"Không thể bảo vệ di tích mà không biết nó ra làm sao. Ai cũng phát biểu muốn bảo vệ Đàn Xã Tắc vậy thì xin hỏi Đàn Xã Tắc chính xác là nằm ở đâu?"


Để rộng đường dư luận liên quan đến sự việc xây dựng cầu vượt Ô Chợ Dừa qua di tích cấp quốc gia Đàn Xã Tắc, Vietnamnet tiếp tục có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Văn Hảo – Nguyên phó Viện trưởng Viện khảo cổ học.

{keywords}
Bản đồ khoanh vùng khu bảo vệ di tích.

{keywords}
GS Nguyễn Văn Hảo: Tất cả vấn đề đang tranh luận cần phải đặt lên bàn công khai để cân nhắc.

Chưa ai biết cụ thể Đàn Xã Tắc hình dáng cụ thể thế nào và nằm ở đâu!

Những dấu vết đã phát hiện vừa rồi ở khu vực mà nhiều người nghĩ rằng đó là khu vực của Đàn Xã Tắc hoàn toàn không chính xác.

Đàn Xã Tắc thường là gò đất cao đắp bằng đất rộng và to, muốn đi lên mặt của nó phải qua một số bậc thang. Tùy từng thời đại mà số bậc, độ cao nhiều hay ít. Hình dáng của Đàn Xã Tắc thường là hình vuông theo quan niệm trời tròn đất vuông. Trên mặt của Đàn Xã Tắc thường được dùng gạch 5 màu để lát.

Tất cả những dấu vết kiến trúc trong khu vực khai quật này không có một đặc điểm nào của Đàn Xã Tắc cả. Cái chúng ta tìm thấy là một vài lối đi được lát gạch, 4 nền gạch hình vuông thời Lê và thời Lý. Nền gạch thời Lý rộng 5m2, đền lên trên nó là 3 nền gạch thời Lê rộng từ 5 – 15m2,

Với diện tích bé và nằm liền nhau như vậy thì tất cả đều không phải là bề mặt của Đàn Xã Tắc vì không thể trong một thời kỳ mà lại có 3 cái Đàn Xã Tắc nằm liền kề nhau như vậy cả.

{keywords}
Bản báo cáo kết quả khai quật di tích Đàn Xã Tắc năm 2006 không cho thấy chính xác vị trí Đàn Xã Tắc nằm ở đâu.

Với những vết tích trong cuộc khai quật vừa qua có thể khẳng định chúng ta vẫn chưa tìm thấy chính xác Đàn Xã Tắc. Và đến nay việc tiến hành khảo cổ vẫn chưa tiến triển gì thêm. Vì vậy vẫn chưa có một căn cứ cụ thể nào về việc Đàn Xã Tắc hình dáng thế nào và vị trí tọa độ chính xác ở đâu.

Vậy thử hỏi khi chưa biết Đàn Xã Tắc nằm ở đâu và như thế nào mà đã khoanh vùng bảo vệ nó thì bảo vệ cái gì ở đây?

Trước đây chúng ta đã tranh cãi về dự án có nên phục dựng Đàn Xã Tắc hay không. Và cũng vì không có đủ cơ sở khoa học và vấp phải sự phản đối của nhiều nhà nghiên cứu nên dự án này đã phải rút lại. Tuy nhiên sau dự án phục dựng được rút lại thì lại có một dự án khác là dự án khoanh vùng bảo vệ Đàn Xã Tắc được lập ra.

{keywords}
Bản đồ thiết kế cầu vượt qua ngã tư Ô Chợ Dừa

Chính vì dự án khoanh vùng bảo vệ Đàn Xã Tắc này mới khiến sự việc mới trở nên phức tạp như hiện nay vì khi người ta xây cầu qua đây lại đụng phải vùng bảo vệ di tích Đàn Xã Tắc mà dự án đã làm ra năm 2007.

Bảo vệ di tích là bảo vệ cho người đang sống!

Nước ta hiện nay cũng giống như Trung Quốc, Đài Loan trước đây khi trong quá trình phát triển thì xây dựng rất nhiều. Thêm vào đó, phạm vi sinh sống của người ngày nay trùng khớp với phạm vi sinh sống của người ngày xưa, nên chỗ nào đụng đến xây dựng cũng rất dễ chạm vào di tích.

Vì vậy mâu thuẫn giữa việc bảo tồn hay phát triển là vấn đề luôn xảy ra và sự việc Đàn Xã Tắc chỉ là một trường hợp.

Để giải quyết vấn đề này tôi thấy rằng: “Chúng ta bảo vệ di tích là bảo vệ cho người đang sống chứ không phải cho người đã mất”. Cần phải biết chọn lọc cái gì nên bảo vệ, cái gì cần giữ lại và cái gì cần phải thay đổi để phục vụ cho cuộc sống của người đang sống.

{keywords}
Xây cầu vượt để phục vụ người đang sống hay bảo vệ di tích ?

Chúng ta không thể cứ vịn vào đó là di tích mà cứ nhất định bảo vệ nó một cách vô giá. Nếu cứ như vậy thì có lẽ cả Hà Nội này sẽ có rất nhiều di tích và sẽ không thể xây dựng bất cứ thứ gì để phát triển cả.

Bây giờ, sự việc Đàn Xã Tắc là một đề tài tranh luận, và đã tranh luận thì cần phải có thái độ về mặt khoa học một cách nghiêm túc, không cần những ý kiến phát biểu cảm tưởng, suy nghĩ mà tất cả đều phải đặt lên bàn mà nói mà cân nhắc.

Tôi thấy rằng những ý kiến gần đây như việc nói xây cầu vượt là đi lên đầu tổ tiên, phá Đàn Xã Tắc để phá tàn dư chế độ phong kiến là những ý kiến không đáng để tranh luận vì nó chỉ làm dư luận và vấn để trở nên rối ren hơn.

Nguyễn Hoàng (Ghi)