Chắc ít ai biết sinh ra trong một gia đình nổi tiếng khắp cả nước, chẳng thiếu đẹp trai, hào hoa, vậy mà Chí Trung và người bạn gái Ngọc Huyền phải 'vật vã' 8 năm mới được gia đình nhà gái chấp nhận cho cưới….


4 năm cần mẫn ngủ gật kéo violon

Cứ ngỡ nhắc đến danh hài Chí Trung, nhất định người ta sẽ kèm theo tên của người NSND đáng kính Qúy Dương, cụ thân sinh ra anh, bởi tài năng và sự nổi tiếng của người nghệ sỹ già cống hiến cả cuộc đời cho âm nhạc. Nhưng sau này, người ta nhắc đến cha con anh, như một niềm tự hào 'hổ phụ sinh hổ tử'.

Chí Trung vẫn tự hào mình sinh năm Tân Sửu 1961, đúng thời khắc mà nhà thơ Tố Hữu vẫn gọi đỉnh cao muôn trượng ấy để nhắc nhở lòng những dấu mốc quan trọng của cuộc đời.

Sinh ra giữa thời bom đạn, chứng kiến cả một thời kỳ dài đất nước đổi thay với bao biến cố lịch sử. Tuổi thơ người nghệ sỹ trôi qua trong ngôi chùa yên tĩnh ven thành phố, bên bà nội, bà trẻ và bác ruột.

Những tháng ngày thơ dại ấy, ký ức trong anh là những buổi sáng nô đùa nhặt các mảnh đạn vỡ, mảnh bom bi còn vương vãi trên khoảng sân nhỏ trước chùa. Và nhìn về phía xa xăm, nơi thấy những cột khói ngút trời bốc lên đầy xót xa.

{keywords}

Chí Trung từng là người căm ghét nghệ thuật.

Anh kể dấu mốc đáng nhớ đầu tiên trong đời không đến từ gia đình, mà đến từ biến cố của dân tộc, vào sáng sớm ngày 3/9/1969, lần đầu tiên anh khóc nức nở như một đứa trẻ bị đòn oan khi nghe tin Bác Hồ kính yêu đã mất. Cái buổi sáng đau thương ấy in đậm trong tâm trí anh như một hoài niệm buồn, dù rằng, tuổi thơ anh vốn chẳng thiếu những nỗi cô đơn.

Lần thứ hai anh khoanh tròn ngày tháng trong cuốn lịch cá nhân, ấy là khi đất nước hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, bản nhạc quốc ca hùng tráng nổi lên kết thúc cả một thời kỳ dài dân tộc chìm trong khói lửa chiến tranh.

Và lần thứ ba anh nhớ, là ngày kết thúc quãng thời gian 10 năm cắp sách tới trường, mà anh vẫn 'tự thú': đến bây giờ vẫn không hiểu tại sao mình lại 'lết' hết 10 năm đằng đẵng ấy, dù từng leo lên đến chức liên đội phó của trường phổ thông cấp 2 Lý Thường Kiệt.

Chí Trung vẫn kể lý do duy nhất khiến anh được chọn vào chức vụ liên đội phó chỉ vì biết kéo violon cho cả trường nghe, tuần nào cũng như tuần nào, chỉ chơi một bản duy nhất vào mỗi sáng thứ hai đầu tuần trong buổi chào cờ, mà ai nghe cũng thấy thích.

Suốt 4 năm ròng Chí Trung bị bắt ép học violon vì lý do truyền thống nghệ thuật của gia đình. Bố anh đã đào tạo ra rất nhiều NSND, NSƯT xuất sắc cho nền âm nhạc Việt Nam, mà bất lực vì dao sắc không gọt được chuôi, nhìn con trai như một kẻ ngoại đạo với nhạc cảm, ngậm ngùi cất cây violon trong tiếc nuối.

Người nghệ sỹ nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc nhớ hồi cấp một anh học khá giỏi, lên cấp 2 thì phát hiện ra kẻ thù không đội trời chung là môn hình học, và cuối cùng anh kết luận đầy thú vị, mình không thi đại học được, mà không thi đại học được thì có lẽ chỉ còn con đường nghệ thuật.

Căm ghét nghệ thuật và bị kỷ luật vì "yêu sớm"

Năm 1978, kết thúc 10 năm học đầy 'gian khổ', Chí Trung tới đứng trước mặt bố và nói: con không thể!. Nhưng có lẽ không ai hiểu nỗi lòng con bằng cha mẹ, NSND Qúy Dương chẳng trách con trai nửa lời, chỉ thở dài rồi gật đầu.

Không thi đại học, Chí Trung mông lung trước những ngã rẽ cuộc đời, anh cũng chẳng yêu thích nghệ thuật, nếu không muốn nói là căm thù. Bởi với anh lúc ấy, nghệ thuật đơn giản đã làm gia đình anh không vui, anh sống giữa cái nôi nghệ thuật và không bao giờ tin rằng nó có phép màu lấp lánh như sự tung hô của người đời.

Anh đứng phía sau cánh gà, nhìn vào những nỗi lo toan cơm áo gạo tiền chật vật sau ánh hào quang, nhìn vào những thứ tình cảm mơ hồ vụn vỡ trong tính cách mong manh của những người nghệ sỹ, để rồi buồn rầu nhận ra mình căm ghét điều đó đến nhường nào.

Căm ghét nghệ thuật, vậy mà cuối cùng anh vẫn nộp hồ sơ thi vào Nhà hát Tuổi trẻ, bởi đó gần như là 'bước đường cùng', giúp anh tránh được cổng trường đại học, và cho anh cơ hội bước tiếp, dù rằng con đường ấy chẳng nhiều đam mê.

Lần đầu tiên trong cuộc đời, người bố cả đời sống mẫu mực và liêm khiết của anh phải dắt tay người con trai đến gặp NSND (khi ấy còn là NSƯT) Doãn Hoàng Giang nhờ hướng dẫn khả năng diễn xuất cho Chí Trung. Và căn gác nhỏ bé chất đầy những chồng sách của bác Doãn Hoàng Giang khi ấy, là nơi đầu tiên Chí Trung làm quen với môn học mới mà anh không biết rằng, nó sẽ gắn với mình suốt cả cuộc đời.

Vào một ngày đẹp trời tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Chí Trung choáng ngợp khi thấy hơn 2000 thí sinh đến dự tuyển và Nhà hát Tuổi trẻ.

Ấn tượng đầu tiên lại đến từ một cô bé mắt tròn vo, e thẹn, hiền lành và xinh lắm, mặc chiếc áo trắng trong ngần đứng nép bên gốc dừa cạnh Nhà hát Lớn. Cô bé ấy chính là Em bé Hà Nội Lan Hương nổi tiếng.

Đi thi như đi chơi, ấn tượng duy nhất là cô bé mắt vo tròn đáng yêu, chẳng cay cú ăn thua, mà Chí Trung lại 'lọt' qua tất cả các vòng ngon ơ, trúng tuyển vào Nhà hát Tuổi trẻ và từ đó, cuộc đời anh rẽ sang một hướng khác, gắn với ánh đèn sân khấu cho đến tận bây giờ.

Ở Nhà hát Tuổi trẻ, Chí Trung vừa học vừa làm, những vở diễn như Hòn đá cháy anh được giao vai chính đầu tiên, vở Mùa hạ cuối cùng anh được làm ca sỹ dẫn chương trình, vừa ôm đàn guitar vừa nghêu ngao hát.

Bốn năm mài đũng quần để làm diễn viên, thành tích học tập đáng nể nhưng có tới ba năm bị kỷ luật liên miên, chỉ bởi lý do yêu sớm, Chí Trung cười khoe: 'Tôi yêu Ngọc Huyền từ năm 18 tuổi'.

{keywords}

Chí Trung yêu Ngọc Huyền từ năm 18 tuổi.

Rồi anh say sưa kể về một thời thanh niên sôi nổi, đầy nhiệt huyết khi mới ra trường. Nghèo và vất vả, nhưng lắm say mê, khán giả ở dưới vỗ tay rào rào, người nghệ sỹ cháy lửa nghề trên sân khấu.

Dính vào rồi yêu như cái duyên nghiệp không tránh khỏi, anh yêu nghề lúc nào chẳng biết, cứ lăn lộn với nghệ thuật đến cạn kiệt sức lực, dù 'cơm áo có khi nào đùa với khách thơ'.

Ngay cả sau này, khi lên làm trưởng đoàn kịch của Nhà hát Tuổi trẻ, anh vẫn coi là mình 'bị phong', bởi con người của công việc, của vai diễn, của những ngày tháng lăn lưng ra sống chết với ánh đèn sân khấu, cùng chia ngọt sẻ bùi với anh em đâu dễ thích ngồi một chỗ làm người chỉ huy.

Theo VTC news