LTS: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra một thời đại phát triển mới. Ở đó, nước nào biết chăm lo xây dựng nguồn nhân lực, nhân tài thích ứng nhanh với thời cuộc, biết dùng công nghệ tiên tiến và không ngừng đổi mới sáng tạo thì nước đó sẽ chiến thắng trong cạnh tranh khốc liệt này.

Chúng ta đang có những lợi thế tổng hợp mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Do hoàn cảnh lịch sử, chúng ta có nguồn trí tuệ người Việt Nam ở nước ngoài rất dồi dào. Hàng trăm nghìn nhà khoa học, chuyên gia, kỹ sư người Việt Nam đang ở các nước có nền khoa học tiên tiến, trong đó có nhiều người là chuyên gia tầm cỡ, giáo sư tên tuổi, kỹ sư xuất sắc về trí tuệ nhân tạo đang làm việc cho các tập đoàn công nghiệp lớn, các đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới.

{keywords}
Áp dụng phân tích dữ liệu nâng cao và học máy để quản lý gian lận thông minh trong thương mại điện tử. Ảnh: idea.gov.vn

Một thuận lợi khác là hiện nay, chúng ta có khoảng 900.000 nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, có một số lượng lớn kỹ sư về trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu... Số lượng kỹ sư về Blockchain và Fintech đang gia tăng nhanh chóng.

Các yếu tố thuận lợi đó không tự nó chuyển hóa thành sức mạnh mà đòi hỏi sự lãnh đạo, tổ chức và kết hợp một cách khôn ngoan và sáng tạo, biết lựa chọn và tập trung nguồn lực cho các mục tiêu ưu tiên để tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa đất nước phát triển bứt phá. Những thuận lợi đó chỉ phát huy tốt khi chúng ta có đội ngũ cán bộ lãnh đạo đất nước tài năng, có tâm và tầm.

Thách thức đối với nguồn nhân lực

Bên cạnh thuận lợi, nguồn nhân lực của chúng ta có nhiều hạn chế, yếu kém. Cụ thể, số nhân lực chưa qua đào tạo quá lớn chiếm tới 75% lực lượng lao động, khoảng 45 triệu người, đó là bức tranh khá u ám nếu chúng ta không nhanh chóng trang bị kỹ năng phù hợp.

Báo cáo năm 2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá nguồn nhân lực của chúng ta chưa sẵn sàng cho thời đại 4.0, xếp thứ 70/100 nước. Cũng do kỹ năng thấp và tính chất của lao động nên nhân lực của chúng ta dễ bị tổn thương trước những đột phá về công nghệ, bị mất việc và thay thế bởi tự động hóa, người máy thông minh, trí tuệ nhân tạo. 

Số 25% đã qua đào tạo cũng còn rất nhiều vấn đề. Chất lượng đào tạo nghề xếp thứ 80/100 nước, chỉ hơn Campuchia (92/100), nhân lực có chuyên môn cao cũng thuộc nhóm cuối bảng, xếp thứ 81/100 nước.

Chúng ta còn đứng gần áp chót 90/100 nước về công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt năng suất lao động quá thấp, chỉ bằng 7% của Singapore... Chưa kể là sẽ có số lượng lớn nhân tài bị hút sang các nước khác nếu ta không có sự cải thiện rõ rệt trong môi trường làm việc và chế độ, chính sách…          

Hơn nữa, nền sản xuất cũng chưa sẵn sàng đối với CMCN 4.0, thuộc nhóm đội sổ, điểm số bình quân là 4,9/10 - dưới điểm trung bình, trong đó chỉ số cấu trúc sản xuất đạt 4,96/10, xếp thứ 48/100 nước, chỉ số động lực sản xuất đạt 4,93/10, xếp thứ 53.

Hai bài toán nhân lực hóc búa

Để phát huy những mặt thuận lợi và khắc phục, vượt qua những thách thức, chúng ta đồng thời phải giải quyết 3 vấn đề rất nan giải. Một là, yêu cầu về phát triển nguồn nhân lực kỹ năng, nhân tài sẵn sàng cho chuyển đổi số là vô cùng lớn, cả về số lượng và chất lượng, trong khi hệ thống giáo dục và đào tạo, đặc biệt là bậc đại học và dạy nghề, còn yếu kém, không phải một sớm một chiều khắc phục được. 

Hai là, chúng ta cần duy trì mức tăng trưởng GDP cao liên tục (trên 7%/năm) để cán đích mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, trong khi động lực tăng trưởng GDP có xu hướng giảm tốc độ qua từng nhịp 10 năm trong giai đoạn 1991-2018 như đã được chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên chỉ ra.

Ba là, chúng ta cần phát triển, khai thác triệt công nghệ tiên tiến và không ngừng đổi mới sáng tạo, hướng tới một nền kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo, tăng năng suất, năng lực cạnh tranh và hiệu quả trong khi hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia không chỉ yếu kém, trì trệ mà còn thiếu áp lực và động lực đủ mạnh, thiếu đà và môi trường thuận lợi để phát triển.

Như vậy, chúng ta vừa phải khai thông các điểm nghẽn tăng trưởng vừa phải tạo động lực tăng trưởng mới, đồng thời phải giải 2 bài toán nhân lực hóc búa, đáp ứng yêu cầu của  thời chuyển đổi số. Một là, nhanh chóng trang bị kỹ năng phù hợp cho số đông nhân lực để thích ứng thời chuyển đổi số, và hai là, xây dựng một đội ngũ nhân tài chuyển đổi số cốt cán với tinh thần đổi mới sáng tạo, dẫn dắt hành trình chuyển đổi số của đất nước. 

Kỳ tới: Bịt lỗ hổng kỹ năng để không bị kéo lê theo thời đại 4.0 

TS Phạm Mạnh Hùng - TS Bùi Khắc Linh (Viện Kinh tế và chính trị thế giới)

Tư duy số: Không còn chỗ cho tình thân hữu chi phối

Tư duy số: Không còn chỗ cho tình thân hữu chi phối

Việc cần làm trong chuyển đổi số là hình thành các chỉ số định lượng để chuyển đổi sang “tư duy số”… Có như vậy, các quyết định mới đạt hiệu quả cao và không còn chỗ cho tình thân hữu chi phối.