Mặc dù là một Di tích quốc gia nhưng hiện nay nhiều hạng mục của chùa Đậu đã
xuống cấp nghiêm trọng. Các hạng mục khác dù được tu sửa nhưng lại trong tình
trạng chắp vá thiếu mỹ quan.
Nhiều du khách đến tham quan chùa Đậu (thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội) rất xót lòng trước sự xuống cấp của một di sản tầm cỡ quốc gia. Trong đó, hai công trình là nhà tảo mạc và gác chuông xuống cấp nghiêm trọng nhất.
Nhà tảo mạc nằm ngay cửa ra vào của chùa, vốn là nơi để khách sắp lễ. Căn nhà này hiện có phần mái mục nát, gần như sụp xuống nên từ lâu không còn được sử dụng. Để tránh gây nguy hiểm cho khách, nhà chùa đã cho khóa cửa lại. Còn gác chuông cũng xuống cấp nặng với phần kèo, cột gỗ mục nát, long lở, mái ngói bị xô dạt.
Nhà tảo mạc chùa Đậu với phần mái sắp sụp đổ. |
Đại đức Thích Thanh Nhung, Trụ trì chùa Đậu cho biết, khu vực nhà tảo mạc rất nguy hiểm vì phần mái đã sụp đổ. Còn công trình gác chuông thì chỉ cần một trận mưa lớn là mái ngói bị xô dạt. Nhà chùa vẫn thường xuyên cho dọi lại ngói nhưng thời gian gần đây, các kèo cột của gác chuông cũng đã xô lệch, việc dọi lại ngói hầu như không có tác dụng.
Theo Đại đức Thích Thanh Nhung, riêng khu vực gác chuông, những năm trước đây đã được sửa chữa nhiều lần. Mỗi lần sửa chữa, phần vì kinh phí ít, phần vì muốn giữ lại nguyên bản nên làm rất manh mún.
Theo người dân địa phương, từ thời Pháp thuộc, gác chuông cũng đã được nhân dân sửa chữa vì các chân cột hư hỏng. Người ta cắt bớt phần chân cột mục nát, thay thế bằng một nền xi măng lát gạch. Gần đây, gác chuông tiếp tục được tu sửa bằng cách ghép thêm các mảnh gỗ vào những chỗ mục nát.
Đại đức Thích Thanh Nhung cũng cho biết, cách đây không lâu, chùa Đậu nhận được một dự án trùng tu. Tuy nhiên, do kinh phí ít nên việc sửa chữa thiếu đồng bộ. Sau khi sửa chữa có những hạng mục nhìn khá buồn cười, điển hình là khu tiền đường dùng cả ngói cũ lẫn ngói mới, làm cho mái chùa nửa màu nọ nửa màu kia.
Đại đức Thích Thanh Nhung cho biết thêm, 2 năm trước, Sở VHTT&DL Hà Nội đã lập dự án tu bổ nốt khu vực gác chuông và nhà tảo mạc cho chùa Đậu, theo dự kiến năm 2012 sẽ thực hiện. Tuy nhiên, nhà chùa đợi mãi vẫn chưa thấy dự án được triển khai.
“Có lẽ vì kinh tế suy thoái nên họ chưa làm được. Nhà chùa cũng không thể đứng ra tự làm vì đây là một Di tích quốc gia. Việc tu sửa phải theo quy định của Luật Di sản, phải được các cơ quan chuyên môn đánh giá, thực hiện. Hiện nay, sự xuống cấp của chùa vẫn đang trong tình trạng kiểm soát được, nhưng về mặt mỹ quan thì trông rất lem nhem.
Nhà tảo mạc sụp mái, chúng tôi khuyến cáo người dân không nên lại gần, có lẽ cũng sẽ không gây nguy hiểm gì. Còn gác chuông tuy đã ọp ẹp nhưng tạm thời vẫn an toàn. Tôi cũng chỉ mong các cơ quan chức năng sớm sửa chữa tạo nên sự đồng bộ cho chùa để đảm bảo cả về mặt mỹ quan cũng như sự an toàn cho khách thập phương”, Đại đức Thích Thanh Nhung nói.
Theo văn bia, chùa Đậu được xây dựng từ thời nhà Lý. Đặc biệt là trong chùa còn có hai pho tượng của hai nhà sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường đã tu ở chùa vào khoảng thế kỷ 17, được tạo thành bằng cách bó sơn ta rồi quang dầu ra ngoài chính thi hài các nhà sư. Đầu năm 1993, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã được giao nhiệm vụ lập phương án thiết kế và thi công trùng tu hai pho tượng này. Khi chiếu tia X-quang, các nhà nghiên cứu còn thấy rõ xương cốt bên trong thi hài và kết luận rằng: không có vết đục đẽo, không có hiện tượng hút ruột, hút óc và các khớp xương dính chặt với nhau như thể tự nhiên. Đây là hai vị Thiền sư đắc đạo tại chùa, để lại toàn thân xá lợi. |
(Theo GĐXH)