"Tổng quan chùa Một Cột - Diên Hựu đang xuống cấp và chưa có một quy hoạch tổng thể để xứng tầm là ngôi chùa độc đáo nhất Châu Á, cần 31 tỷ đồng để nâng cấp sửa chữa", KTS Hoàng Trọng Cương nói.
Tròn 1 tuần sau khi Vietnamnet đăng tải những hình ảnh xuống cấp nghiêm trọng của Chùa Một Cột sau khi trụ trì chùa viết đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, cùng sự vào cuộc của báo chí, sáng nay một cuột gặp giữa các bên liên quan để tìm hướng "giải cứu" chùa đã được tổ chức.
Trụ trì bảo ngập, lãnh đạo bảo không!
Sáng 15/5, UBND Quận Ba Đình tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia về bản quy hoạch tổng thể sửa chữa, nâng cấp, xây mới một số hạng mục trong tổng thể chùa Một Cột - Diên Hựu.
"Cuộc họp này diễn ra không phải vì áp lực báo chí trong thời gian vừa qua đưa tin về sự xuống cấp của chùa Một Cột - Diên Hựu mà nó đã nằm trong lộ trình tu sửa chùa đã có từ trước. Cuộc họp nhằm xin ý kiến các chuyên gia để có một phương án tối ưu tu sửa chùa", ông Đỗ Viết Bình, chủ tịch UBND Quận Ba Đình nói.
Ông Đỗ Viết Bình khẳng định việc úng ngập tại chùa Một Cột trong giai đoạn 1 sau khi sửa chữa là không còn. |
Tại cuộc họp, đại diện BQL dự án trùng tu chùa Một Cột - Diên Hựu cho biết hiện tượng úng ngập tại chùa đã không còn kể từ khi sửa chữa giai đoạn 1 vào tháng 8/2010. Cũng trong năm này, BQL dự án cũng đảo ngói lại chùa Một Cột nên hiện tượng dột nát tại ngôi chùa là không có.
Ông Hoàng Trọng Cương, KTS thuộc đơn vị tư vấn thiết kế cho biết chùa Một Cột đã trải qua nhiều biến động của lịch sử và cùng với thời gian, nó đang bị xuống cấp, cảnh quan của di tích này không phù hợp với cảnh quan xung quanh như sân, đường không đồng bộ, hệ thống cây xanh phát triển tự phát. Việc không đồng bộ này chủ yếu xảy ra ở chùa Diên Hựu. Trong giai đoạn 2 này, vấn đề cần bàn là thống nhất bản quy hoạch tổng thể khu Tam Quan và nhà thờ Tổ ( thuộc chùa Diên Hựu), sửa chữa lại các bậc dẫn lên chùa Một Cột, xây mới nhà Tăng. Tất cả việc sửa chữa này cần khoảng 31 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì của Một Cột lại cho rằng nếu nói chùa không còn hiện tượng úng ngập là chưa đúng. Cách đây gần 1 tuần Hà Nội mưa to kéo dài cả tiếng đồng hồ, chùa vẫn ngập khoảng 45cm, bùn đất và rác thải bám đầy chùa rất mất mỹ quan.
Đại đức Thích Tâm Kiên nói việc úng ngập tại chùa vẫn còn. |
Hỏng đâu sửa đấy
"Theo bản thiết kế quy hoạch tổng thể lại cảnh quan chùa Một Cột - Diên Hựu có phần xây mới nhà Tăng. Tuy nhiên, nhà Tăng lại nằm trước nhà Tổ, điều này không thể chấp nhận được", Giáo sư Trần Lâm Biền nói. Theo GS Biền, nếu khách thập phương đến viếng chùa, phải đi qua nhà Tăng mới vào được nhà Tổ, nếu lúc đó sư vãi đang ngủ thì sao?
Bản tu sửa tổng thể
chùa Một Cột - Diên Hựu. |
Theo GS Biền, chùa Một Cột - Diên Hựu đã có từ trước cách mạng, lại nằm ở vị trí rất nhạy cảm nên chúng ta không có quyền làm thay đổi vị trí nhà thờ Tổ, Tam Bảo và chùa Một Cột. Có tu sử cũng theo cách, hỏng đâu sửa đó. Việc kiến nghị của Đại đức Thích Tâm Kiên rằng nên nghiên cứu thay cột bê tông hiện có ở chùa Một Cột thành cột đá cũng không nên vì từ trước tới nay hình ảnh chùa Một Cột đã in sâu trong lòng người dân. Nếu muốn thay đổi, phải thay đổi theo đúng tinh thần từ thời Lý đó là: Trong hồ Linh chiểu có một cột đá to, trên cột đá có bông sen nghìn cánh, trên bông sen nghìn cánh có tòa nhà đỏ sẫm, trong tòa nhà có tượng Phật mình vàng chứ không phải tượng Quan âm.
"Cần xây am hóa vàng, hóa vàng không để tình trạng hóa ngay trước sân. Tượng phật trong chùa cũng cần phải sắp xếp lại. Sau khi quy hoạch, cần xem xét lại những hàng quán bán trong chùa. Nên đưa các quầy hàng lưu niệm ra khỏi chùa để trả lại sự trang nghiêm vốn có", GS Biền nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cho rằng tu sửa chùa cần giữ nguyên cảnh quan vốn có, nhất là chùa Một Cột, không thay đổi bất cứ cấu kiện nào. Bất kể những thay đổi của chùa Một Cột - Diên Hựu phải được xem xét đánh giá trên cơ sở khoa học.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, các phương án tu bổ, tôn tạo chùa đã được lập không phải là phương án chính thức. “Đó mới là phương án đưa ra để xin ý kiến của cơ quan chức năng, nhà khoa học. Tu bổ, tôn tạo chùa phải dựa trên cơ sở văn hóa lịch sử mang tính lâu bền”, ông Bình nói.
Tình Lê