Nhiều DN trong nước có khả năng tài chính nếu được khai thác sẽ phát huy hiệu quả.
Mồi ngon để đi câu
Điển hình, thời gian qua có hàng trăm ngàn tỉ đồng đã đổ vào thị trường chứng khoán, cổ phiếu DN. Trong số 60 bộ hồ sơ dự sơ tuyển đấu thầu quốc tế đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, có đến 15 bộ hồ sơ của nhà đầu tư trong nước tham gia.
Đầu tư các dự án điện mặt trời, chỉ trong vòng 1 năm đã thu hút vốn tư nhân được khoảng 13 tỉ USD. Trong các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, Ngân hàng Nhà nước cho biết có khoảng 633.740 tỉ đồng (tương đương 27,5 tỉ USD), vốn ngân hàng cũng đang nằm trong lĩnh vực này.
Mới đây, công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) có đề xuất làm tuyến đường trên cao từ nút giao đường Cộng Hòa - Trường Chinh đến đường Nguyễn Văn Linh với tổng mức đầu tư lên đến 30.000 tỉ đồng. Còn rất nhiều doanh nghiệp khác có tiềm lực, khả năng tài chính như tập đoàn Vingroup, Sun Group, Xuân Thành... Nếu họ tham gia với chính quyền, hẳn sẽ không lo thiếu vốn cho giao thông TP.HCM.
Khu Đông TP.HCM đang được đầu tư để phát triển |
Luật PPP được Quốc hội thông qua, kỳ vọng thu hút nguồn lực ngoài ngân sách phát triển hạ tầng, trong đó có dự án giao thông. Nhưng hạn mức vốn nhà nước tham gia không được phép quá 50% tổng mức đầu tư, còn lại nhà đầu tư phải huy động là khoản chi phí khá cao với các dự án lớn nên sẽ rất cân nhắc.
Doanh thu dự án BOT so với phương án hoàn vốn, sau 3 năm khai thác, nếu vượt 20% thì Nhà nước sẽ thu lại phần này, nếu đạt dưới 70% thì Nhà nước không bù. Hơn nữa, phần lợi nhuận sau khi khai thác được thu lãi chỉ 5% trong khi lãi suất tiền gửi ngân hàng đã cao hơn thì không nhà đầu tư nào tham gia rót vốn vào dự án.
TP.HCM có thuận lợi hơn các địa phương về điều kiện, áp dụng cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, chưa hẳn sẽ thu hút được đầu tư tiềm năng hoặc nhà đầu tư nước ngoài nếu thiếu cơ chế bảo lãnh rủi ro. Bởi bất kỳ nhà đầu tư nào bên cạnh hợp tác phát triển cũng không ngoài mục đích tìm kiếm lợi nhuận, lo ngại những rủi ro ngoài tầm kiểm soát, tính toán kỹ lưỡng đến khi đảm bảo niềm tin chắc chắn mới rót nguồn vốn lớn mà nhất là với những dự án có thời gian hoàn vốn kéo dài.
Cần chính sách “đột phá” để tập hợp đủ nguồn lực, huy động thêm nhiều nguồn vốn như ODA, WB, ADB, IMF… Đặc biệt, tận dụng nguồn lực ngay trong nước.
PPP là hình thức hợp tác công - tư, cũng là mô hình hợp tác dài hạn, trong đó khu vực công và tư cần chia sẻ không chỉ lợi ích mà còn cả rủi ro. TP.HCM nhiều khi muốn nhưng chưa hẳn nhà đầu tư muốn tham gia thực hiện dự án. Vậy TP cần “đi câu”.
“Mồi ngon” là các yếu tố công khai, minh bạch và hài hòa lợi ích các bên thì chính sách bảo lãnh rủi ro và lợi nhuận cho nhà đầu tư sao cho cao hơn lãi suất ngân hàng.
Nên chăng đột phá bảo lãnh doanh thu cho nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn như như tạo ra chính sách hấp dẫn, dự án do nhà nước đề xuất (bảo lãnh 90% doanh thu), dự án do nhà đầu tư đề xuất (80% doanh thu) như Hàn Quốc đã làm thành công.
Cạnh tranh công bằng
Nhà nước có thể tổ chức thực hiện trước công tác giải phóng mặt bằng, bố trí trước phần vốn ngân sách tham gia dự án hoặc cùng thời điểm nhà đầu tư huy động vốn. Với các dự án lâu nay chưa có nhà đầu tư, không chờ đợi mà chủ động sử dụng ngân sách lập thủ tục đề xuất đầu tư và công khai các thông tin chi tiết trên mạng đấu thầu quốc gia từ bước xúc tiến đầu tư đến khâu lập dự án, phương án hoàn vốn thì không chỉ trong nước, nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ dễ dàng tiếp cận tìm hiểu, biết có lợi nhuận sẽ tham gia.
Lúc này, người dân thụ hưởng và trả phí dịch vụ cũng biết các thông tin liên quan, xem như đã lấy ý kiến cộng đồng càng tạo sự đồng thuận cao thì dự án càng ít gặp phản ứng và giảm thiểu rủi ro cho các bên.
Một khi đã có nhiều nhà đầu tư tham gia, sẽ có cạnh tranh công bằng. Lúc đó, tổ chức đấu thầu rộng rãi sẽ có cơ hội chọn nhà đầu tư có năng lực tốt và tiềm lực kinh tế mạnh, tăng mức sàn góp vốn, sử dụng công nghệ tiên tiến, hạn chế sử dụng vốn ngân sách và vốn vay ngân hàng. Mức độ bảo lãnh rủi ro tùy theo từng dự án có xem xét tính đặc thù, ưu tiên với các dự án có thời gian thu hồi vốn kéo dài, nhưng nhà đầu tư cũng phải chấp nhận rủi ro nếu lỗi chủ quan mình tự gây ra.
Khi có nhiều nhà đầu tư tham gia, sẽ có cạnh tranh công bằng |
Ngoài ra, có thêm chính sách hỗ trợ nhà đầu tư phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu công trình để từ đó thu hút nguồn lực huy động vốn từ xã hội và các kênh đầu tư khác, chứ không bị động trông chờ vốn từ các ngân hàng như thời gian qua. Cũng nên áp dụng thêm cách thức Bình Dương, Long An đã làm đường vành đai 3, 4.
Vốn từ quỹ đất đai
Luật PPP đã khai tử hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) nhưng chính quyền với vai trò quản lý, điều hành vẫn có thể khai thác quỹ đất nơi các dự án giao thông đi qua và tổ chức đấu giá theo quy định cũng là cách thức chuyển thành tiền tái đầu tư cho giao thông. Các quỹ đất này được quy hoạch định hướng về kiến trúc, phần trăm xây dựng, mục đích sử dụng nên tổ chức hay cá nhân nào trúng đấu giá cũng tuân thủ.
TP.HCM từng làm thành công mô hình này, khai thác thêm quỹ đất mỗi bên 15m dọc đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè) vừa làm đẹp đô thị, tạo vốn tái đầu tư.
Tuyến metro số 1 dự kiến hoàn thành trong năm 2021, trước đây chưa tính tới phương án khai thác quy đất. Nay ngoài chuyện thiết kế cảnh quan kiến trúc cũng có thể tạo vốn tái đầu tư cho các dự án giao thông khác bằng cách khai thác quỹ đất công khá lớn chạy dọc tuyến rất thuận lợi. Thống kê trong bán kính từ 500-800m tính từ các nhà ga trở ra cho thấy có quỹ đất “vàng” rất lớn men theo xa lộ Hà Nội.
Phía quận 2 cũ, khu vực ga Thảo Điền và An Phú ngoài quần thể chung cư và nhà ở cao cấp đắt đỏ thì có nhiều khu đất công trình công cộng như chợ Thảo Điền rộng khoảng 1.700m², Câu lạc bộ bơi lội An Phú với diện tích khoảng 3.674m² cùng hàng loạt khu đất công do địa phương quản lý tại đường Lê Thước với diện tích gần 2.200m², khu đất cuối đường số 9 rộng khoảng 1.400m², thửa đất số 13 tờ bản đồ số 8 rộng khoảng 700m², thửa đất số 13 tờ bản đồ số 1 rộng khoảng 644m².
Ngoài ra, còn nhiều khu đất công đang được các tổ chức, doanh nghiệp đang thuê.
Phía quận Thủ Đức cũ gần 5 nhà ga Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, khu Công nghệ cao và Suối Tiên có nhiều khu đất công và tư thuộc quyền sử dụng các hộ gia đình với hầu hết là nhà đơn lẻ, thấp tầng. Phía quận Bình Thạnh có 2 nhà ga là Văn Thánh và Tân Cảng, xung quanh đó có nhiều khu đất nhà xưởng, đất công cộng.
Các khu đất này nếu được đấu giá sẽ tạo nguồn vốn khá lớn đầu tư cho giao thông. Điều này còn giúp khắc phục những bất cập trong trong giao đất, định giá đất trước đây gây thất thoát tài sản nhà nước đã từng xảy ra tại các dự án đầu tư BT.
Từ bây giờ nên nghĩ đến khai thác quỹ đất dọc các tuyến metro, đường sắt đô thị, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, các dự án mở rộng quốc lộ và đường vành đai 2, 3, 4.
Ngoài ra, kết hợp phát triển đô thị và các khu công nghiệp để làm đường như Bình Dương và Long An. Đoạn vành đai 3 (trùng với phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn) dài 16,3km quy mô 6 làn xe và đoạn vành đai 4 (đi qua khu công nghiệp VSIP II và khu công nghiệp Mỹ Phước 3) dài 11km, Bình Dương dùng ngân sách giải phóng mặt bằng, chi phí làm đường do doanh nghiệp đầu tư. Hay với các khu công nghiệp VSIP II và Mỹ Phước 3, nhà đầu tư làm đường nội bộ khu công nghiệp trùng với một phần tuyến đường vành đai 4.
Các tuyến đường này được xem như công trình tạo lực vừa phục vụ cộng đồng và khu công nghiệp, khu đô thị mà doanh nghiệp thực hiện được tính toán bù đắp chi phí từ việc phát triển công nghiệp, khu đô thị nơi đó.
Tại Long An, chính quyền đã đồng ý chủ trương chấp thuận nhà đầu tư lập ý tưởng quy hoạch khu công nghiệp rộng 2.300ha tại huyện Bến Lức, trong đó có 4,7km đường vành đai 3 đi qua. Như vậy, khi nhà đầu tư triển khai khu công nghiệp sẽ đảm nhiệm luôn phần xây dựng đoạn đường vành đai đi qua khu công nghiệp này.
Kỹ sư Trần Văn Tường
Bài 1: Khởi động các dự án giao thông ở TP.HCM
Chính phủ đang thúc đẩy giải ngân đầu tư công, coi đây là một trong các động lực để thúc đẩy nền kinh tế đang bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19.