“Tôi thông cảm và chia sẻ với nỗi bức xúc với bà con và xin lỗi về sự chậm trễ trong dự án quy hoạch giãn dân tại làng cổ Đường Lâm”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói.
Cuộc gặp chưa từng có
Sáng 21/5, ông Phạm Quang Nghị đã tới Đường Lâm thị sát tình hình và nghe báo cáo về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm tại UBND thị xã Sơn Tây. Buổi làm việc chưa từng có trong tiền lệ tại Đường Lâm với sự chủ trì của ông Phạm Quang Nghị còn có sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan của thành phố Hà Nội, thị xã Sơn Tây, BQL di tích Làng cổ Đường Lâm, các nhà khoa học, giáo sư hàng đầu về di sản và đại diện các hộ dân trong làng.
Trước khi diễn ra hội nghị, đoàn đại biểu đã trực tiếp đi khảo sát hiện trạng tại Làng cổ Đường Lâm để tận mắt nghe những bức xúc của bà con đã được phản ảnh qua báo chí trong thời gian qua.
Các đại biểu đi thị sát tình hình tại Đường Lâm.
Với hơn 16 ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, các ban ngành liên quan và ý kiến của các hộ dân trong làng, không khí của buổi làm việc diễn ra hết sức nóng. Các ý kiến tập trung chủ yếu vào vấn đề nêu rõ hạn chế thiếu sót trong quá trình phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm, đưa ra các giải pháp tháo gỡ vấn đề bảo tồn với phát triển trong đó có lợi ích của người dân.
Trong vấn đề cấp phép xây dựng, ông Phạm Quang Nghị cũng chỉ đạo cần linh hoạt vận dụng quy chế quản lý để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và luật di sản, tạo mọi điều kiện để người dân nâng cao chất lượng cuộc sống đặc biệt trong việc sửa chữa cải tạo nhà ở.
Sự bức xúc của người dân là có thật
Phạm Quang Long – Giám đốc Sở VH-TT-DL góp ý: “Người dân làng cổ Đường Lâm phần lớn là làm nông nghiệp chứ không phải là làng cổ, làng nghề, nên việc áp dụng lý thuyết chuyển đổi kinh tế cho người dân cần phải cân nhắc và xem lại cho phù hợp với thực tiễn.”
Ông Long cũng cho rằng việc bán vé cho du khách tham quan du lịch cần phải xã hội hóa để đảm bảo lợi ích cũng như công khai minh bạch với người dân làng cổ - chủ thể của di tích.
Chủ tịch xã Đường Lâm thừa nhận: “Sự bức xúc của người dân mà báo chí phản ánh trong thời gian gần đây là có thật. Nhân dân không được hưởng đồng nào từ việc bán vé, việc xây nhà lại gặp rất nhiều khó khăn trong khâu thủ tục, có xin được cũng không xây được vì giá nguyên liệu theo đúng quy định là rất đắt. Xin kiến nghị các cấp cần phải ban hành ngay một mẫu thiết kế thích hợp cho người dân để họ có thể tuân theo quy định mà vẫn đảm bảo cuộc sống sinh hoạt.”
Bà Giang Tú Oanh, đại diện cho người dân làng cổ khi được mời phát biểu đã thể hiện ngay nỗi bức xúc của mình: “Chúng tôi là người dân Đường Lâm sống trên mảnh đất ông cha để lại nhưng lại không được sống tự do trên chính mảnh đất của mình. Chỉ mong lãnh đạo nhanh chóng cấp đất giãn dân và giúp cho dân chúng tôi được xây nhà mà không phải qua nhiều thủ tục khó khăn, có hướng dẫn cụ thể.”
GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cũng đưa ra ý kiến của mình: “Tôi chia sẻ với bức xúc của người dân. Tôi cho rằng nỗi bức xúc này là sự tích tụ từ nhiều vấn đề.
Đã là di tích thì phải tôn trọng Luật Di sản văn hóa và các Luật có liên quan. Di sản văn hóa không chỉ nguồn lực văn hóa mà còn là nguồn lực vật chất để chuyển đổi cơ cấu làm cho đời sống nhân dân tốt hơn.
Thành phố phải có cú hích ban đầu cho di sản này để có cơ hội chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Trên cơ sở nông nghiệp lấy dịch vụ du lịch là chủ yếu. Trước mắt phải phê duyệt quy hoạch tổng thể, rồi xây dựng quy chế chi tiết cho làng cổ Đường Lâm. Tiếp đến là cần có những chính sách hỗ trợ cho người dân một cách hợp lý, gắn liền quyền lợi, trách nhiệm của dân với di sản mà họ sở hữu. Có như vậy mới cân bằng lợi ích của người dân giữa bảo tồn và phát triển.”
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đưa ra ý kiến tại hội nghị: “Về quy hoạch giãn dân, thành phố đã chấp thuận và đưa ra địa điểm. Tuy nhiên những tiêu chí để cấp đất cho dân như thế nào thì là do xã và thị xã, phải từ cơ sở. Hơn nữa cần phải có cơ chế tài chính công khai minh bạch trong vấn đề này.
Cuộc gặp đưa ra kết luận: cần đẩy nhanh quá trình phê duyệt quy hoạch làng cổ và các dự án thành phần như: dự án giãn dân, dự án bảo tồn.
Người dân Đường Lâm nêu ý kiến với lãnh đạo Hà Nội.
Giải pháp nào cho Đường Lâm?
Nhìn chung buổi làm việc đã đi đến nhiều kết luận và thống nhất giữa các ban ngành trong công tác bảo tồn làng cổ Đường Lâm trong thời gian tới. Vấn đề quy hoạch, cấp đất giãn dân, quản lý nguồn thu từ việc bán vé là những vấn đề chủ yếu được đem ra thảo luận.
Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề cấp bách như việc cấp đất giãn dân thế nào cho hợp lý, chính sách cấp đất này ra sao để tránh tình trạng dân được cấp đất sẽ bán lúa non như đã xảy ra trong thời gian qua tại một số hộ trong làng Đường Lâm chưa được đề cập tới.
Thêm nữa, nỗi bức xúc của người dân khi quyền lợi của mình chưa được gắn liền với di sản, mà trực tiếp là từ việc bán vé cũng chưa được bàn đến nhiều. Các đại biểu đều thống nhất với việc lấy nguồn thu từ di sản để nuôi di sản tuy nhiên việc bán vé du lịch tại Đường Lâm sắp tới sẽ được thay đổi ra sao, người dân có được trực tiếp tham gia nhiều hơn thì vẫn chưa được giải quyết.
Có nhiều ý kiến cho rằng việc bán vé cần phải xã hội hóa thông qua hình thức đấu thầu, sử dụng vé có nhiều cuống như Hội An đã làm vẫn chưa được nhắc đến trong hội nghị.
Sắp tới đây, di tích Làng cổ Đường Lâm đang làm hồ sơ để trình lên Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích đặc biệt cấp quốc gia và tiến tới đệ trình lên UNESCO công nhận là Di sản của thế giới.
Tuy nhiên với thực trạng nhức nhối đang đặt ra, đồng chí Phạm Quang Nghị đã chỉ đạo cho UBND thị xã Sơn Tây cần phải làm tốt công tác bảo tồn di sản hơn nữa trước khi làm hồ sơ công nhận di sản:
“Thà chậm công nhận mà giữ cho di tích không xuống cấp hơn nữa đã là mừng. Chúng ta cố chạy theo danh hiệu mà di sản thì không giữ được thì không nên. Nên nhớ cấp công nhận càng cao thì chế tài càng nghiêm ngặt, yêu cầu càng lớn. Vấn đề cần làm với di tích Đường Lâm là phải tháo gỡ ngay những vướng mắc đã bàn để có được sự đồng thuận của người dân.”
Nguyễn Hoàng