Xin giới thiệu bài viết của GS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - về vấn đề xây cầu vượt ở nút giao thông Ô Chợ Dừa (Hà Nội), liên quan đến đàn Xã Tắc. Ông đề nghị một phương án khác phương án mà TP.Hà Nội hiện đang dự kiến thực hiện.
1 Tôi còn nhớ vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Bộ Xây dựng và Giao thông Hàn Quốc lập dự án Tuyến đường sắt cao tốc Seoul - Pusan đi qua Khu trung tâm thành phố Kyongju. Đó là nơi có hàng chục di tích cấp quốc gia và Khu di sản thế giới hang động Phật giáo Sukkuram. Suốt 5 năm tranh luận diễn ra, lý lẽ chủ yếu trên 3 vấn đề: bảo tồn di sản, phát triển kinh tế và lợi ích của dân chúng. Cuối cùng, tuyến đường phải đổi hướng vòng ra ngoại vi thành phố thay vì đi qua trung tâm. Hiện tuyến đường sắt cao tốc này đều đạt hiệu quả cao ở cả 3 lợi ích nêu trên.
Hố khai quật khảo cổ tại Ô Chợ Dừa - nơi đã được xác định là đàn Xã Tắc
Dẫu vậy, không phải lúc nào mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển cũng thuận chiều như thế. Trong khá nhiều xung đột, lợi thế thường nghiêng về phía phát triển kinh tế. Sân vận động Tổ Chim Bắc Kinh - nơi dưới lòng đất có hàng trăm di tích và hiện vật khảo cổ - là một ví dụ. Sân vẫn mọc lên sau khi khai quật khảo cổ, đưa tài liệu hiện vật vào lưu giữ, giới thiệu trong bảo tàng.
2 Các di tích kiến trúc trong lòng đất đô thị cổ khác thường có quy mô lớn. Nó cũng đa dạng về loại hình, được xây dựng bằng nhiều loại vật liệu khác nhau, thời sau chồng xếp, thậm chí làm xáo trộn tầng văn hóa của thời trước. Chưa kể các công trình xây mới ngày nay đã phá hủy những gì ở phía dưới... Vì vậy, nếu diện tích khai quật khảo cổ nhỏ hẹp thì khó có thể cung cấp đầy đủ những tư liệu cần thiết cho nhà nghiên cứu nhận biết được toàn bộ diện mạo của một di tích. Đàn Xã Tắc ở Hà Nội là một trường hợp di tích kiến trúc trong lòng đất đô thị như vậy.
Trong khi tại khu vực ngã năm Ô Chợ Dừa - nơi được xác định là khu vực đàn Xã Tắc mới chỉ khai quật khoảng gần 900 m2, thì ý kiến có phần nào đó còn khác nhau giữa các nhà nghiên cứu là việc khó tránh khỏi. Vấn đề xây dựng và cải tạo nút giao thông ngã năm Ô Chợ Dừa “nóng” lên trong thời gian qua, có lẽ một phần do thiếu thông tin về dự án, một phần là do chúng ta chưa bình tĩnh nghe ý kiến trái chiều của người khác.
Tôi nghĩ, chắc không ai không đồng tình với chủ trương xây dựng và cải tạo để tránh ách tắc tại nút giao thông quan trọng này. Vấn đề là tìm ra giải pháp tối ưu để vừa bảo tồn, phát huy giá trị di tích, lại vừa giải quyết được “đường thông, hè thoáng” và vấn đề an sinh xã hội ở nút thắt giao thông trên.
3 Vừa qua, tôi đã được Cục Di sản văn hóa cung cấp hồ sơ Phương án quy hoạch tổng mặt bằng nút giao thông Ô Chợ Dừa. Quả thật, ít khi tôi gặp một dự án giao thông mà có tới gần 20 văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Thành ủy và Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội, văn bản của Bộ VH-TT-DL, văn bản đóng góp ý kiến của các sở, ban, ngành Hà Nội. Trong hồ sơ, Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị (BQL) đưa ra 5 phương án thiết kế trực thông.
Trên cơ sở phân tích ưu nhược điểm từng phương án, BQL đề xuất chọn phương án 2. Phương án này thiết kế cầu vượt trực thông theo hướng vành đai 1, tim tuyến đi lệch về phía đường Tôn Đức Thắng (phía bắc). Trong phương án 2 có 4 phương án nghiên cứu để lựa chọn: 2a, 2b, 2c1 và 2c2. BQL đề nghị phương án 2c1, nghĩa là lan can cầu vượt phía trên cao nhô vào khu vực bảo tồn khoảng 1,5 m. Tôi nghĩ, dù chồm phía trên, nhưng khi thi công có thể ảnh hướng tới di tích.
Theo tôi, có lẽ khu trung tâm của đàn Xã Tắc nằm nhiều hơn về phía đường Đê La Thành. Để an toàn cho di tích, đề nghị nghiên cứu phương án 3: thiết kế cầu vượt trực thông theo hướng vành đai 1, tim tuyến lệch về phía đường Nguyễn Lương Bằng (phía nam). Ưu điểm của nó là ảnh hưởng tới di tích nhưng không lớn, kể cả không gian trên và không gian dưới. Việc tổ chức giao thông cũng tương đối hợp lý, cơ bản giải quyết được hướng vành đai 1. Diện tích giải phóng mặt bằng không lớn, do đó tính khả thi cao.
Phương án ít ảnh hưởng nhất đến di tích là làm cầu vượt theo hướng đường Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng, nhưng phải giải phóng mặt bằng với diện tích lớn (khoảng trên 10.000 m2), ảnh hưởng một phần đến hệ thống thoát nước của thành phố theo trục Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng, nên chắc là khó có tính khả thi.
GS-TSKH Lưu Trần Tiêu
Theo Thanh Niên