- "Nội trợ là một công việc nghiêm chỉnh như bất cứ một nghề nào khác trong xã hội, đòi hỏi thể lực, trí tuệ, sự nhạy cảm và là một công việc rất căng thẳng"- (Hà Anh Effenberger).

TIN BÀI KHÁC


{keywords}
Tác giả của cuốn sách "Làm dâu nước Đức" bên gia đình nhỏ của mình

Nội trợ là một công việc đáng được tôn trọng và có một vị trí xứng đáng trong các nghề nghiệp khác, nhất là ở phương Tây, nghề nội trợ được tôn trọng khá đúng mực. Nếu không có những người làm nghề nội trợ thì gia đình, nhân tố của xã hội sẽ đi đến đâu vì thế mình luôn tự hào trả lời rằng Tôi là một bà nội trợ.

....

Ban ngày chồng đi làm, bà nội trợ còn kiêm luôn chức giáo viên dạy con. Dạy đủ thứ trên đời, từ cách ăn cách nói, cách đi cách đứng cho đến cách đối nhân xử thế để cho sau này các con nên người. Ngoài ra, một bà nội trợ hiện đại ngày nay không chỉ dành hết thời gian cho chồng con mà còn tranh thủ thời gian cho mình để củng cố kiến thức, giúp mình không bị lạc hậu với thời cuộc và xã hội bên ngoài.

(Trích sách "Làm dâu nước Đức")


Cái tên Hà Anh Effenberger không phải là một nickname thời thượng xen tên Việt lẫn tên nước ngoài. Hà Anh năm nay 32 tuổi, mang họ chồng theo phong tục phương Tây. Cô lấy anh Uwe Effenberger (quốc tịch Đức) đã được 9 năm và hiện đang sống cùng anh tại thành phố Lübeck.

Câu chuyện của Hà Anh được NXB Phụ Nữ "đặt hàng" để xuất bản. "Làm dâu nước Đức" là một cuốn nằm trong series sách mang tên "Làm dâu xứ lạ" sẽ lần lượt ra mắt công chúng. Đây là ý tưởng của người biên tập sau khi chứng kiến rất nhiều câu chuyện thương tâm của người phụ nữ Việt khi làm dâu Trung Quốc, làm dâu Hàn Quốc...

Những người làm sách hy vọng sẽ tạo nên một bộ sách cung cấp nhiều kỹ năng sống trong gia đình cho những người phụ nữ Việt Nam. Sau cuốn sách của Hà Anh, những tập sách khác như "Làm dâu nước Nhật", "Làm dâu nước Pháp", "Làm dâu nước Mỹ" sẽ dần được ấn hành.

{keywords}
Gia đình Hà Anh - Uwe Effenberger

Lấy chồng xứ lạ, cô gái nhỏ bé, nhạy cảm ngày nào nay biết mình đã trở thành một người phụ nữ tự chủ và đủ niềm tin để yêu thương. Hà Anh gọi gia đình nhỏ của mình là "tổ chim cu". Cô tự hào về người chồng rất mực yêu thương vợ và hai đứa con bé bỏng: Tim - Long và Sophie - Linh. Cả hai bé đều nói tiếng Việt khá sõi, biết các bài hát thiếu nhi Việt Nam. Tết nào cô cũng gói bánh chưng, làm món ăn Việt. Hiện cả gia đình họ đang có mặt tại Hà Nội, ba bố con tíu tít cùng chúc mừng sách mới ra của mẹ.

Hà Anh "thú nhận" trong cuốn sách, Uwe Effenberger một mình đi làm và gánh vác vai trò kinh tế cho cả gia đình. Nhưng anh không đẩy công việc nhà về phía Hà Anh. Uwe Effenberger cũng dọn dẹp, nấu ăn, rửa bát, thậm chí cả khâu tất cho con gái.

Tại Hà Nội, anh bị "chất vấn" còn nhiều hơn cả Hà Anh về việc nam giới ở các nước phương Tây làm việc nhà như thế nào? Đó là một tò mò lớn của phụ nữ Việt, khi mà từ nhỏ đến lớn, họ đã nhìn thấy trong gia đình mình hình ảnh tảo tần, chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ cho con cháu của mẹ, của bà, và ở "mâm trên" trong mỗi dịp lễ tết, tiệc tùng là các anh, các chú, các ông, các bác...

{keywords}
Anh Uwe Effenberger nói rằng mình tìm thấy hạnh phúc từ trong gia đình chứ không phải ở bên ngoài.

Chia sẻ với độc giả VietNamNet, Uwe Effenberger nói: "Tôi làm việc nhà không kém Hà Anh. Tôi cho đó là một điều hoàn toàn tự nhiên và nói chung đàn ông phương Tây chúng tôi không có thắc mắc gì về điều này cả. Bố mẹ tôi cũng đã làm như thế, và đến bây giờ, thế hệ tôi lại tiếp tục. Tôi không biết nhiều về đàn ông Châu Á, nhưng tôi cũng có dịp quan sát họ trên đường phố. Trông họ rất "cool" với đôi tay luôn bận rộn trên chiếc điện thoại smart-phone" (cười).

"Làm dâu nước Đức" là một câu chuyện hạnh phúc và cảm động, được kể rất giản dị ở những đoạn đầu và càng về sau, văn phong càng đằm thắm, lãng mạn. Lẩn quất trong đó những nỗi nhớ nhà, tinh thần hòa nhập, tiếp nhận văn hóa thế giới mà không quên hướng về nguồn cội. Nó cũng chứng minh thiên chức của người đàn ông và người phụ nữ trong gia đình, đó là đi tìm tiếng nói chung của sự chia sẻ, yêu thương.

Sự ra đời của cuốn sách và series sách "Làm dâu xứ lạ" (sắp tới) là một tín hiệu mừng. Đã đến lúc những bà mẹ trẻ Việt Nam được đọc sách do chính những bà mẹ trẻ Việt Nam viết nên chứ không phải là sách của "mẹ hổ" Trung Quốc, mẹ Nhật hay mẹ Mỹ.... Họ đang rải rác ở khắp nơi trên thế giới, từ những xứ sở xa xôi muốn gặp gỡ, sẻ chia với chị em trong nước bằng cái nhìn rộng mở cả về địa lý lẫn tầm thời đại.

*Báo VietNamNet trích đăng một vài đoạn trong cuốn sách "Làm dâu nước Đức" của tác giả Phan Hà Anh (Hà Anh Effenberger).

Khi mình mang thai, chồng san sẻ niềm vui, chở đi khám thai và ngồi đợi kiên nhẫn. Trước đây mình hay nghe “Đàn ông vượt biển có đôi. Đàn bà vượt cạn lẻ loi một mình”. Mình qua hai lần vượt cạn đều có ông xã ở bên nắm tay động viên. Chồng là người đầu tiên đón hai đứa con trên tay, cắt rốn cho cả hai con, là người nói những câu đầu tiên với hai đứa: “Bố sẽ bảo vệ con. Con đừng sợ gì cả vì đã có bố trên đời.”

Đối với hai đứa, bố là tất cả. Đi làm về, bố thay bỉm, tắm táp, pha sữa cho hai đứa, đọc truyện đêm khuya cho hai đứa nghe. Sau mỗi lần ăn cơm, ba bố con lăn lê làm bò làm ngựa làm cừu.
...Con gái luôn tự hào về bố: “Bố cháu là người tốt nhất, bố cháu làm được mọi thứ.” Chồng giải thích mọi điều, kể cả vấn đề tâm sinh lý, cho cô con gái tò mò một cách khoa học, kiêm luôn ông thợ sửa chữa tất cả các vật dụng từ A đến Z trong nhà, gắn búp bê gãy, lắp giường lắp tủ, thay bóng điện, đính cúc áo hay sửa lại cái ô tô bị hỏng.

....Trước đây, mỗi lần chồng không làm giúp việc gì, mình hay tủi thân, nghĩ ngợi nhiều, hay buồn, khóc, nhưng bây giờ mình đã hiểu. Chỉ có hai vợ chồng ở với nhau, không nhờ chồng còn biết nhờ ai. Nghĩ ngược lại, chồng cũng dựa dẫm vào mình khối ra ấy chứ. Không có vợ, ai nấu cho ăn, không có vợ, ai giặt quần áo cho, không có vợ ai mát xa cho, mà quan trọng nhất, không có vợ, ai đẻ con cho? Vì thế, thỉnh thoảng để ba bố con tự trông nhau cho mẹ nghỉ ngơi. Mình yên tâm vì biết nếu quần áo các con rách sẽ được bố chúng nó may vá lại cẩn thận.

*

Từ trước đến giờ, mình chỉ được học và đọc rằng người Đức rất tiết kiệm, nhưng khi sống trong môi trường Đức, mình mới thực sự học được tính cách này qua chồng và mẹ chồng.

Người Đức luôn đặt việc tiết kiệm nhiên liệu lên hàng đầu. Họ thường sử dụng các bóng đèn giảm nhiên liệu, loại này có tuổi thọ lâu hơn bóng đèn tóc, ánh sáng cũng dễ chịu hơn. Các loại máy móc trong nhà như ti vi, máy tính, máy giặt… không để chế độ chờ mà ngắt trực tiếp với nguồn. Khi nấu nướng họ cũng tiết kiệm điện. Ví dụ đồ đông đá để ra ngoài trước khi dùng lò vi sóng hoặc lò nướng rã đông; khi ninh nấu thức ăn, dùng nắp đậy nồi lại, vừa giữ nhiệt tốt vừa giúp thức ăn chóng chín hơn; nếu bếp còn nóng thì có thể nấu các món sau, không phải bật nhiều bếp cùng một lúc.

...Chồng mình hay nói: “Nếu mình nghèo, chả phải cố tỏ ra là mình giàu”. Còn mình nói với chồng: “Người ta có năm triệu tiêu năm triệu, năm nghìn tiêu năm nghìn, em có ba trăm em tiêu ba trăm, miễn là em cảm thấy hạnh phúc khi có anh. Vì đấy, mình không phải chân dài mà chồng cũng chẳng phải thuộc hàng đại gia, sống đơn giản cho đời thanh thản, miễn sao đừng đánh mất đi cái cốt lõi giá trị bản thân là được.


Phan Hà Anh (Hà Anh Effenberger) sinh ngày 23.6.1981 tại Hải Phòng. Chị là tác giả cuốn sách "Hành trình đi tìm hạnh phúc" do Nhà xuất bản Lao động phát hành. Đã tham gia dịch tác phẩm "Hậu trường WikiLeaks" của tác giả Daniel Domscheit-Berg (Đức).

Trong cuộc thi Vận động sáng tác dành cho thiếu nhi do Nhà xuất bản Kim Đồng và Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức, truyện ngắn Những bí mật trong tuần thiên nhiên của chị đạt giải tư. Cuốn sách mới nhất của chị mang tên "Làm dâu nước Đức", phát hành tháng 06/2013.


Hồ Hương Giang