Trong tư duy của những người lãnh đạo chẳng coi văn hóa là trọng.
Liên tiếp các sự kiện tiêu cực liên quan đến di sản xảy ra tại Hà Nội, PV trao đổi với ĐBQH Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử, về tầm nhìn di sản của thủ đô.
Thủ đô liên tiếp có nhiều sự kiện di sản “nóng” theo nghĩa tiêu cực, từ trả danh hiệu ở Đường Lâm đến tu bổ chùa Một Cột chậm trễ và xây cầu vượt lấn không gian đàn Xã Tắc. Đây có phải chỉ báo Hà Nội có vấn đề trong tầm nhìn di sản không, thưa ông?
Tôi không dám khái quát về “tầm nhìn”, nhưng rõ ràng Hà Nội đang lúng túng trong việc thực thi công việc bảo tồn di sản. Mở rộng không gian hành chính, TP cũng phải “ôm” cả một không gian di sản rất phong phú của nông thôn rộng lớn xứ Đoài. Nó gây sức ép về khối lượng di sản phải quản lý. Nhu cầu phát triển tăng mạnh trong khi phương thức và năng lực quản lý của TP không thay đổi nên xung đột không đáng có giữa bảo tồn và phát triển vẫn xảy ra.
Việc bảo tồn di sản cần được xem trọng
Ngoài vấn đề khối lượng quá tải thì phương thức quản lý vẫn có vấn đề. Lãnh đạo TP tư duy theo tình huống, ngắn hạn và thực dụng, gọi chung là nhiệm kỳ. Ngành văn hóa chưa chủ động phát huy chức năng tham mưu với lãnh đạo TP. Mới quan tâm huy động “xã hội hóa” về nguồn lực tiền bạc mà chưa quan tâm đến thu hút chất xám.
Hà Nội đã chỉ đạo sớm có phương án bảo tồn chùa Một Cột trước 30.6 để phê duyệt. Tương tự, quy hoạch Đường Lâm cũng sẽ được hoàn thành phê duyệt trong tháng 6. Chờ đợi rất lâu, rồi sau đó lại “thông đường” gấp gáp như vậy, liệu sẽ ảnh hưởng thế nào tới chất lượng?
Đó là một ví dụ cho nhận định trên của tôi: sự ứng phó theo tình huống và sức ép xã hội. Đương nhiên hiệu quả bị hạn chế. Mỗi trường hợp trên đều có những vấn đề riêng cần được bàn bạc kỹ. Nhưng bên cạnh việc mở rộng dân chủ thì người có chức năng quyết định phải đủ trí tuệ và bản lĩnh để chịu trách nhiệm về hiệu quả cuối cùng.
Ông Dương Trung Quốc
Viện trưởng Viện Khảo cổ học, PGS-TS Tống Trung Tín, cho biết Viện ông từng có đề tài quy hoạch khảo cổ cho Hà Nội. Tuy nhiên đến nay đề tài đã nghiệm thu này vẫn chưa được áp dụng. Ông nhận định ra sao về điều này?
Hà Nội luôn tự hào với lịch sử nghìn năm nhưng chưa quan tâm đến việc đầu tư cho cái giá trị “nghìn năm” ấy, Ông Dương Trung Quốc |
Không chỉ Viện Khảo cổ đã sẵn sàng. Cần nói rằng Luật Di sản đã quy định trách nhiệm của chính quyền phải thực hiện quy hoạch khảo cổ để làm cơ sở hoạch định các quy hoạch khác, nhằm chủ động hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.
Ông Phó ban Tuyên giáo Thành ủy trách các nhà khảo cổ, bảo tồn hay gây khó cho công việc xây dựng của TP. Nhưng nói cho cùng, chính việc chưa có quy hoạch khảo cổ học đang gây khó, thậm chí tốn kém cho TP vì tạo ra những khác biệt trong nhận thức dư luận, đôi khi phải dừng công trình để xử lý... Hà Nội luôn tự hào với lịch sử nghìn năm nhưng chưa quan tâm đến việc đầu tư cho cái giá trị “nghìn năm” ấy.
Tôi lấy một thí dụ. Nhờ dư luận xã hội mà ông chủ tịch TP đã có một quyết định được đồng tình. Đó là điều chỉnh một dự án xây công trình thương mại trên con đường 19.12. Thay đổi dự án, TP sẽ bảo tồn được không gian lịch sử tâm linh tại đây - ngôi mộ chung của đồng bào Hà Nội tử nạn trong 60 ngày đêm mở đầu Kháng chiến toàn quốc (1946 - 1947). Con đường nhờ thế được bảo tồn, hàng trăm hài cốt được quy tập...
Nhưng cho đến nay chẳng có một biển báo, tượng đài hay dấu tích nào ghi nhận di tích lịch sử. Cuối cùng, con đường 19.12 chỉ làm tiền sảnh của trung tâm thương mại hay nơi đỗ xe. Đó là bằng chứng cho thấy những quyết định của TP chỉ để ứng phó với tình huống và dư luận mà thôi. Trong tư duy của những người lãnh đạo chẳng coi văn hóa là trọng.
Tôi cho rằng thời điểm này TP.Hà Nội nên khẩn trương phối hợp với Viện Khảo cổ học và những ngành có liên quan thực thi điều mà luật đã định để sớm hình thành chính thức một bản quy hoạch về khảo cổ học.
Sau khi tiếp xúc người dân để giải quyết vụ Đường Lâm, chùa Một Cột, Hà Nội hiện vẫn chưa tiếp xúc trực tiếp với các nhà nghiên cứu về vụ đàn Xã Tắc. Hội Khoa học lịch sử đã nhận được phản hồi nào chưa?
Sau khi hội có văn bản gửi Chính phủ và TP thì Bí thư Thành ủy và Chủ tịch TP lần lượt đều có gửi văn bản hồi đáp. Tất cả đều hoan nghênh và sẵn sàng lắng nghe, sẽ tổ chức lấy ý kiến... Nhưng đến hôm nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì (đối với Hội Sử). Cùng lúc ông chủ tịch vừa ký phép triển khai xây cầu vượt vừa tuyên bố sẽ tranh thủ ý kiến của những người, tổ chức có trách nhiệm và quan tâm (?!). Vẫn là sự ứng phó tình huống thôi.
Là một ĐBQH, ông có ý định đưa những việc ra thảo luận trong kỳ họp này không?
Là thành viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của QH, tôi sẽ kiến nghị việc giám sát luật Di sản những vấn đề có liên quan đến những nội dung vừa trao đổi, ví dụ thực hiện quy hoạch khảo cổ học chẳng hạn.
Theo Thanh Niên