- Giáo sư Ngô Bảo Châu từng băn khoăn về triết lý thoát khổ trong đạo Phật, ông kể rằng mình đã tìm hỏi các vị tăng sư về vấn đề này.

TIN BÀI KHÁC


Tối 9/7, gần 500 khán giả chen chúc trong khán phòng Trung tâm Văn hóa Pháp tại HN để tham gia cuộc trò chuyện với nhà văn Phan Việt, giáo sư Ngô Bảo, dịch giả Lâm Vũ Thao về tác phẩm "Một mình ở Châu Âu" (Bất hạnh là một tài sản).

{keywords}
GS Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt trò chuyện xung quanh tác phẩm "Một mình ở Châu Âu".

"Ở VN, tôi luôn thấy mình không đủ tốt"

Tác phẩm được xếp vào dòng sách du kí, kể về chuyến hành trình đi thăm các thành phố Paris, Venice, Florence... của nhà văn Phan Việt. Xen giữa những xúc cảm xưa cũ kết tạo bằng văn chương, sách vở và nghệ thuật với nhận định về chính thành phố ấy trong thời hiện đại, "Một mình ở Châu Âu" còn là tiếng nói nội tâm khắc khoải của người phụ nữ. Nó thì thầm về một cuộc sống lứa đôi bế tắc và cuộc khởi hành tìm hạnh phúc, tự do.

Chính vì tiêu đề phụ rất đậm chất tuyên ngôn (Bất hạnh là một tài sản) mà hầu hết các câu hỏi của khán giả đều xoay quanh chủ đề bất hạnh và gỡ giải bất hạnh của cuộc đời. Ngoài ra các độc giả trẻ cũng hỏi về hành trình du lịch cụ thể của nhà văn Phan Việt tại Châu Âu và đặc biệt là Paris (Pháp). Dường như rất nhiều người trẻ trong khán phòng cũng đang ấp ủ  cho mình mơ ước được ra đi và khám phá những chân trời mới.

Nhà văn Phan Việt chia sẻ, khi ra đi và làm việc tại nước ngoài, chị thấy mình được nhiều thứ. Quan trọng nhất là được là chính mình. Tại Việt Nam, chị luôn cảm thấy mình không đủ tốt, không hoàn thành được các vai trò khác nhau mà xã hội đòi hỏi cùng một lúc: làm một người mẹ tốt, một người vợ tốt, một người con hiếu thảo, một nhân viên giỏi. Cái mất của chị là không được sống bên cạnh gia đình, cha mẹ và anh chị em.

{keywords}
"Tôi thấy mình có nhiều thành công nhưng cũng có nhiều bất hạnh"

GS Ngô Bảo Châu tâm sự 23 năm trước, khi mới 18 tuổi, ông thấy mình hồn nhiên và ngây thơ, có phần "tồ tẹt". Đến giờ thì hiểu con người hơn, yêu cuộc sống và con người nhiều hơn. Nếu lấy mình bây giờ trừ đi ông của 23 năm trước, GS Ngô Bảo Châu thấy mình có những thành công nhưng cũng có nhiều bất hạnh.

"Thấu hiểu đau khổ để thấy bình an"

Câu hỏi hay nhất đến từ một khán giả 82 tuổi, chưa từng đọc sách Phan Việt. Tình cờ bà có mặt ở Trung tâm văn hóa Pháp và tham dự cuộc tọa đàm. Bà hỏi nếu như bất hạnh là một tài sản, thì cuộc đời bà với nhiều mất mát, đau khổ (chồng và con đều mất sớm, người con gái hiện tại của bà bị chồng phản bội...) có được gọi là tài sản không? Và tài sản ấy có đáng quý hay không?

Phan Việt nói chị không đủ tư cách để trả lời câu hỏi của bà vì bất hạnh của chị có lẽ rất nhỏ bé so với những điều bà đã trải qua. Nhưng Phan Việt nghĩ mỗi người chị biết lại có những nỗi bất hạnh khác nhau, quan trọng hơn cả là cách chúng ta nhìn nhận sự bất hạnh, nhìn thẳng vào nó và đi qua được nó. Trong sách của mình, Phan Việt viết, không phải sự bất hạnh mà là nỗi sợ hãi mới là thứ ăn mòn cuộc sống.

{keywords}

Nhà văn Phan Việt chia sẻ những trải nghiệm trong 2 tháng qua về đạo Phật

Phan Việt kể, 2 tháng nay chị ở chùa, sống với các nhà sư, sáng dậy sớm tụng kinh và nghe giảng pháp. Chị được biết về "Nhất thiết duy tâm tạo", có nghĩa là phàm việc gì cũng là do tâm ý của mình tạo ra. Chị không thể trả lời câu hỏi của bà mà chỉ có thể chia sẻ những kinh nghiệm mà chị có về việc đối mặt với sự khổ đau, bất hạnh.

Tinh thần Phật giáo trong Phan Việt cũng được giáo sư Ngô Bảo Châu hưởng ứng. Từng băn khoăn về triết lý thoát khổ trong đạo Phật, ông kể rằng mình đã tìm hỏi các vị tăng sư và chưa nhận được câu trả lời thỏa mãn.

Tình cờ một khán giả ngồi dưới khán phòng đã gửi một bức thư ngắn cho GS Ngô Bảo Châu. Nó được ông đọc ngay tại khán phòng.

"...Trong đạo Phật, ở đây thoát khổ không có nghĩa là trốn khổ mà là trong khổ hay vui ta đều thấu hiểu nó và có trạng thái tâm lý bình an, không đau đớn. Thoát khổ không phải trốn thoát mà ở trong đó mà vẫn cảm thấy bình an. Tất cả đều dựa trên sự hiểu biết và trải nghiệm. Bất hạnh là một tài sản bởi vì bất hạnh là mảnh đất gieo trồng niềm vui, an lạc. Nó cũng như sen mọc lên từ bùn vậy. Đó cũng là chân lý của đạo Phật. Đạo Phật không trốn khổ mà đón nhận tất cả để chuyển hóa thành niềm an lạc".

Hồ Hương Giang