- Khi các siêu anh hùng
Hollywood từ siêu nhân cho đến người sắt đang làm
mưa làm gió khắp toàn cầu, Trung Quốc cũng muốn xây dựng những nhân vật như vậy.
TIN BÀI KHÁC
Có thể nói, sức công phá của dòng bom tấn siêu anh hùng ở phòng vé khắp toàn cầu trong suốt thập niên vừa qua, không chỉ mang về lợi nhuận, mà còn giúp cho Hollywood – bằng sức mạnh mềm – đã mở rộng được không gian ảnh hưởng lên văn hóa đại chúng toàn cầu ở mức độ chưa từng thấy.
"Man of Steel”, phim mới nhất về nhân vật siêu nhân, vừa ra mắt hôm 14/6. |
Đơn cử như nhân vật siêu anh hùng đầu tiên là Superman, ra đời năm 1938 tại Mỹ. Nếu tính luôn cả “Man of Steel”, bộ phim vừa ra mắt toàn cầu vào cuối tuần qua trong đó có VN, thì đây là lần thứ sáu nhân vật Clark Kent với biệt danh siêu nhân bước lên màn ảnh, kể từ bộ phim đầu tiên vào năm 1978. Trừ thất bại của“Superman IV” năm 1987, phim nào cũng mang lại doanh thu vài trăm triệu USD cho nhà sản xuất.
Sau gần 8 thập niên, nước Mỹ đã có thêm nhiều siêu anh hùng khác đã được các họa sĩ truyện tranh sáng tạo. Cùng với Superman, những người hùng có sức mạnh siêu nhiên như người sắt, thần sấm, người dơi, người nhện, người khổng lồ xanh…đã tạo thành một trong những hiện tượng văn hóa đại chúng lớn nhất nửa cuối thế kỷ 20 ở thế giới phương Tây. Hình ảnh của họ đi từ phim, sách, truyền hình, đồ chơi, vật lưu niệm….mà vào trong trí nhớ của nhiều thế hệ.
Sự nổi tiếng khiến chúng nghiễm nhiên trở thành “mồi ngon” cho ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood. Kiểu nhân vật này luôn gắn liền với thể loại bom tấn, được hiểu như dòng phim được làm bằng kinh phí khủng, nhiều ngôi sao, kỹ xảo hoành tráng và hành động nghẹt thở.
Trung Quốc gần đây tỏ ra thèm muốn được sở hữu một sức mạnh đi vào lòng người kiểu như vậy khi chịu khó chi tiền khủng mời một lãnh đạo của hãng Marvel (nơi sáng tạo loạt nhân vật người sắt, người nhện…) sang làm việc. Mục tiêu là tạo ra một nhóm siêu anh hùng…người Trung Quốc.
Chưa biết hình dáng những nhân vật này ra sao, nhưng với một
quốc gia còn nhiều hành động "gây tranh cãi" với các nước khác, đây
quả là ý tưởng khó chấp nhận, dù có là cường quốc. Có lẽ vấn đề mà Trung Quốc nên
tập trung là giáo dục lối cư xử văn minh lịch sự cho công dân của mình khi ra
nước ngoài, hơn là mơ mộng viễn vông về những siêu nhân mang quốc tịch Trung
Quốc có thể đi “cứu” thế giới nhằm chinh phục nhân tâm.
Nhóm bảy siêu anh hùng trong phim “The Avengers” của hãng Marvel. |
Thực tế, những siêu anh hùng – một sản phẩm văn hóa đại chúng của thế giới phương Tây được khuếch đại tính thương mại – dù khác biệt về văn hóa nhưng lại chạm được vào trái tim của khán giả ở phần còn lại của thế giới. Ở khía cạnh nào đó, các siêu anh hùng có tính chất của những vị thần nửa người nửa tiên trong thế giới thần thoại Hy Lạp. Họ có nhiều quyền năng nhưng lại rất con người, tính cách mang đầy tì vết và không hoàn hảo.
Câu chuyện về họ dù có viễn tưởng và phi thực đến cỡ nào, thì trong thẳm sâu vẫn chia sẻ với người xem những giá trị về tình yêu, niềm hi vọng, lòng trung thành, sự dũng cảm, tính trung thực…
Đồng thời, khác với các vị thần cổ xưa, hoàn cảnh của họ mang tinh thần và những vấn đề của thời đại hôm nay. Người ta dễ dàng nhìn thấy hoàn cảnh của siêu nhân có bóng dáng số phận của những di dân thời toàn cầu hóa. Được nuôi lớn bởi cha mẹ là người trái đất, quá trình trưởng thành của cậu bé Clark Kent gần như gắn liền với nỗ lực hòa nhập đời sống hiện tại, lẫn thôi thúc phải tìm về nguồn cội và mục đích khiến anh được đưa từ hành tinh Krypton đến thế giới này.
Với những ai không quá suy tư về những vấn đề sâu xa như vậy, câu chuyện của những siêu anh hùng vẫn dễ dàng chinh phục đại chúng ở giác độ cảm xúc. Dù thế giới được cứu ở trên phim có khi chẳng liên can gì tới cuộc đời thật của người xem, nếu không muốn nói là xa lạ. Nhưng việc nhìn thấy công lý được thực thi, cái ác bị trừng trị vẫn cứ mang lại cảm giác hả hê, sung sướng, mà đâu đó trong cuộc sống hàng ngày, những sự bất công khiến họ ức chế, chịu đựng.
Minh Chánh