Mô tả cảnh đột nhập, bắn giết, bắt cóc và tra tấn…diễn ra ngay trong Nhà trắng, bộ phim là sự tưởng tượng phóng túng dựa trên những chất liệu hiện thực.

Sự thật thì việc dựng chuyện Nhà trắng bị tấn công, tổng thống Mỹ bị bắt cóc…trên màn ảnh chẳng mấy xa lạ ở Hollywood, nơi mà ngành công nghiệp điện ảnh luôn thúc đẩy người sáng tạo phải mở rộng biên giới tưởng tượng. Dù vậy, “Olympus has fallen” (tựa Việt: Nhà Trắng thất thủ, chiếu tại VN từ 26/4) vẫn đủ sức gây ngạc nhiên tò mò trong bối cảnh một phim Việt vừa bị áp chiếc mũ phải “phù hợp với hiện thực cuộc sống”.

{keywords}
“Olympus has fallen” dựng chuyện Nhà trắng bị nhóm khủng bố tấn công.

Thậm chí, cách dựng chuyện của bộ phim có sự tham gia của hai ngôi sao Morgan Freeman và Gerard Butler còn táo bạo hơn các phim đi trước. Phim mở ra bằng một cuộc tấn công bất ngờ vào Nhà trắng, từ trên không lẫn dưới đất, của một nhóm khủng bố.

Hầu như toàn bộ những vị trí cao cấp nhất trong Chính phủ Mỹ như Tổng thống, phó Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng… bị bắt giữ làm con tin. Căng thẳng được đẩy thêm một mức nữa khi họ lần lượt bị khai thác, đánh đập để buộc phải khai ra mật mã triển khai đầu đạn hạt nhân, có thể dẫn đến hủy diệt toàn bộ nước Mỹ. Sợi dây co kéo giữa hai thế lực là chính phủ lâm thời và những kẻ khủng bố có lúc tưởng chừng đứt đoạn đã chỉ được giải quyết vào phút chót.

{keywords}
Cảnh nhân vật Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ bị bắt làm con tin và bị tra tấn.

Bỏ qua một số chi tiết khó tin về sự yếu ớt của lực lượng phòng vệ Nhà Trắng hay động cơ của nhân vật nội gián, “Olympus has fallen” có thể nói là thành công ở cách kể chuyện và dàn dựng đầy kịch tính, làm người xem cảm nhận được những giá trị, tinh thần quốc gia lớn lao của đất nước hợp chủng quốc trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh.

Rõ ràng là người Mỹ có quyền tự hào về một bộ phim như vậy, cho dù nó không hẳn là một phim xuất sắc về nội dung hay đột phá về kỹ xảo. Trên trang Rottentomatoes, mặc dù giới chuyên môn cho điểm chưa tới trung bình nhưng khán giả lại dành rất nhiều thiện cảm cho bộ phim với 79% ưa thích. Trang web Imdb chấm khá cao: 7,1 điểm.

{keywords}
“Bố già” Morgan Freeman trong vai quyền Tổng thống, mang lại dấu ấn về diễn xuất cho phim.

Để có được hình ảnh đất nước đẹp một cách thiêng liêng ở cuối phim, người Mỹ đã phải chấp nhận tạo nên một sự tương phản. Trong phần đầu phim, người xem thấy một nước Mỹ yếu ớt và dễ bị tổn thương nhất: Nhà Trắng, vốn là biểu tượng kiêu hãnh của người dân Mỹ bị đánh sập một phần. Cờ Mỹ bị rách tả tơi, trong khi Tổng thống và các bộ trưởng đều bị nhục mạ bởi những kẻ khủng bố.

Nhưng cũng chính nhờ những hình ảnh "tới bến" này mà tinh thần tự hào dân tộc vốn bị tổn thương ban đầu đã chuyển thành niềm kiêu hãnh lớn lao ở cuối phim, lúc quân khủng bố bị tiêu diệt. Đây chính là chiến lược “lùi một bước để tiến ba bước” của đạo diễn Antoine Fuqua. Nếu như sợ gây tổn hại đến hình ảnh kiêu hãnh của một nước Mỹ hùng mạnh mà không làm đến cùng thì bộ phim có lẽ khó mà đạt được hiệu ứng khán giả như vậy.

Đáng tiếc là các nhà làm phim Việt, vì nhiều lý do, trong đó có sự kiểm duyệt, sẽ khó mà học hỏi được được điều này trong những bộ phim của mình.

Minh Khôi