Liên tiếp những thảm hoạ bảo tồn xảy ra trong thời gian gần đây, từ đàn Xã Tắc cho đến chùa Một Cột và đang ồn ào là làng cổ Đường Lâm. Có phải ngẫu nhiên mà các di tích nói trên lần lượt “kêu rên khóc lóc”?

 

Không, sự trùng hợp ấy chỉ có thể nói lên một thực trạng: nhiều di tích đang thoi thóp hay đang “chết lâm sàng” vì đã mất hồn vía, đã chết trong tâm thức của những người chủ sở hữu. Một di tích quốc gia và nghe đâu đang mon men ý đồ trở thành di sản thế giới như Đường Lâm, giờ đang bị chính những người dân làng chối bỏ khi nộp đơn xin từ chối làm “dân của di sản”. Cuộc sống với những giá trị truyền thống trong làng giờ bị xem là “dã man lạc hậu”, không còn là những giá trị đáng tự hào.

{keywords} 

Làng cổ Đường Lâm

Một nghịch lý lớn trong việc bảo tồn là những “đồ cổ” thứ thiệt ngày càng mất giá trong khi những cái “giả cổ” ngày càng được giá. Làng cổ Đường Lâm so với Việt phủ Thành Chương hay chùa Một Cột so với chùa Bái Đính đang ngày càng có khoảng cách về mức độ thu hút khách tham quan. Rất có thể trong một ngày không xa, hai điểm đến kể sau sẽ trở thành “Nơi hội tụ các sắc màu văn hoá Việt cổ” như lời quảng cáo, chứ không phải những di tích văn hoá tiêu biểu thật sự.

Một trong những lý do quan trọng tạo nên sự khác biệt giữa một “di tích sống” như Đường Lâm và các công trình kiến trúc tư nhân như Việt phủ Thành Chương chính là việc khó có thể quy ai là chủ sở hữu. Bảo là người dân Đường Lâm thì không đúng, vì họ hầu như không được lợi lộc gì từ việc bảo tồn làng cổ, không có quyền quyết định bảo tồn hay không làng cổ. Nhà nước hay “toàn dân” cũng chưa phải là chủ sở hữu trên thực tế vì ngoài sự đặt để thành di tích quốc gia ngôi làng này, cho đến nay chưa có một chính sách hiệu quả nào được thiết lập để bảo tồn thực sự. Và “cha chung không ai khóc” chính là căn nguyên của mọi thảm trạng.

Thông thường, các “di tích sống” như làng cổ Đường Lâm chỉ tồn tại khi những người dân tại đó “muốn sống” và “sống được” với những giá trị văn hoá mà họ thừa hưởng truyền đời, như Hội An, Phước Tích hay làng cổ Yangdong của Hàn Quốc. Vì không chỉ “phần xác”, các công trình kiến trúc, mà là “phần hồn” – những con người với lối sống, với các giá trị văn hoá cộng đồng của các làng mạc và đô thị cổ – mới là yếu tố có tính chất quyết định trong công việc bảo tồn một di tích.

Đường Lâm giờ không còn là một “ốc đảo văn hoá” cổ truyền do đã bị văn minh đô thị xâm thực nhiều rồi. Những căn nhà phố tầm thường, phổ biến giờ đã mọc đầy làng cổ, đã “xôi đậu” với những ngôi nhà cổ dù đã có luật cấm. Từ ngày được công nhận là di tích quốc gia cho đến nay chỉ mới chín năm, chưa đầy một thế hệ, nhưng số người có khuynh hướng muốn dỡ bỏ nhà cổ, thay đổi nếp sống đã tăng lên nhanh chóng từ khi Nhà ta bỗng có số nhà. Làng ta bỗng chốc hoá ra phố phường (thơ Nguyễn Duy).

Cũng như thiên nhiên, cũng như các giá trị nhân văn cổ truyền, làng cổ Đường Lâm rồi cũng sẽ biến mất như bao “cái chết được báo trước”. Hồn mà đã không còn thì xác rồi cũng sẽ tan…

Theo SGTT