An sinh của dân không thể xem thường
Kỳ họp Quốc hội, thật không may, diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, làm 19 tỉnh ở phía Nam phải thực hiện Chỉ thị 16 với những quy định ngặt nghèo, nhiều tỉnh phía Bắc và Trung bộ áp dụng Chỉ thị 15, gây ra những khó khăn rất lớn đối với sinh kế của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Người dân mong chờ các vị đại biểu lên tiếng sao cho giảm bớt những khó khăn, thiệt hại do tác động tiêu cực của các chính sách chống dịch còn chưa phù hợp, cực đoan.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Doãn Tấn |
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên hôm chủ nhật phải thốt lên, sau 7 ngày thực hiện áp dụng Chỉ thị 16 tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, việc cung ứng hàng hóa “bị đứt gãy nghiêm trọng”. Ông nói: "Nếu không có biện pháp kịp thời thì rất gay go".
Vì sao phải hơn 1 tuần thực hiện phong tỏa mới nhận ra thực trạng này? Bỏ chợ truyền thống, nơi cung ứng gần 80% nhu cầu lương thực, thực phẩm cho TP.HCM, không những cắt nguồn sinh sống của người dân thành phố, mà còn làm hỏng nguồn cung rau quả của nông dân ở nhiều tỉnh lân cận.
Việc bắt người dân và lái xe phải có giấy xét nghiệm âm tính cũng góp phần làm cho tình trạng lưu thông hàng hóa trầm trọng hơn.
Vì thế, các vị đại biểu được mong chờ phản ánh thực trạng này, không chỉ để giúp dân ở các tỉnh phía Nam đang phong tỏa, mà còn rút kinh nghiệm cho các tỉnh khác nữa.
Những sáng kiến chính sách như thiết lập “luồng xanh vận tải”, “bỏ giấy xét nghiệm âm tính” và tinh thần “dám chịu trách nhiệm” của nhiều cán bộ trên thực địa giúp chống cả hàng hóa và người dân tắc nghẽn là trực tiếp chống dịch. Người dân mong không xảy ra những lúng túng, chệch choạc, chậm chạp khiến nhiều người dân khổ thêm, khi họ đang phải giãn cách xã hội. Vì thế, bảo đảm sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn và bảo đảm những mặt hàng thiết yếu cho người dân là rất cần thiết.
Người dân mong muốn được hưởng trợ cấp để sống qua những ngày khó khăn này. Đây là lúc cần giải ngân nhanh gói an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho các nhóm gặp khó khăn, trong đó có lao động tự do.
Đến nay, TP HCM đã hỗ trợ khoảng 220.000 lao động tự do, bán vé số, hàng rong, thu gom rác..., với tổng số tiền hơn 330 tỷ đồng. Đây là nhóm bị lọt lưới an sinh lâu nay. Làm sao để nhân rộng kinh nghiệm này cho nhiều tỉnh thành trên cả nước để không còn cảnh dân được hưởng trợ cấp “trên tivi”.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang rất khó khăn bởi những tác động tiêu cực của chống dịch. Trong 6 tháng đầu năm nay, hơn 70.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng gần 25%. Cùng với hơn 100.000 doanh nghiệp đã đóng cửa năm ngoái, đà phá sản, giải thể đã đến hồi báo động. Nhiều doanh nghiệp hy vọng vấn đề của họ được nêu lên sao cho có giải pháp hỗ trợ họ thực chất.
Trong giai đoạn kinh tế khó khăn này, lẽ ra chi tiêu công phải tăng cường hơn nữa mới tạo ra việc làm, xung năng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước chỉ đạt vỏn vẹn 29% kế hoạch trong nửa đầu năm nay. Vì sao tình trạng này kéo dài mãi không dứt, đó là câu hỏi cần được các vị đại biểu đặt ra.
Các doanh nghiệp nhà nước làm ăn ra sao để đến nỗi Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng? Và còn rất nhiều vấn đề khác.
Dự báo trong các tháng tiếp theo, nền kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cần được các vị đại biểu lưu tâm, đề xuất các chính sách tốt.
Sức khỏe của nền kinh tế
Nguy cơ lan rộng của đại dịch Covid-19 vẫn hiện hữu, với sự xuất hiện nhiều biến thể mới, tốc độ lây lan nhanh hơn. Sự bùng phát dịch bệnh ảnh hưởng mạnh đến các hoạt động của các trung tâm kinh tế, trong đó ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất tại nhiều khu công nghiệp, tỉnh, thành phố lớn và do đó ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng, mà Việt Nam là một mắt xích rất quan trọng.
Không thể không tính đến nguy cơ lạm phát gia tăng do sức ép lạm phát từ bên ngoài. Lạm phát toàn cầu năm 2021 được dự báo tăng khá mạnh do giá cả của các hàng hoá cơ bản tăng mạnh cùng với nỗ lực phục hồi kinh tế hậu Covid-19 bằng các chính sách tài khoá, tiền tệ nới lỏng.
IMF dự báo trong năm nay, giá dầu thô tăng 41,7%, hàng nông sản thô tăng 12,9%, thép tăng 32,1%, thức ăn tăng 13,9% và giá cả hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2%.
Trong dài hạn, việc thực hiện các gói kích thích kinh tế quy mô lớn khiến rủi ro nợ công của nhiều quốc gia tăng nhanh. Tình thế này cần Quốc hội đặc biệt chú ý, giám sát để tránh những bất ổn vĩ mô đã từng trả giá rất đắt trong quá khứ.
Bên cạnh đó, còn nhiều rủi ro cho công tác điều hành. Ví dụ, rủi ro tài khóa gia tăng khi Chính phủ đã phải chi nhiều hơn thu để kích thích phục hồi kinh tế; rủi ro nợ xấu trong khu vực tài chính; hay rủi ro xã hội phát sinh do người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính.
Bên cạnh đó, cung tiền tăng vừa phải nhưng hiệu quả sử dụng vốn thấp sẽ tạo áp lực dài hạn lên lạm phát, và vòng quay tiền chậm lại trong nền kinh tế thực song một lượng tiền không nhỏ lại đang được luân chuyển khá nhanh trong các kênh đầu tư rủi ro.
Đến nay, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều địa phương trong cả nước, nhiều khu công nghiệp, thành phố lớn làm gia tăng nguy cơ gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng của nền kinh tế. So với những đợt dịch xảy ra trước đây, đợt dịch này kéo dài hơn và phức tạp hơn, cả về quy mô cũng như tốc độ lây lan.
Tuy nhiên, Chính phủ chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng, và vẫn nhấn mạnh thực hiện "mục tiêu kép". Trong bối cảnh đó, các vị đại biểu được mong chờ cất tiếng nói mạnh mẽ đại diện cho dân và cử tri đã bầu, giúp tháo bỏ mọi rào cản kinh doanh, những khó khăn cản trở người dân mưu sinh và doanh nghiệp hoạt động để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tư Giang
Trăn trở của nữ bác sĩ về cách TP.HCM có thể cải thiện trong chống dịch
Thành phố trong những ngày giãn cách xã hội đã cho tôi có nhiều thời gian hơn để suy ngẫm với nhiều trăn trở khôn nguôi về những gì người dân nói, đồng nghiệp nói, học trò của mình nói.