LTS: Trong vài năm gần đây, giáo dục đại học nói riêng và ngành giáo dục nói chung đang chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ ở Việt Nam. Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã có những tác động sâu sắc đến cách học tập, cách làm việc, cách tư duy của giảng viên và sinh viên. 

Tuần Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books, Viện trưởng Viện lãnh đạo ABG và ông Đàm Quang Minh, chuyên gia giáo dục, Chủ tịch Hội đồng Trường Phú Xuân về chủ đề này.

Dịch bệnh Covid-19 đang thay đổi tất cả, kể cả việc dạy và học, tác động sâu sắc đến các chương trình học tập và cuộc sống, cách làm việc, cách tư duy của giảng viên và nhiều trường đại học, nhiều tổ chức giáo dục Việt Nam và thế giới. Các ông chia sẻ thêm quan điểm về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Tôi tin rằng, những biến chuyển của cuộc sống, của thời đại làm nảy sinh những đòi hỏi và yêu cầu về năng lực, tư duy của con người, tất yếu các quá trình giáo dục và đặc biệt là giáo dục đại học phải thay đổi theo để thích nghi với thời đại.

{keywords}
Ông Nguyễn Cảnh Bình: Nền tảng căn bản nhất cho quá trình chuyển đổi này là con người

Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đang tạo ra những không gian học tập mới cũng như thúc đẩy các quá trình trao đổi, chia sẻ, truyền bá kiến thức và kinh nghiệm. Những điều mà trước đây hầu như không thể thì nay hoàn toàn có thể: học viên có thể ở khắp nơi trên thế giới và giảng viên cũng vậy… Quá trình này được thúc đẩy thêm nhanh hơn, rộng hơn do dịch bệnh Covid-19.

Nền giáo dục Việt Nam đang trải qua quá trình thay đổi mạnh mẽ đó. Cùng với những yêu cầu đó còn có yếu tố tự chủ giáo dục: quá trình thay đổi thiết chế và quản trị giáo dục đang được diễn ra ở mọi cấp bậc giáo dục… đòi hỏi những tổ chức giáo dục và lực lượng nhân sự cũng phải chuyển động theo.

Ông Đàm Quang Minh: Ngay từ khi chưa có dịch bệnh Covid-19, tư duy giáo dục trên thế giới đã có những thay đổi quan trọng. Tỷ lệ các lớp học phi truyền thống tăng đều hàng năm và chiếm tỷ trọng lớn đáng kể trong khối lượng học tập ở bậc đại học. Ở bậc phổ thông, các ứng dụng cũng tăng trưởng một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, cú huých Covid-19 đã khiến cho mọi thứ thay đổi nhanh chóng hơn nhiều lần. Tỷ lệ học online tăng vọt và gần như cưỡng ép chứ không còn là lựa chọn như trước. Qua đó cũng thể hiện được toàn bộ ưu và nhược điểm của việc học online cũng như các cách thức để áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Ngoài ra, biên giới của việc học tập cũng được mở rộng hơn rất nhiều với nhiều lớp học xuyên quốc gia. Nhiều lớp học của các giảng viên từ các trường đại học hàng đầu được mở và chia sẻ miễn phí. Rất nhiều lưu học sinh đã trở về Việt Nam nhưng vẫn hàng ngày theo học các khóa trực tuyến.

{keywords}
Ông Đàm Quang Minh: Vướng mắc hiện nay nằm chủ yếu ở khâu triển khai các ý tưởng và áp dụng công nghệ dạy và học

Đương đầu với những thách thức đó, theo các ông, chúng ta cần làm gì? Liệu thể chế, thiết chế... cần có những thay đổi nào? 

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Cần quá nhiều thứ để đáp ứng lại những thách thức này: con người/nguồn nhân lực, tiền bạc/tài chính/đầu tư; công nghệ và tri thức mới; và tiếp nữa là thiết chế, luật pháp, quy định và cách thức quản trị…

Để nói hết về những điều này là không thể đủ trong 1-2 bài báo, nhưng với tôi, nền tảng căn bản nhất cho quá trình chuyển đổi này là con người. Con người xây dựng nên thiết chế/quy định, con người điều hành, vận hành các hệ thống, tổ chức và đại học; con người giảng dạy và sản sinh tri thức hiện đại, rồi truyền bá nó cho học trò; con người phát triển những công nghệ mới và tìm kiếm những điều thích hợp để đưa vào thực tế.

Vì vậy, con người là then chốt, là quyết định cho những thay đổi này. Chúng ta cần có những nhân tố mới, những người có tư duy giáo dục hiện đại, những nhà hoạch định chính sách và vận hành các tổ chức, chương trình.

Tóm lại, một thế giới mới, xã hội mới, bối cảnh mới đòi hỏi một nền giáo dục mới, và cần những con người mới, những nhà giáo dục mới.

Theo ông, liệu giáo dục đại học đã thành thục với cách tiếp cận học online, học thật, thi thật hay chưa?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Mặc dù nền giáo dục Việt Nam đã có những thay đổi lớn lao trong vài năm gần đây nhưng chúng ta vẫn lạc hậu so với thế giới và với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, của xã hội.

Là doanh nhân và tham gia trong nhiều ngành như xuất bản, bán lẻ, nghiên cứu… tôi thấy nhiều yếu kém nội tại của giáo dục đại học. Ngoại trừ một số đại học lớn hàng đầu, hầu hết các chương tình giảng dạy đi khá chậm so với thực tế, các giáo trình lạc hậu hơn nhiều với thế giới hiện đại, không bắt nhịp được với tốc độ phát triển.

Các môn chung quá nhiều, lý thuyết quá nhiều, thực hành quá ít, sinh viên ít được khuyến khích có tư duy phản biện, ít kết nối với nhu cầu của doanh nghiệp. Ngay cả những trường hàng đầu trong hệ thống trường công cũng hầu như không bắt nhịp kịp với sự phát triển của khoa học công nghệ và thực tế ở doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, có điểm sáng nho nhỏ là tôi rất ngạc nhiên về năng lực của một số em sinh viên, đang học hoặc vừa ra trường. Các em này đã tự trang bị kiến thức cho mình từ những chương trình và kiến thức bên ngoài lớp, ngoài trường bằng việc tham gia nhiều hoạt động kết nối, thực tiễn…

Nhưng hẳn là các em sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nếu có những định hướng chính thức và được đào tạo trong môi trường đa liên kết, đa ngành.

{keywords}
Cú huých Covid-19 đã khiến mọi thứ thay đổi nhanh chóng hơn nhiều lần

Ông Đàm Quang Minh: Có thực tế là Việt Nam thích ứng chậm trong việc thay đổi ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Một phần vì sự chuẩn bị về hạ tầng chưa sẵn sàng, một phần vì hành lang pháp lý thay đổi chậm chạp.

Niềm tin vào việc đào tạo online và sử dụng công nghệ chưa nhiều nên việc cho phép các học phần trực tuyến đang được nới ra một cách từ từ. Sự liên kết giữa các trường cũng ở mức khá yếu nên không đáp ứng được việc học tập linh hoạt, là ưu thế của giáo dục đại học.

Đối với giáo dục phổ thông, hệ thống còn khá cứng nhắc từ quản lý đến đội ngũ thực thi nên hầu như không có đổi mới hay cải tiến gì trong việc ứng dụng công nghệ dạy và học.

Điều này thực tế đòi hỏi xây dựng được một đội ngũ lãnh đạo giáo dục năng động, am hiểu công nghệ ở cấp cơ sở. Vướng mắc hiện nay nằm chủ yếu ở khâu triển khai các ý tưởng và áp dụng công nghệ dạy và học.

Được biết các ông vừa thiết kế một chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ trong giáo dục. Các triết lý của ABG và kỳ vọng, mong đợi của các ông là gì?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Nhận thức được những thách thức này, Viện lãnh đạo ABG có sáng kiến khởi xướng chương trình Lãnh đạo Trẻ giáo dục 2021 với mục tiêu lựa chọn 30 giảng viên trẻ đại học có năng lực, có ý chí và khát vọng, có tư duy hiện đại.

Chúng tôi muốn thiết kế một chương trình đào tạo, thiết kế một không gian mới, mở rộng, khác biệt, gắn với lịch sử, văn hóa, dân tộc, đất nước… Giảng viên là những nhà lãnh đạo từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp có uy tín và kinh nghiệm bậc nhất.

Bên cạnh đó, giảng viên còn là các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, lãnh đạo trong ngành và các chuyên gia quốc tế… Chương trình được thiết kế gồm cả những chuyến đi tham quan thực tế các cơ sở giáo dục.

Hơn thế nữa, kết thúc khóa học, học viên còn tham gia mạng lưới những nhà lãnh đạo trẻ, và xây dựng, phát triển network với các chuyên gia/giảng viên trong ngành giáo dục… Rồi sẽ có nhiều nhà giáo dục tham gia và được nuôi dưỡng trong môi trường đó.

Nền giáo dục mới không chỉ cần một vài giảng viên đại học hiện đại, cần vài doanh nhân giáo dục mà chúng ta cần hàng trăm, hàng nghìn người như vậy. Đó phải là một quá trình lâu dài, thường xuyên, nên chúng tôi mong muốn hàng năm đều tổ chức các khóa học như vậy.

Lan Anh  

Ba đề xuất gửi tân Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

Ba đề xuất gửi tân Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

Người xưa có câu: “Tân quan tân chính sách”. Người dân có nhiều kỳ vọng và mong muốn Bộ trưởng GD-ĐT có những quyết sách đúng đắn để chèo lái con thuyền giáo dục thành công.