15 năm đã trôi qua kể từ khi Bùi Công Duy giành giải nhất cuộc thi Tchaikovsky danh giá, nhưng cho đến nay ở VN, vẫn chưa có tay vĩ cầm nào vượt nổi kỹ thuật và sự cảm nhận tinh tế của anh.
Tối 4/7, nghệ sĩ violin Bùi Công Duy biểu diễn bản
Concerto dành cho violin của Beethoven tại Nhà hát lớn Hà Nội. Khán
phòng chỉ còn lác đác vài ghế trống. Đó quả là một tín hiệu mừng, bởi
như anh từng nói, không phải là giá cát-sê chênh lệch với những ngôi sao
thị trường, mà những chiếc ghế trống dưới khán phòng mới là thứ dễ
khiến người nghệ sĩ cổ điển buồn nhất.
Bùi Công Duy chọn
chơi Concerto cung Rê trưởng dành cho violin của Beethoven. Đây là một
tác phẩm khó, là concerto nhưng gần gũi với giao hưởng, nhiều bè, nhiều
lớp. Không phải rực rỡ và nhiều màu sắc trưng trổ, concerto này đi sâu
vào nội tâm, tĩnh tại, tinh tế trong biểu cảm. Vẫn là sự logic và thông
minh thường thấy trong các tác phẩm của Beethoven, cấu trúc hết sức
chặt chẽ, nhưng đồng thời nó cũng mang lại một cảm giác hết sức tươi
sáng và chứa đựng niềm vui bình dị.
Tác phẩm đòi hỏi một trình độ biểu diễn rất tinh tế,
chi tiết đến từng nốt nhỏ. Nếu kỹ thuật của soloist không tốt sẽ rất dễ
lộ những nốt sai, nốt phô. Từ chương 1 với giai điệu mỏng như tơ, đến
chương 3 với tốc độ và cảm nhận sâu sắc về tác phẩm, Duy đã chơi hoàn
toàn thuyết phục. Anh chứng tỏ được đẳng cấp của một nghệ sĩ có trình độ
quốc tế dù đã nhiều năm không lao động và học tập ở môi trường nước
ngoài. Cho đến nay qua nhiều thế hệ nghệ sĩ tại VN, vẫn chưa có tay vĩ
cầm nào vượt nổi kĩ thuật và sự cảm nhận tinh tế của anh.
Sự góp mặt của Bùi
Công Duy trong lĩnh vực biểu diễn cho thấy tiềm năng phát triển một đời
sống âm nhạc cổ điển phong phú và nhiều màu sắc ở Việt Nam. Cùng với bậc
thầy Đặng Thái Sơn, chỉ huy Lê Phi Phi, giọng opera Hà Phạm Thăng Long,
Vành Khuyên, Mạnh Dũng, những pianist trẻ tuổi như Lưu Hồng Quang,
Tranh Trịnh..., từ nay khán giả đã có thể yên tâm bỏ tiền mua vé, thưởng
thức những buổi hòa nhạc ở trình độ cao, vượt trội so với mặt bằng âm
nhạc.
Hồ Hương Giang