Theo như nguyên cứu khảo cổ từ năm 2006 thì phần khoanh vùng hiện nay chúng ta thấy là phần lõi của di tích. Còn phần lõi của Đàn Xã Tắc hiện nay chúng ta vẫn chưa xác định được chính xác là nằm ở đâu trong khu di tích Đàn Xã Tắc.
Các tin liên quan |
Liên quan tới sự việc cầu vượt ngã năm Ô Chợ Dừa gây lo ngại trong dư luận sẽ ảnh hưởng đến di tích Đàn Xã Tắc, PV VietNamNet đã phỏng vấn ông Trần Đình Thành – Phó phòng quản lý di tích, Cục Di sản văn hóa.
Ông Trần Đình Thành
- Có ý kiến cho rằng việc xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc trên cao sẽ là việc làm “đi trên đầu các cụ”?
- Hiện giờ đường nhựa dưới mặt đất cũng đang nằm trên khu di tích Đàn Xã Tắc, nếu nói như vậy thì hiện giờ chúng ta cũng đang “đi trên đầu các cụ” đấy thôi. Còn sắp tới chúng ta sẽ xây cầu đi tránh qua đó.
- Việc xây dựng cầu đi qua khu vực di tích có phạm vào khu vực bảo vệ của Đàn Xã Tắc hay không, thưa anh?
- Như trong bản thiết kế, hai mố cầu sẽ nằm ngoài khu vực bảo vệ của di tích Đàn Xã Tắc. Phần oval nổi lên trên mặt đất sẽ rất nhỏ, phần ô chữ nhật là phần có khả năng ảnh hưởng tới di tích cũng sẽ nằm ngoài khu vực bảo vệ.
Bản vẽ thiết kế phần mố cầu vượt ngã tư Ô Chợ Dừa
Chúng tôi đã đưa ý kiến lên thành phố để không ảnh hưởng tới di tích Xã Đàn ở 2 điểm quan trọng trong phương án này. Đó là nắn cầu lệch sang hướng đường Tôn Đức Thắng để tránh cầu đi thẳng sẽ ảnh hưởng tới di tích và thu hẹp bề rộng mặt cầu là 14,5m để giảm độ lớn của cầu đến mức phù hợp nhất.
- Vì sao lại không chọn phương án cầu đi theo hướng đường Tôn Đức Thắng – Nguyễn Lương Bằng?
- Cầu đi theo hướng này sẽ vướng phải đường Khâm Thiên, con đường rất nhỏ và phân làn giao thông sẽ rất khó khăn. Việc giải phóng mặt bằng cho phương án này sẽ là rất lớn. Xét đến yếu tố lưu lượng xe như hiện tại chúng tôi thấy rằng làm cầu vượt theo hướng Xã Đàn – Đê La Thành là phương án khả thi nhất, đảm bảo yếu tố hài hòa về di tích lẫn giao thông hơn cả.
Việc đào móng để làm mố cầu cho cầu vượt có ý kiến lo ngại sẽ vi phạm tới Luật bảo vệ di tích, đặc biệt sẽ xâm hại tới vùng lõi của Đàn Xã Tắc?
- Cần phải làm rõ hai khái niệm lõi của di tích và lõi của Đàn Xã Tắc. Theo như nguyên cứu khảo cổ từ năm 2006 thì phần khoanh vùng hiện nay chúng ta thấy là phần lõi của di tích. Còn phần lõi của Đàn Xã Tắc hiện nay chúng ta vẫn chưa xác định được chính xác là nằm ở đâu trong khu di tích Đàn Xã Tắc.
Phần lõi của khu di tích chúng ta thấy hiện nay có diện tích 1577m2 được xác định trong quá trình nghiên cứu, điều tra khảo cổ. Và trong quá trình khai quật khảo cổ thì vẫn chưa thấy được chính xác phần lõi của Đàn Xã Tắc chính xác là nằm ở đâu trong khu vực di tích này.
- Vậy khi chưa xác định chính xác Đàn Xã Tắc nằm ở đâu, trong quá trình thi công nếu gặp phải đúng phần lõi của Đàn Xã Tắc thì sao? Lúc đó việc thi công và phương án sẽ phải dừng lại?
- Nếu xảy ra việc này chúng ta sẽ phải xem xét lại và có phương án để giải quyết. Còn phương án khi chúng ta đặt ra không phải không tính tới điều này.
Việc chọn phương án cầu vượt đã tránh vùng lõi của di tích được cho là có khả năng cao nhất của Đàn Xã Tắc trước đây. Dựa vào kết quả khảo cổ năm 2006 – 2007 cũng cho thấy di vật khảo cổ tại khu vực này cũng không còn nguyên vẹn và rất khó để xác định Đàn Xã Tắc chính xác nằm ở đâu.
Thêm nữa phần mố cầu đào xuồng khu vực này có diện tích rất bé và hạn chế số lượng một cách tối đa. Việc tìm thấy chính xác vị trí Đàn Xã Tắc đã rất khó, phần mố cầu lại như vậy nên khả năng xảy ra việc này xảy ra là rất thấp và được hạn chế tới mức thấp nhất.
- Vậy tại sao thời gian qua Cục Di sản lại không lên tiếng để dư luận được hiểu rõ nhất về dự án xây dựng cầu vượt?
- Cục Di sản văn hóa chỉ là cơ quan tham mưu cho Bộ Văn Hóa. Theo quy định của Luật quy hoạch, UBND tỉnh thành phố là nơi sẽ công khai tổ chức tuyên truyền giới thiệu quy hoạch.
|