim, các anh đồng ý liền và rất tạo điều kiện, đồng thời còn động viên mình cố gắng đóng cho tốt. Bởi họ biết mình là người Việt Nam, tên tuổi mình tạo dựng ở Việt Nam thì tại sao mình phải bỏ đất nước mà đi?'.
Nhớ mãi lời mời 'nhảy đầm' của ảnh hậu Lê Tư
'Và chính từ lần xuất ngoại đó đã mở ra cho tôi cơ hội tham gia 6 bộ phim hợp tác với nước ngoài: 'Hồng hải tặc', 'Cảnh sát đặc khu' đóng với Thang Thế Nghiệp, 'Phượng Hoàng 99' với Lê Tư và Mạc Thiếu Thông… Năm đó, Lê Tư trả lời báo chí rằng rất thích đóng phim với tôi vì tôi diễn tự nhiên và đẹp trai, tôi liền cám ơn và ngỏ ý mời cô buổi café thì cô nói ngay rằng thích nhảy đầm hơn (cười). Đó là kỷ niệm mà tôi nhớ mãi.
Còn với Mạc Thiếu Thông, trong phân đoạn đánh nhau với tôi, anh tưởng tôi phải dùng diễn viên đóng thế, vì ít người diễn được mà đánh võ cũng giỏi, ai ngờ tôi lại là con nhà võ trước khi là diễn viên, nên anh rất ‘đã’ khi đóng những phân đoạn này với tôi. Nghĩ lại cũng vui, khi mình được làm việc với một ê kíp nghiêm túc, hiện đại, và tự xác định phải cố gắng hơn nữa trong những vai diễn của mình'.
Từ những kinh nghiệm như thế, Lý Hùng cho đến nay đã đạt Kỷ lục Guiness Việt Nam cho Nam diễn viên đóng vai chính nhiều nhất cho hơn 60 phim, chưa kể những vai phụ của anh. Và con số đó chắc chắn chưa dừng lại ở đó, khi anh vẫn đang miệt mài trên trường quay với những vai diễn mới của mình.
‘Tôi không có thời gian theo dõi xem mình xuất hiện nhiều như thế nào, nhưng chắc chắn tôi không cảm thấy nhàm chán bản thân tôi. Thời đó, cố gắng hết sức để khán giả không chán mình thôi, chứ mình còn chán mình thì ai người ta thích nữa?
Tôi dừng đóng phim gần 7 năm để đi diễn ca nhạc, bởi thời kì đó, cả điện ảnh lẫn truyền hình đều bão hoà. Khán giả vẫn hỏi sao tôi không đóng nữa, đóng đi chứ nhớ lắm rồi đó. Đó là động viên lớn nhất đối với tôi. Tôi sợ khán giả nói ông này hết thời rồi, chứ người ta vẫn nhớ mình, mình xúc động lắm’ – anh cho biết thêm.
Chưa bao giờ thấy mình nhàm chán
Lý Hùng không thấy mình nhàm chán cũng có lý do, bởi nếu một nghệ sỹ thường gắn liền với một tác phẩm, thì anh lại có quá nhiều phim để mọi người nhớ đến. Học sinh, sinh viên thích anh qua Nước mắt học trò; nếu lớn tuổi hơn lại hâm mộ anh qua Phạm Công Cúc Hoa, Người không mang họ; phim dã sử anh có Thăng Long hào kiệt; tình cảm lại có Thiên đường bên ta; hình sự là Đô la trắng, Lệnh truy nã…
Trong mắt khán giả, anh là diễn viên đa năng, có thể đóng được mọi loại vai, thể hiện được tất cả tâm lý một vai diễn cần có. Thế nên, không khó hiểu khi Lý Hùng lại vang bóng một thời đến thế.
Cho đến giờ, anh vẫn nhớ như in quá trình đóng từng phim anh đã tham gia. Anh chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình: ‘Khi tham gia đóng ‘Phạm Công Cúc Hoa’, có đoạn Phạm Công đánh giặc chiến thắng trở về. Cảnh đó tôi phải phi ngựa trên đồi cao xuống, phi qua máy quay phim thì dừng lại, trước mặt vài trăm mét là vực sâu.
Là con nhà nòi, tôi biết cưỡi ngựa nên không cần người đóng thế. Đạo diễn hô ‘bắt đầu’, tôi quất roi phi như bay xuống, cảnh phi ngựa trong hoàng hôn đẹp lắm. Phi qua máy quay, đạo diễn hô ‘cắt’, cả đoàn làm phim vỗ tay, tôi dừng quất roi, nhưng ngựa vẫn tiếp tục lao về phía vực sâu.
Lúc đó tôi hoảng lắm, cả đoàn làm phim cũng hoảng mà không hiểu tại sao ngựa không dừng lại. Cũng may tôi phán đoán nhanh, hoá ra do thanh gươm đeo bên hông vẫn liên tục thúc vào ngựa làm ngựa chạy điên cuồng. Vứt vội thanh gươm xuống đất, kéo cương cho ngựa dừng lại, lúc dừng cũng chính là lúc sát mép vực sâu, tôi hú hồn thoát chết trong tiếng vỗ tay của cả đoàn làm phim’.
Lý Hùng chia sẻ rằng, anh may mắn được sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, sống được bằng nghề, tạo dựng được sự nghiệp của mình mà không bị phủ những cái bóng quá lớn của gia đình.
Thế nhưng, thói thời bao giờ cũng thế, có vượng thì có suy, và khi thời thịnh vượng qua đi là lúc những cơn bĩ cực đến và đó cũng là lúc Lý Hùng biết rằng ngoài điện ảnh anh vẫn còn những tài năng khác chưa từng nghĩ sẽ sử dụng đến để mưu sinh.
Theo VTC