- Được khởi dựng từ năm 1810, có họa tiết hoa văn mang đậm văn hóa nhà Nguyễn, năm 2004 nơi này đã được UNESCO vinh danh là “Ngôi nhà cổ dân gian Việt Nam”.
Ông Phạm Ngọc Tùng (SN 1952, trú xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), chủ nhân của ngôi nhà cổ này cho biết, nó có nguồn gốc do cụ Bát giữ chức quan bát phẩm, đời nhà Nguyễn khởi dựng. Ông Tùng là đời thứ 7 được thừa kế di sản đặc biệt này. Ban đầu, ngôi nhà gồm có 9 gian rộng lớn. Năm 1961, do có chút thay đổi nên nó chỉ còn lại 7 gian và được duy trì cho đến nay.
Ngôi nhà cổ này được đặt trên nền địa thế chếch hướng Đông Nam, rộng hơn 9m, dài 21,7m và cao 8m. Hiện căn nhà có tất cả 7 gian, trong đó 3 gian chính giữa dùng để thờ tự dòng họ Phạm, các gian còn lại dùng để sinh hoạt.
Kết cấu trong nhà có 3 chuồng cửa chính với 12 cánh, mỗi chuồng cửa rộng từ 2,8-3m, ngoài ra còn có 2 chuồng cửa phụ. Trong 3 gian thờ tự đặt 8 câu đối làm bằng gỗ, khắc chữ nho và có ấn điểm của nhà Nguyễn.
Họa tiết trang trí trong ngôi nhà này được trình bày hết sức tinh tế và hiếm gặp nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa thể hiện nét văn hóa độc đáo của thời kỳ nhà Nguyễn mà không phải ngôi nhà nào cũng có được.
“Đây là ngôi nhà cổ được dựng theo kiến trúc đời Nguyễn, nhà thiết kế theo kiểu lộn thềm, chồng giường kẻ bảy, họa tiết hoa văn Long - Ly - Quy - Phượng, Tùng - Trúc - Cúc - Mai. Căn nhà được làm từ 9 loại gỗ khác nhau và có sẵn tại địa phương như: Sến, Táu, Xoan, Lác, Xà đanh… Nếu giở ra thì phải đến mấy xe ô tô tải gỗ nguyên bản”, ông Tùng nói.
Hàng ngày, gia đình ông Tùng đón hàng chục lượt khách xa gần lui tới thăm quan, tìm hiểu.
Toàn cảnh ngôi nhà cổ hơn 200 năm tuổi. |
Chính diện ngôi ngôi nhà cổ được trang trí 8 câu đối làm bằng gỗ được gắn trên 8 cột và có dấu ấn thời Nguyễn. |
Hoa văn trang trí trong ngôi nhà được bố trí rất cầu kỳ và khoa học. |
Ông Tùng đang cầm trên tay chiếc hộp có tuổi thọ bằng với tuổi thọ ngôi nhà. Đó là tráp đựng vật chứng, dấu tích về ngôi nhà này. |
Đây là một trong nhiều đồ vật có niên đại hàng trăm năm trong nhà ông Tùng. |
Trong giai đoạn từ năm 1959 – 1973, ngôi nhà này là nơi quân đội dùng để dự trữ quân lương. |
Duy Lê