- "Người Việt Nam rất cứng đầu khi phải thay đổi. Giải pháp để giúp đỡ người dân Việt Nam thực sự phức tạp hơn tôi nghĩ rất nhiều" - Trần Hùng John viết sau 80 ngày xuyên Việt.
TIN BÀI KHÁC
Trần Hùng John vừa ra mắt cuốn sách "John đi tìm Hùng" kể về 80 ngày xuyên Việt không mang theo tiền bạc. |
Đọng lại sau cuộc trò chuyện với anh là cảm giác bồi hồi xúc động về nghị lực và niềm tin của chàng trai trẻ, nhưng cùng với đó là sự đồng cảm xen lẫn xót xa khi Trần Hùng John thừa nhận, nhiều người không cho rằng anh là người Việt.
Cuốn sách của Trần Hùng John có thể giải thích một vài điều về góc nhìn của anh: người nông dân Việt Nam từ Bắc chí Nam đang sống thế nào và làm sao để giúp đỡ họ? người trẻ sẽ vươn lên ra sao ở xã hội hiện đại? ảnh hưởng của cha mẹ tới con cái? rốt cục, người Việt có dịch chuyển hay không và họ nhìn về phía trước ra sao?
MC Trần Hùng John trong một bản tin truyền hình |
"Nhiều người Việt thấy lép vế trước người nước ngoài"
Khi bắt đầu chuyến đi, nhiều người nói nếu không mang tiền có lẽ anh sẽ phải bỏ mạng dọc đường. Anh có lo lắng không?
- Thực ra, khi đi tôi đã hiểu một chút về VN, về người dân rồi. Tôi biết người Việt rất hiếu khách, rất thân thiện, đặc biệt ở vùng quê. Tôi nghĩ mình sẽ không chết. Nhưng nhiều người lại nói rằng tôi sẽ chết ở trên đường, nhất là ở khu vực miền Trung. Miền Trung nghèo, đi qua đấy không nhanh sẽ bị cướp đồ. Tôi nghĩ có lẽ họ không hiểu về người miền Trung vì họ chưa đi nhiều.
Thông tin về chuyến đi của anh hồi cuối năm ngoái thực sự đã lan đi như "lửa cháy trên đồng cỏ khô". Nhưng có nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu về mục đích của chuyến đi này. Anh muốn tìm về chính bản thân mình, hay tìm hiểu những người Việt Nam khác?
- (Cười) Thực ra là cả hai. Nếu đọc đến cuối quyển sách, bạn sẽ thấy tôi nói rằng John đã tìm được Hùng. Tôi đã tìm được chính mình ở VN, đã thấy VN là nhà. Nhưng tôi không trả lời được cho chính mình về người Việt. Tôi thấy ở VN, mỗi vùng miền, mỗi địa phương đều khác nhau rất nhiều. Nói là người Việt Nam như thế này thế kia, tôi e hơi khó.
Tôi sang đây sống một thời gian đã có cảm giác mình là người Việt. Nhưng nhiều người cứ nói Hùng sinh ra ở Mỹ thì sẽ không bao giờ là người Việt. Tôi xin lỗi phải nói điều này, ở đây, Việt Kiều không bằng người nước ngoài, nhưng cũng sẽ không bao giờ là người Việt Nam.
Tại sao anh lại nói Việt Kiều không bằng người nước ngoài?
- Vì tôi thấy người Việt rất tò mò về người nước ngoài, thấy người nước ngoài như là cao hơn, tốt hơn mình. Họ thích người nước ngoài lắm. Khi tôi đến nhà hàng chẳng hạn, nhân viên nghĩ tôi là người Việt, họ sẽ phục vụ người nước ngoài trước tiên. Tôi mà mở miệng nói một câu tiếng Anh thì họ sẽ chạy qua chỗ tôi. Rất là kỳ! Tôi cũng bực mình.
Anh viết trong sách: "Nhiều người Việt Nam thường thấy lép vế trước người nước ngoài. Có lẽ hàng thập kỉ sống dưới chế độ thuộc địa đã khiến họ xem người da trắng là siêu việt hơn". Điều này anh rút ra do khoảng thời gian dài sống ở Hà Nội, hay anh còn thấy ở các địa phương khác?
- Ở đâu cũng thế. Ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam..., ở những nơi có người nước ngoài.
|
Trên đường đi, anh lao động với nông dân để kiếm sống |
"Có nhiều điều tôi chưa nói được trong sách này"
Vậy, Việt Kiều có dành được sự ưu ái như vậy không?
- Tôi không giải thích được cách nhìn của người Việt với Việt Kiều. Có lẽ ngày xưa Việt Kiều là những người đi khỏi nước mình, bỏ đất nước, nên người ta nhìn thấy lạ lạ, kiểu như: "Tại sao mày lại muốn về đây?".
Như trường hợp gia đình tôi, bà đã vượt qua bao nhiêu khó khăn để tới Mỹ vì nơi đó có nhiều cơ hội hơn cho con cháu. Bà phải đi, nhưng thực ra bà rất nhớ Việt Nam và muốn về. Nhưng bây giờ đã hơn 30 năm trôi qua, bà sợ. Vì bà nghĩ Việt Nam vẫn như hồi xưa, khổ và nghèo. Bà bảo về đây không có tiền cho họ hàng, sợ họ nói.
Tôi đã đọc đoạn đó trong sách. Anh viết rất cảm động về sự run rẩy, lo lắng của bà. (“Nguy hiểm lắm. Lúc nào bà cũng đọc tin tức về Việt Nam. Người chết rồi tội phạm khắp nơi. Với lại Việt Nam còn nghèo, mà bà thì không có tiền để cho họ hàng. Họ sẽ nói xấu về bà mất thôi”.) Biên tập có can thiệp nhiều vào bản thảo của anh không?
- Họ phải sửa nhiều. Vì tôi mới học được hơn 2 năm, chưa đủ thời gian để sử dụng thành thạo. Tôi viết sách bằng tiếng Anh, sau đó cùng một người bạn thân ngồi xuống để dịch sang tiếng Việt. Chắc qua Mỹ tôi sẽ tìm một nhà xuất bản để in bản tiếng Anh. Còn nhiều điều tôi muốn viết, nhưng vì nhiều lý do nên tôi không thể viết trong bản tiếng Việt.
Trong sách, anh cũng kể về một cô gái gặp trên đường đi và muốn quyến rũ anh. Cô ấy nghĩ anh là một cơ hội đổi đời cho cô ấy. Điều gì khiến anh cưỡng lại được sức quyến rũ của phụ nữ, khi họ muốn quyến rũ?
- Tôi không giận cô ấy vì tôi biết cô ấy mất cha từ nhỏ, cuộc sống không dễ dàng gì. Cuộc sống của tôi từ nhỏ cũng có nhiều khó khăn lắm. Bố mẹ ly dị từ nhỏ, 14 năm tôi mới chỉ gặp bố một lần. Mẹ tôi nuôi 2 con một mình.
Hồi bé tôi cũng từng sống với bà ngoại. Khu bà ngoại ở nghèo lắm. Người ta đánh nhau, giết người, súng nổ bên tai là chuyện bình thường. 14 tuổi tôi đã bắt đầu đi làm, từ đó đến nay tôi đã làm rất nhiều nghề. Những trải nghiệm đó khiến tôi có cảm giác bây giờ điều gì mình cũng có thể vượt qua được.
Trần Hùng với bà con nông dân |
Anh nói rằng Việt Nam rất đáng yêu, không đáng ghét như một số người đi du lịch nghĩ. Nhưng anh vẫn nhìn thấy những điều bất cập và nói ra một cách thẳng thắn. Lúc anh nhận xét những thứ như "bố mẹ ôm con chặt quá", hay "người Việt Nam rất cứng đầu khi phải thay đổi”, anh có ngại không và có phải cân nhắc nhiều không?
- (Cười) Tôi nghĩ là phải nói thẳng vì nhiều khi họ không nhận ra điều đó. Tôi biết sau này nhiều người đọc sẽ không đồng ý với tôi, sẽ nói là "anh không sinh ra ở đây, không lớn lên ở đây nên không hiểu". Nhưng tất cả những điều tôi nói là do tôi thấy đúng như vậy. Nhưng họ thì không muốn chấp nhận. Ở Việt Nam, cái "pride", cái tự hào rất khó để thay đổi.
Cảm ơn anh, chúc anh sẽ tiếp tục tìm thấy nhiều điều mới mẻ ở VN!
Hồ Hương Giang