Các nhà khảo cổ bảo vệ luận điểm vị trí được cho là Đàn Xã Tắc hiện nay ở bùng binh ngã 5 Ô Chợ Dừa là không có gì phải nghi ngờ.
Công tác khảo cổ tại khu vực được cho là Đàn Xã Tắc hiện nay.
Nhà khảo cổ học Đào Quý Cảnh (nguyên cán bộ của Viện khảo cổ): Khu vực gọi là Đàn Xã Tắc rộng hơn rất nhiều
Nói về vị trí được cho là Đàn Xã Tắc hiện nay, khi tiến hành khai quật tôi đã tới và nói với anh Kiên, là người chủ trì cuộc khai quật rằng chỗ đó là đỉnh gò, sau này khi người Pháp xây dựng thành phố Hà Nội thì người ta san phạt và lấp nó đi. Vị trí đồn công an hiện nay ở cạnh đường đê chính là vị trí của một cái gò trước đây mà Đàn Xã Tắc nằm ở đỉnh gò. Thực ra Đàn xã Tắc là đền thờ Thần Lúa, hàng năm có Vua hoặc Quan Thượng thư thay Vua ra tế lễ.
Tôi có thể khẳng định vị trí bây giờ là Đàn Xã Tắc ngày xưa, không có nghi ngờ gì cả. Sau này khi Đàn Xã Tắc mất đi, nhà Nguyễn lên thì họ chuyển đàn Xã Tắc vào Huế nên chỗ này mất đi, không còn là Đàn Xã Tắc của quốc gia nữa. Cái ngõ Xã Đàn đi ngay dưới chân của Đàn Xã Tắc cổ là thông tin chính xác. Viện khảo cổ chúng tôi chỉ được phép làm ở khu vực đó chứ không làm rộng ra. Tuy nhiên ngay chỗ đào đã tìm địa vị trí chính xác của Đàn Xã Tắc rồi.
Có ông kỹ sư cầu đường nói rằng khu vực đặt Đàn Xã Tắc hiện nay phải làm đường, làm cầu. Các nhà hoạch định giao thông định đặt ở mỗi nút một cầu vượt, đó là cách làm giải quyết tình thế nhưng không ổn. Khi làm cầu vượt, phải học các nước khác là làm cầu vượt nhiều tầng chứ không đầu tư nhỏ giọt theo kiểu này. Nếu làm kiểu đào hầm đi xuống dưới giống hầm Kim Liên thì sẽ đào bay Đàn Xã Tắc.
Có ông khác phát biểu Đàn Xã Tắc là dấu vết của triều đại phong kiến nên cần phải bỏ đi. Đó là điều hết sức nhảm nhí bởi dân tộc này và ngay cả ông bà tổ tiên của ông ta cũng là do chế độ phong kiến này sinh ra đó chứ. Nếu nói cái gì thuộc chế độ phong kiến thì phải đập đi thì khác nào về nhà đập hết nhà thờ tổ tiên mình? Phát biểu thế là không được, là phỉ báng và xóa bỏ lịch sử dân tộc. Nên đưa ra phương án tối ưu để bảo vệ khu vực đàn Xã Tắc.
Năm 1928, khi hoạch định lại Hà Nội và các vùng lân cận, người Pháp đã xếp hạng rất nhiều di tích lịch sử ở VN. Toàn quyền Đông Dương khi đó đã ra quy định cấm xâm phạm vào tất cả các di tích ấy. Người Pháp đến đô hộ mình còn tôn trọng lịch sử dân tộc VN như thế trong khi dân tộc mình lại tự vứt bỏ tổ tiên đi.
Đáng lẽ Đàn Xã Tắc không được lấp đất lên để làm đường mà phải làm đường tránh, chỗ đó phải được bảo tồn như Hoàng Thành Thăng Long vì nó dính với Hoàng Thành Thăng Long. Chỗ xây Vincom bây giờ là có đàn Nam Giao ở đó, bây giờ mất rồi. Không thể hy sinh lịch sử dân tộc, hy sinh văn hóa để phát triển kinh tế. Thêm nữa, nếu làm cầu vượt thì có nghĩa là vi phạm Luật Di sản. Bởi theo Luật định nếu gặp di tích là phải khoanh vùng để bảo tồn bởi trên thực tế khu vực gọi là Đàn Xã Tắc rộng hơn rất nhiều chỗ vườn hoa và nơi đặt hòn đá hiện nay.
Vườn hoa đặt hòn đá chỉ di tích Đàn Xã Tắc đã được công nhận.
PGS.TS Lâm Mỹ Dung, Chủ nhiệm bộ môn Khảo cổ học
- Khoa Lịch sử, Giám đốc Bảo tàng Nhân
học (ĐH KHXH&NV): Đừng đánh tráo khái niệm!
Tôi cũng có tham gia cuộc khảo cổ năm 2006 với tư cách là đến giúp mọi người. Tôi thấy hiện nay người ta chỉ bàn cãi nhiều mà không quan tâm đến việc đây là di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Diện tích đào hiện nay rất nhỏ so với Đàn Xã Tắc ở Huế bởi một Đàn Xã Tắc có diện tích rất rộng. Việc tranh cãi đó là vùng lõi hay không phải vùng lõi của Đàn Xã Tắc thực ra không dựa vào cái gì cả.
Bản thân hố đào đó đã cho thấy rất rõ ràng vết tích của các giai đoạn khác nhau. Nếu xem trên bản vẽ và ảnh chụp từ khu vực khai quật này thì có thể thấy rất rõ sự nối tiếp qua Lý - Trần - Lê với đường đi, hiện vật tìm thấy. Di vật đào lên cho thấy hợp với nhiều sử liệu đã ghi chép, có các tầng văn hóa, chứng cứ về di tích và di vật có liên quan đến Đàn Xã Tắc, ít nhất từ thời Lý trở đi. Hố khai quật với vết tích như vậy, dựa trên sử liệu đã nói rõ ràng có nhiều chứng cứ để nghĩ rằng đó là Đàn Xã Tắc, nhưng nó chỉ là một phần thôi.
Khi phát hiện di tích và cho khai quật, nếu ở một khu vực khác không nhạy cảm về việc đi lại như vậy thì người ta có thể cho mở rộng cuộc khai quật giống như Hoàng Thành Thăng Long và xem chỗ nào thực sự là vùng trung tâm, chỗ nào là phụ vào trung tâm. Nếu cả khu Đàn Tế mà chỉ tìm ra vị trí đặt đàn tế mà không quan tâm đến xung quanh thì không ổn. Để bảo tồn, không gây ảnh hưởng đến việc vừa bảo tồn vừa phát triển thì phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
Đừng phát biểu rằng tại sao các nhà khảo cổ học không nói đi trong khi đã xác định đó là khu vực có Đàn Xã Tắc rồi. Luật Di sản quy định rõ ràng là trước khi xây dựng cái gì phải có khảo cổ. Nếu không có tiền để làm như thế, khi gặp phải thì phải thực hiện theo Luật. Tôi thấy mọi người đang đánh tráo các khái niệm để biện minh cho việc xây dựng. Nếu bây giờ bóc hết đi thì khi có điều kiện sẽ làm thế nào? lúc đó còn cái gì mà nghiên cứu nữa không?
Theo tôi vấn đề cần làm lúc này là tổ chức hội thảo với sự tham gia của các bên. Hãy cho chúng tôi xem quy hoạch, kết cấu của cây cầu ra sao, mố cầu đào sâu đến đâu. Anh xây dựng nói Yên tâm đi, nó nhẹ lắm, sẽ không ảnh hưởng đến di tích nhưng ngoài phần đã đào, chúng ta có biết chỗ khác thế nào đâu. Và có ai đảm bảo rằng khi đào lên, khi gặp "cái gì" đó người ta sẽ dừng. Mà chỉ cần 1 cái gàu thôi là cả nghìn năm đi đứt.
Mọi người khi nói đến các nhà khảo cổ hay những người làm sử cho rằng chúng tôi chỉ khăng khăng giữ cái cũ. Không phải. Nếu có thông tin đầy đủ, nếu Hà Nội có trách nhiệm thì tôi nghĩ sẽ hợp tác tốt với các nhà khảo cổ, lịch sử. Đừng chỉ xoáy vào những câu phát biểu như linh thiêng, đi trên đầu tổ tiên, rồi di tích lõi. Đây là di tích cấp quốc gia, đã khoanh vùng bảo vệ thì hãy tổ chức hội thảo để các nhà khoa học được biết cái gì thực sự đang xảy ra, có phương án khác không, chứ không thể đưa ra một bản thiết kế và làm theo, bất chấp tất cả.
Để xác định đâu là vùng lõi Đàn Xã Tắc thì cần phải tiến hành khảo cổ tại cả một khu vực rộng lớn.
Hạnh Phương