LTS:Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.
Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.
Trong bài viết trước, tôi đã phân tích tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đến nay đã hết dư địa vì vấp phải nhiều rào cản, và chúng ta đã ‘đụng trần’ để kích thích tư duy, sáng tạo cho phát triển đất nước.
Bài này sẽ phân tích những nét chính của một thế giới đổi thay cực kỳ nhanh chóng và chúng ta cần nhận thức rõ thực tế này để có những giải pháp sao cho Việt Nam phải trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao đến năm 2030 và thành quốc gia phát triển đến năm 2045.
Tất cả những thứ khác đều chỉ là cộng cụ, phải vận dụng, thay đổi linh hoạt, phù hợp với mục tiêu tối cao nói trên.
Bối cảnh quốc tế thay đổi chóng mặt
Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đối diện với nguy cơ chuyển từ hợp tác, cạnh tranh là chủ yếu sang đối đầu một cách toàn diện là chủ yếu. Sự đối đầu không chỉ giữa hai nền kinh tế mạnh nhất thế giới mà còn là đối đầu giữa hai hệ giá trị, hai hệ tư tưởng khác nhau về xây dựng hệ thống trật tự thế giới.
Trong khi đó, vai trò của các tổ chức quốc tế đa phương có xu hướng suy giảm và đang phải cải cách, cơ cấu lại. Xu hướng, định hướng cải cách của các tổ chức đó ở mức độ nhất định phụ thuộc vào tương quan mối quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc.
Các dòng chảy thương mại và đầu tư trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương theo nhóm các quốc gia có thể nổi lên, làm suy giảm thể chế thương mại, đầu tư đa phương toàn cầu.
Các FTA song phương hay đa phương không chỉ là gói gọn trong lĩnh vực thương mại, đầu tư,.v.v.v. mà còn điều chỉnh cả các mối quan hệ, các vấn đề trong biên giới quốc gia.
Phải đặt mục tiêu chiến lược đủ cao, thể hiện khát vọng của nhân dân, của dân tộc vươn tới trình độ phát triên cao. |
Bên cạnh đó, khoa học công nghệ sẽ phát triển nhanh, phi truyền thống, phi tuyến tính dẫn đến hàng loạt thay đổi tốc độ nhanh, quy mô và phạm vi lớn, khó lường.
Khoa học công nghệ làm thay đổi quy luật phát triển, thay đổi lợi thế so sánh của các quốc gia. Thế giới sẽ kết nối nhanh hơn, nhiều hơn; trong nhiều trường hợp không còn khoảng cách về địa lý, về thời gian và không gian.
Nhờ đó mà lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn, con người, dữ liệu và tri thức tiếp tục được mở rộng về quy mô với tốc độ cực nhanh, làm thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, phân bố lại cơ cấu sản xuất trên phạm vi toàn cầu, thay đổi cơ bản chuỗi cung ứng.
Kết quả là hệ thống mới sẽ thay đổi cuộc sống của xã hội, của từng cá nhân; thay đổi kiến thức, kỹ năng cần có của người lao động, thay đổi cơ cấu việc làm; nhiều loại công việc hiện nay sẽ giảm hoặc mất đi, được thay thế bằng các loại công việc mới.
Tóm lại, sự thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ sẽ kéo theo sự thay đổi toàn diện và nhanh chóng trên các lĩnh vực khác của xã hội loại người. Vì lẽ đó, các thể chế truyền thống hiện hành, dù được coi là hiện đại, cũng có thể không còn phù hợp.
Quốc gia nào nắm bắt, tận dụng được các cơ hội tạo ra bởi khoa học công nghệ, thì quốc gia đó sẽ có bứt phá và phát triển; và ngược lại, sẽ tụt hậu và tụt lại phía sau của xu thế phát triển.
Thực tế những năm gần đây cho thấy, Châu Âu tuy thuộc loại phát triển nhất thế giới hiện nay, nhưng chưa có những thay đổi tư duy, thể chế theo kịp với phát triển khoa học công nghệ nên lục địa này đã có biểu hiện lạc hậu hơn so với Hoa Kỳ và Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực công nghệ mới.
Bây giờ hoặc không bao giờ
Bối cảnh quốc tế kết hợp với những yếu kém mọi mặt hiện nay của nước ta, như tôi đã trình bày ở bài trước, đặt Việt Nam ở vào tình thế “bây giờ hoặc không bao giờ”.
Tôi muốn nhấn mạnh, điều này có nghĩa là chúng ta phải nhanh chóng, dứt khoát cải cách cả về tư duy lý luận, cả về thực hành để bắt kịp và tiến cùng thời đại. Việt Nam phải tận dụng được các cơ hội phát triển trong xu thế vận động chung của kinh tế thế giới, nhất là những cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0 để phát triển. Chúng ta cần đặt mục tiêu đến năm 2030 thành quốc gia có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 thành quốc gia phát triển.
Tất cả những thứ khác đều chỉ là cộng cụ, phải vận dụng, thay đổi linh hoạt, phù hợp với mục tiêu tối cao nói trên.
Chúng ta phải có ngay những thay đổi đủ lớn, đủ nhanh và nhất quán khắc phục các nguyên nhân đã và đang tạo nên “trần” của tư duy, sáng tạo và cải cách. Nhu cầu tháo bỏ những rào cản đối với sự phát triển nhanh và bền vững hơn của nền kinh tế Việt Nam là bức thiết, thậm chí nhu cầu đó phải trở thành mệnh lệnh không thể chần chừ, do dự.
Chỉ khi nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững hơn thì mới giúp làm gia tăng vị thế và sức mạnh của quốc gia, mà nhờ đó chúng ta mới có thể giữ vững độc lập, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia và linh hoạt ứng phó được với những biến động khó lường của các quan hệ quốc tế.
Sự thành bại trong xây dựng và phát triển quốc gia trong các thập kỷ tiếp theo phụ thuộc phần lớn vào những quyết định của Đại hội sắp tới của Đảng.
Tôi cho rằng, chúng ta phải đặt mục tiêu chiến lược đủ cao, thể hiện khát vọng của nhân dân, của dân tộc vươn tới trình độ phát triên cao, ngang hàng với các quốc gia phát triển trên thế giới. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, thách thức; chỉ một số ít quốc gia đạt được, nhưng không phải không đạt được.
Để đặt mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành quốc gia phát triển, trước tiên cần đặt mục tiêu đến năm 2030 nước ta phải đạt là quốc gia có thu nhập trung bình cao. Từ các căn cứ đó, chúng ta cần xác định mục tiêu cho năm 2025 và hàng năm.
Theo kịch bản của Báo cáo Việt Nam 2035, muốn đạt các mục tiêu nói trên, tăng trưởng GDP trung bình hàng năm phải đạt ít nhất 8% trong suốt giai đoạn nói trên.
Một số kiến nghị định hướng giải pháp
Trước tiên, tôi kiến nghị làm rõ nội hàm của khái niệm mô hình “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là “kinh tế thị trường” với (hay, và) “định hướng xã hội chủ nghĩa” chứ không phải “định hướng xã hội chủ nghĩa trong thị trường”.
Nội hàm như trên thể hiện rõ và cụ thể hóa vai trò của nhà nước trong bảo đảm công bằng xã hội, tập trung và ưu tiên hơn (so với mô hình phi xã hội chủ nghĩa) trong giải quyết các vấn đề xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau của quá trình phát triển đất nước; không ai bị đẩy sang bên rìa của cải cách và phát triển.
Bên cạnh đó, chúng ta cần làm rõ nội hàm đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, và sự phù hợp của đổi mới chính trị với đổi mới kinh tế.
Trong đổi mới chính trị, phải có đổi mới vai trò và cách thức lãnh đạo của Đảng; làm rõ và thể chế hóa sự lãnh đạo của đảng. Thể chế kinh tế thị trường không thể vận hành trôi chảy bởi một bộ máy hành chính về bản chất gắn với thuộc tính của nền kinh tế kế hoạch hóa chỉ huy xuyên suốt từ trung ương đến địa phương như hiện nay. Tính thống nhất của nền hành chính quốc gia đã biến thành tính đồng nhất của bộ máy hành chính nhà nước.
Về đổi mới kinh tế, theo tôi, là đổi mới thể chế để đoạn tuyệt hoàn toàn với kinh tế kế hoạch hóa tập trung, chuyển đổi thành công sang nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, đổi mới chính trị có thể bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: có thể chế ràng buộc trách nhiệm giải trình của các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền; xây dựng một cơ chế hữu hiệu về kiểm soát và cân bằng giữa ba nhánh quyền lực, tạo dựng khung khổ pháp lý thúc đẩy quyền công dân; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin chính xác và kịp thời của công dân và tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng; hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo không gian nhất định cho công dân tham gia vào quá trình quản trị nhà nước.
Các quy định “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đều đã được khẳng định rõ trong Hiến pháp. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa thực sự bảo đảm tính đại diện đích thực của người dân để có thể chọn được những người tốt nhất có thể được vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan nhà nước các cấp. Vì thế, cần đổi mới quy trình, cách thức tuyển chọn, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, tổ chức bầu cử và cơ chế cho sự tham gia của các tổ chức xã hội.
Cần đổi mới vai trò và chức năng của nhà nước các cấp trong quản lý kinh tế; phân quyền và trách nhiệm rõ ràng giữa trung ương và địa phương; và đổi mới cách thức phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước theo hướng như sau:
Thứ nhất, tách riêng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, không để chồng chéo, xin cho như hiện nay; tạo động lực cho các địa phương xây dựng, quản lý chủ động ngân sách của mình, chủ động giải quyết các yêu cầu phát sinh mà không chờ đợi trung ương, rạch ròi trách nhiệm của mỗi cấp, tiết kiệm những chi phí không hiệu quả, hạn chế xin – cho.
Thứ hai, cần thay đổi nguyên tắc phân bổ ngân sách theo nhiệm vụ được giao, theo "đầu ra" của sản phẩm cho mỗi cơ quan đơn vị thay vì phân bổ theo "đầu vào"; "theo đầu người" (biên chế) như hiện nay. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan tinh giản bộ máy, biên chế vì ngân sách hàng năm không phân bổ theo đầu biên chế mà theo nhiệm vụ. Cơ quan được quyền tăng chi phí cho các đơn vị, cá nhân làm tốt, tiết kiệm chi phí. Hàng năm sẽ kiểm điểm việc hoàn thành các nhiệm vụ để quyết định phân bổ ngân sách nhà nước cho năm sau sao cho hợp lý hơn.
Bài viết đã quá dài, tôi xin dừng ở đây.
Nguyễn Đình Cung
Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” theo địa chỉ email: [email protected]