Thời bao cấp, nguồn cổ vật của các bảo tàng Việt Nam chủ yếu từ tiếp thu của bảo tàng cũ hoặc được các nhà sưu tầm trong và ngoài nước tình nguyện cho, tặng, hoặc tự gom nhặt manh mún. Giờ đây, thị trường cổ vật đang “nóng” lên nhờ có nguồn kinh phí không nhỏ. Thế nhưng, có tiền, nhưng mua được cổ vật cho bảo tàng cũng chẳng đơn giản…
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TPHCM) thu hút sự quan tâm của du khách. Ảnh: ĐỖ HẠNH
Vuột mất cơ hội
Nói về chuyện mua hiện vật, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang vẫn nhớ một kỷ niệm cay đắng. Lần đó, phát hiện có 1 cái nhà sàn hơn 100 tuổi, rất giá trị, ông Phong đến hỏi mua. Chủ nhân đồng ý bán với giá 30 triệu đồng. Ông khấp khởi về làm thủ tục giấy tờ, khi quay lại thì người ta nâng giá lên 60 triệu đồng. Điếng người, nhưng ông cũng chấp nhận. Lại về lo giấy tờ. Quay lại thì giá đã lên tới 120 triệu đồng.
Ông Hồ Tấn Mười, cán bộ Phòng nghiên cứu - sưu tầm, Bảo tàng TP Đà Nẵng, cũng khá lận đận trong chuyện này nên rất thấu hiểu. Ông cười chua chát bảo rằng đôi khi cán bộ bảo tàng đi sưu tầm hiện vật lại bị hiểu lầm (là người đi buôn cổ vật) nên bị người ta hét giá lên cao một cách không hợp lý.
* Theo quy chế tự chủ tài chính, các bảo tàng chỉ được tự quyết định khi mua sắm tài sản dưới 100 triệu đồng. Số tiền này mà mang ra mua hiện vật cho bảo tàng thì khác gì muối bỏ biển. |
Theo thống kê, các bảo tàng công lập để mua được một hiện vật, thường phải mất từ sáu tháng đến hơn một năm. Thủ tục hành chính rườm rà không chỉ dẫn đến bị đội giá mà còn làm các bảo tàng vuột mất cơ hội mua đồ quý.
“Có họa sĩ gọi cho tôi bảo đang cần tiền nên muốn bán tranh. Mình đi xem, ưng lắm nhưng thời gian chờ đợi lâu như thế, ai đợi mình được”, bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, than thở.
Theo bà Mã Thanh Cao, UBND TPHCM luôn quan tâm đầu tư kinh phí cho các bảo tàng sưu tầm hiện vật, với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng/năm. Nhưng quy trình để mua được cổ vật phải trải qua ba công đoạn: người sưu tầm đề xuất đồ vật định mua, bảo tàng lập hội đồng chuyên môn để thẩm định, nếu đồng ý thì đưa lên hội đồng thẩm định của thành phố. Đến khâu này thì thời gian bắt đầu bị kéo dài.
“Hội đồng gồm nhiều chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn nên thường phải mất thời gian từ 2-3 tuần mới lập và họp được. Từ lúc chúng tôi tiếp cận, đề xuất với chủ nhân của hiện vật đến lúc mua được, thường phải mất từ ba tháng đến một năm. Người ta cần tiền mới bán nên đâu có chờ mình được lâu như vậy. Thế nên bảo tàng nhà nước luôn chậm chân, vuột cơ hội sở hữu những hiện vật quý”, bà Mã Thanh Cao cho biết.
Theo quy trình, vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 hàng năm, các bảo tàng ở TPHCM họp với hội đồng thẩm định của thành phố, nếu đề xuất được duyệt thì đến cuối năm mới được giải ngân để mua hiện vật.
Trong khi các bảo tàng nhà nước rề rà bao nhiêu thì những nhà sưu tầm tư nhân lại nhanh chóng, tận tâm săn lùng và chớp đúng thời cơ bấy nhiêu. Từ năm 2009 đến nay, làng tranh Việt đã quá quen với tên ông Tira Vanichtheeranont. Nhà sưu tầm người Thái Lan này đã có trong tay hơn 3.000 bức tranh và phác thảo của những họa sĩ Việt Nam được đào tạo tại Trường Mỹ thuật Đông Dương và một số họa sĩ trưởng thành sau kháng chiến chống Pháp.
Họ là những nhân vật quan trọng đã góp phần làm nên lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại như: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Tỵ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Công Văn Trung, Tôn Đức Lượng…
Cứ nghe phong thanh họa sĩ Việt Nam nào có tranh là ông lập tức bay từ Bangkok, Thái Lan đến tận nhà các họa sĩ tỉ tê tâm sự, hỏi mua. Ai đồng ý là ông xuất tiền mua ngay. Nhiều khi số tiền bỏ ra mua tranh, phác thảo và tài liệu liên quan cũng không phải đắt đỏ gì. “Ông ấy xem, thấy được là mua ngay chứ không đi đi, lại lại xem xét, ngã giá… mất thời gian”, một họa sĩ lão thành ở Hà Nội vừa bán cái vèo hơn 400 bức tranh và phác thảo cho ông Tira Vanichtheeranont, cho biết.
Lời nhận xét của họa sĩ ấy chính là điều mà nhà sưu tầm người Thái này ăn đứt các người đồng nghiệp ở những bảo tàng nhà nước.
Nhiêu khê thủ tục
Năm 2012, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM được UBND TPHCM cấp hơn 800 triệu đồng để mua trên 100 hiện vật. Tuy nhiên, để vuột nhiều hiện vật quý giá, bà Mã Thanh Cao tiếc hùi hụi nhưng thừa nhận là không có cách nào khắc phục được, ngoại trừ bảo tàng được cấp kinh phí nhiều và ngay từ đầu năm.
Khi chúng tôi hỏi về dự thảo Thông tư Quy định về sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập mà Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL soạn thảo, bà Mã Thanh Cao cười buồn bảo: “Thủ tục bình thường vốn đã chặt chẽ lắm rồi. Thêm quy định nữa cũng không giải quyết được vấn đề gì”. Còn đại diện nhiều bảo tàng công lập cho rằng, quy trình sưu tầm hiện vật, vốn đã rề rà, sẽ càng chậm chạp hơn nếu tuân thủ đầy đủ bảy bước mà Cục Di sản soạn thảo.
Đó là: tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về hiện vật dự kiến mua; lập phiếu hiện vật dự kiến mua theo mẫu; lập kế hoạch mua hiện vật trình giám đốc bảo tàng xem xét quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch; hội đồng thẩm định mua hiện vật bảo tàng tổ chức thẩm định để lựa chọn hiện vật có đầy đủ tiêu chí của đối tượng sưu tầm theo quy định và xác định giá mua hiện vật theo quy định; trình cấp có thẩm quyền quyết định mua hiện vật; tổ chức mua hiện vật; hoàn thiện hồ sơ hiện vật theo quy định của bảo tàng.
Tiến sĩ Lưu Hùng, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho rằng, nhiều bảo tàng hầu như chưa bao giờ có kinh phí đi tiền trạm. Và sẽ là thiếu thực tế khi hiện vật nào cũng phải lập hội đồng thẩm định trước khi tiến hành sưu tầm. Bản thân các bảo tàng đã có thế mạnh về một hay nhiều lĩnh vực chuyên môn - khoa học liên quan, vì vậy nên để chính giám đốc bảo tàng chủ động thành lập hội đồng.
Theo SGGP