Theo dự thảo Báo cáo chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 đang được đưa ra để lấy ý kiến nhân dân, giai đoạn 2011- 2020, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu. Sau 35 năm đổi mới, thế và lực của Việt Nam đã lớn mạnh hơn nhiều về quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính tự chủ của nền kinh tế được cải thiện; tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Nhờ đó, kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, niềm tin của cộng đồng DN và xã hội tăng lên. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tăng độ mở nền kinh tế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn. Khu vực tư nhân ngày càng trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Nền chính trị - xã hội được ổn định, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh, đời sống người dân được cải thiện. Khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng, ý chí tự lực là sức mạnh nội sinh cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong 10 năm tiếp theo 2021- 2030.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện chiến lược giai đoạn 2011- 2020 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nguy cơ tụt hậu còn lớn, các yếu tố nền tảng như thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực… để đưa Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại còn thấp so với yêu cầu.
Cần đổi mới tư duy, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số |
Trình độ khoa học, công nghệ, năng suất hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; năng lực tiếp cận nền kinh tế số, xã hội số còn hạn chế. Tăng trưởng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu. Quá trình đô thị hoá đang tiếp tục diễn ra nhanh tạo sức ép lớn về nhu cầu phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh quốc gia cũng gặp nhiều khó khăn thách thức.
3 đột phá chiến lược
Để khắc phục những hạn chế đó, dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030 cho rằng cần đổi mới tư duy, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
PGS.TS. Bùi Tất Thắng, thành viên thường trực Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2025 đạt 4.700-5.000 USD, đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD.
Ông Thắng cho biết, trong giai đoạn 10 năm tới, Việt Nam sẽ tập trung vào 3 đột phá chiến lược bao gồm:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ.
Thứ hai, tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sân chơi thực sự bình đẳng
Góp ý cho dự thảo tại cuộc tham vấn ở Hà Nội, nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, cần rà soát, đánh giá các quy định pháp lý hiện hành, đảm bảo không còn chồng chéo, tạo những tắc nghẽn ngoài ý muốn cho DN và người dân. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường tính minh bạch đối với người dân trong các hoạt động giám sát và thực thi chính sách.
Mục tiêu đóng góp của khu vực tư nhân từ 60-65% GDP vào năm 2030 là mục tiêu đầy tham vọng, so với mức độ đóng góp hiện nay là 43% GDP |
Nhóm chuyên gia đánh giá cao Chiến lược không đề cập đến việc khu vực nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế và tập trung vào các lực lượng thị trường khi phân bổ nguồn lực. Dự thảo nêu rõ các DN nhà nước sẽ được duy trì như những tác nhân quan trọng trong nền kinh tế quốc doanh. Đây là điều đảm bảo sân chơi thực sự bình đẳng giữa DN nhà nước và khu vực tư nhân, chú trọng phát triển khu vực tư nhân trong nước và biến khu vực này trở thành động lực thực sự của phát triển kinh tế.
Mục tiêu đóng góp của khu vực tư nhân từ 60-65% GDP vào năm 2030 là mục tiêu đầy tham vọng, so với mức độ đóng góp hiện nay là 43% GDP. Điều đó có nghĩa tỷ trọng của khu vực nhà nước trong GDP sẽ giảm đáng kể, giả sử FDI tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Do đó, Chiến lược nên có cả mục tiêu về cải cách DN nhà nước.
Bên cạnh đó, khuyến nghị nên thay mục tiêu hiện nay “tổng đóng góp của khu vực tư nhân chiếm 60-65% GDP” bằng đóng góp của khu vực tư nhân trong nước đã đăng ký, có thể từ khoảng 10% GDP hiện nay lên 25% GDP vào năm 2030. Điều này sẽ phản ánh sự tập trung vào các doanh nghiệp trong nước, không chỉ ở mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp, mà còn đặt mục tiêu có những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, điều này sẽ cho thấy sự thay đổi về chất khi xét về quy mô của các doanh nghiệp tư nhân.
Đạt được mục tiêu này, cùng với các mục tiêu GDP khác, có nghĩa là giá trị gia tăng trung bình do một DN tư nhân tạo ra sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030, do đó khắc phục được vấn đề quy mô nhỏ của DN trong nước, một nguyên nhân chính dẫn đến mối liên kết còn hạn chế giữa các DN FDI và khu vực trong nước.
Mặc dù có đề cập đến sự cần thiết phải khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, dường như trọng tâm của dự thảo Chiến lược là những tác động ngắn hạn của đại dịch. Tuy nhiên, các tác động này dự kiến sẽ kéo dài và nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng dự thảo sẽ hoàn thiện hơn nếu có thể mở rộng phạm vi của dịch Covid-19 để đưa vào những thay đổi cần thiết trong mô hình tăng trưởng do đại dịch gây ra.
Đối với dịch Covid-19, các mục tiêu cụ thể về du lịch (47-50 triệu khách du lịch quốc tế và 14-15% GDP vào năm 2030) có thể cần phải được xem xét lại.
Thực hiện phân cấp tài khóa để chính quyền địa phương có thể quản lý áp lực đô thị hóa |
Dự thảo đặt mục tiêu là ngành sản xuất công nghiệp phải tạo ra mức thu nhập bình quân đầu người 2.000 USD vào năm 2030. Với mức 900 USD hiện nay, điều này cho thấy mức tăng trưởng danh nghĩa là 8,3%, một mục tiêu khá thấp so với mục tiêu tăng trưởng GDP chung. Đối với ngành du lịch, vì các hoạt động thuộc nhiều lĩnh vực dịch vụ khác nhau, do đó không có một mã duy nhất. Do vậy, các mục tiêu của ngành sẽ khó theo dõi và đánh giá, trừ khi có định nghĩa rõ ràng về ngành này.
Về chiến lược FDI có thể được mở rộng để bao gồm việc thay đổi ưu đãi đầu tư từ trước đầu tư sang sau đầu tư và tập trung vào những ưu đãi dựa trên kết quả hoạt động. Các khu công nghiệp cần được phát triển trên cơ sở chuyên môn hóa và lợi thế của tỉnh, có tính đến các mối liên kết, kết nối giữa các tỉnh và năng lực điều phối vùng của tỉnh và vùng. Các khu công nghiệp cần đẩy nhanh quá trình hình thành các cụm công nghiệp và chuỗi giá trị trong nước.
Tái cơ cấu giao thông, phân cấp tài khóa
Giao thông cũng là một trong những vấn đề quan tâm ở Việt Nam. Phát triển hệ thống giao thông sạch có thể giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường các giải pháp tăng trưởng xanh.
Ngành giao thông có thể xem xét các giải pháp sau: Thứ nhất, tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hệ thống giao thông và thúc đẩy vận tải hàng hóa từ đường bộ sang những phương tiện vận tải tiết kiệm nhiên liệu hơn và ít phát thải (như đường thủy và đường sắt). Thứ hai, thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong đô thị; đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào khai thác các tuyến buýt nhanh, đường sắt đô thị trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM. Thứ ba, thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu sạch cho xe cơ giới…
Về phát triển kinh tế vùng, mục tiêu đối với chính quyền địa phương cũng sẽ được nâng lên với việc xác định rõ hơn vai trò và trách nhiệm giữa trung ương và địa phương. Phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng sẽ được liên kết chặt chẽ hơn để phát huy thế mạnh của địa phương. Phân định rõ thu, chi của các cấp ngân sách để nâng cao vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, đồng thời bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khuyến khích và phát huy tính sáng tạo của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, để phân cấp thực sự được thực hiện và có hiệu quả, cần bổ sung 3 nội dung cải cách cần thực hiện đến năm 2030.
Thứ nhất, thực hiện phân cấp tài khóa để chính quyền địa phương có thể quản lý áp lực đô thị hóa. Chính quyền địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM phải được giữ lại ít nhất 50% nguồn thu do địa phương tạo ra.
Thứ hai, đơn giản hoá quy trình lập kế hoạch hàng năm và trao đổi về ngân sách giữa các cấp chính quyền địa phương và trung ương và áp dụng một công thức chuyển vốn ngân sách minh bạch và dễ dự đoán hơn.
Cuối cùng, thay đổi hệ thống chính sách ưu đãi đối với chính quyền địa phương, tức là chuyển từ hệ thống cấp bậc dựa trên GDP và đầu tư vào cơ sở hạ tầng quy mô lớn sang hiệu quả hoạt động và trách nhiệm giải trình.
Lan Anh
Sức ép lên người giữ tay hòm chìa khóa quốc gia
Là người giữ tay hòm chìa khóa của ngân khố quốc gia, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đang gặp phải sức ép lớn.