- Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không những không đạt được mục tiêu đề ra trong hai chính sách lớn tôi nêu ở đây, mà ngược lại?
LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.
Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.
Trong bài viết “Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ kinh tế?”, tôi đã cảnh báo chúng ta đang bị tụt hậu về kinh tế, nhất là thu nhập đầu người, so với thế giới và các nước trong khu vực và đặt câu hỏi "tại sao chúng ta không đẩy lùi được nguy cơ tụt hậu về kinh tế như đã chỉ ra 30 năm nay và tụt hậu cứ đeo đẳng chúng ta?" để cùng nhau tìm lời giải.
Cũng với mong muốn chung tay tìm ra các giải pháp khắc phục, trong bài viết này tôi thử tiếp tục nối dài chút nữa việc nêu tình trạng tụt hậu trên vài lĩnh vực khác mà chúng ta đã đặt mục tiêu cao và quyết tâm thực hiện rất quyết liệt, nhưng kết quả không như vậy. Tôi suy nghĩ, muốn chúng ta mạnh lên thì trước hết phải biết chúng ta yếu ở đâu trước đã mới có phương thuốc phù hợp.
Doanh nghiệp nội địa teo tóp
Ai cũng biết chỉ có khác nhau về sở hữu sản phẩm của lao động, về sở hữu tài sản nói chung thì mới có kinh tế thị trường, mới có giá cả thị trường theo đúng nghĩa.
Tôi luôn cho rằng, nội dung quan trọng nhất, cốt lõi nhất của đổi mới kinh tế ở nước ta là chuyển nền kinh tế thực chất là đơn thành phần sở hữu thành đa thành phần sở hữu và Đảng và Nhà nước đã xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp…
Nhờ có đường lối của Đảng về chuyển đổi nêu trên mới có Luật Đầu tư Nước ngoài năm 1987, Luât Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 và đặc biệt là luật Doanh nghiệp năm 1999. Đây là những luật thúc đẩy, khuyến khích rất mạnh sự ra đời và phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta.
Một trong những nội dung mang tính cách mạng của Luật Doanh nghiệp 1999 là người dân có thể làm bất kỳ việc gì mà pháp luật không cấm thay cho công thức người dân chỉ được làm những việc mà pháp luật cho phép, một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển nhiều chục năm trước đó.
Trên cơ sở sự thay đổi rất quan trọng ấy, ngay từ khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, Thủ tướng Phan văn Khải đã quyết định thành lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp. Nhiệm vụ hàng đầu của Tổ là đưa thật nhanh Luật Doanh nghiệp đi vào cuộc sống, chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn xóa bỏ được khoảng ½ giấy phép con. Đồng thời Thủ tướng Phan Văn Khải đề ra mục tiêu nước ta phải có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2010.
Chúng ta có chủ trường tinh giản biên chế để làm cho bộ máy có hiệu lực và hiệu quả nhưng kết quả thực tế lại khác. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ai cũng vui mừng và rất hy vọng hệ thống doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân nội địa, sẽ phát triển mạnh.
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh để doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển không những không được cải thiện như mục tiêu ban đầu đã đề ra, mà trong một số mặt còn có biểu hiện ngược lại. Ví dụ, tình trạng “xin - cho” vẫn tiếp tục rất nghiêm trọng; “giấy phép con, cháu, chắt” tăng nhanh.
Cách đây gần 20 năm Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp đi khắp hang cùng ngõ hẻm để dọn dẹp “giấy phép con”, trong đó có những giấy phép mỗi lần nhắc tới ai cũng muốn khóc. Chẳng hạn, em bé bán báo lẻ dọc phố phải có giấy phép với thời hạn 3 tháng; chị mua ve chai cũng phải có giấy phép với thời hạn 6 tháng….
Còn nay, tình trạng trên cũng không khả quan hơn gì, nhiều “giấy phép con” chỉ Việt Nam mới có. Chẳng hạn, như “1 thỏi sô-cô-la cõng 13 giấy phép” hay chuyện “thời gian nuôi gà còn ngắn hơn thời gian xin giấy phép được bán gà”. Tổ công tác do Thủ tướng thành lập vẫn phải đi đôn đốc cắt giảm giấy phép về điều kiện kinh doanh, y hệt như cách đây 20 năm.
Hệ quả tất yếu của môi trường kinh doanh như vậy là hệ thống doanh nghiệp tư nhân trong nước ngày càng teo tóp, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp vốn đã yếu, nay càng yếu hơn, trong khi hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hơn…
Theo kết quả Tổng điều tra kinh tế 2017 do Tổng cục Thống kê vừa công bố, vào thời điểm 01/01/2017 có 517 924 doanh nghiệp hoạt động. Trong khi đó, năm 2008 chúng ta đã có 800.000 doanh nghiệp hoạt động.
Cũng theo Báo cáo của Tổng cục thống kê về tình hình kinh tế-xã hội 11 tháng đầu năm 2018 thì số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đang ký hoặc chờ giải thể tăng đến 64% , trong khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ tăng có 4,5% đều so cùng kỳ.
Đặc biệt, quy mô doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhỏ, số doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng mạnh, chiếm trên 98% tổng số doanh nghiệp. Trong số doanh nghiệp vừa và nhỏ thì doanh nghiệp siêu nhỏ là chủ yếu, chiếm đến 74-75%.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát và đề xuất cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh; hoàn thành và trình Chính phủ kí ban hành trước ngày 31/10/2018. Tuy nhiên, việc cắt giảm là không đạt 50% yêu cầu.
Bộ máy phình to và hệ lụy
Nhìn lướt qua kết quả thu được từ các đợt tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy, thu gọn đầu mối trong quản lý hành chính ở nước ta theo các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước trong 30 năm qua, có thể khẳng định được ngay là chúng ta chưa thành công trong lĩnh vực này.
Xin trích từ tham luận công bố tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, khóa XII, ngày 29-11 vừa qua: Mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 39-NQ/TW (ngày 17-4-2015) của Bộ Chính trị, mỗi năm phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm thực hiện phải giảm 140.000 người mới theo tiến độ nhưng thực tế ngược lại, không giảm được mà còn tăng lên 96.000 người.
Như vậy, càng quyết tâm tinh giản biên chế thì biên chế tăng nhanh. Hệ lụy chung là tỷ lệ công nhân viên chức hưởng lương trên 1.000 dân của nước ta cao hơn rất nhiều so với nhiều nước: Việt Nam là 43 người chưa kể quân đội và công an, trong khi nhiều nước nước trong khu vực tính cả quân đội, công an như Philipines là 1.000 dân mới có 13 cán bộ công viên chức; Ấn Độ có 16 người; Indonesia 17 người; Singapore có 25 người.
Hơn nữa, chúng ta hiện có đến 30 đầu mối bộ, cơ quan ngang bộ trong khi ở Nhật Bản con số này chỉ là 11, Singapore là 15, Trung Quốc 20. So với các nước châu Âu thì Việt Nam cũng cao hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang lạm phát về cấp phó. Cả nước hiện có 81.492 lãnh đạo cấp phó từ phó phòng đến thứ trưởng chiếm 21,7% trong tổng số cán bộ công chức từ Trung ương đến cấp huyện.
Chúng ta có chủ trương tinh giản biên chế để làm cho bộ máy có hiệu lực và hiệu quả nhưng kết quả thực tế lại khác. Tổ chức bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối thì hệ lụy tất yếu không cần phải bàn là hiệu lực hiệu quả trong công tác quản lý càng diễn ra theo chiều đi xuống.
Tình trạng bộ máy phình to dẫn đến một hệ quả tất yếu khác là chi thường xuyên trong ngân sách nhà nước tăng nhanh. Chỉ sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, chi thường xuyên tăng lên 16,25%. Từ năm 2011 đến năm 2015 chi thường xuyên chiếm 65% tổng chi ngân sách, tăng 2,2 lần so 5 năm trước; gần đây chi thường xuyên lên đến hơn 72% tổng chi ngân sách.
Chi thường xuyên, chi trả nợ cả gốc lẫn lãi tăng lên thì tất yếu chi đầu tư phát triển phải giảm xuống. Hiện nay chi đầu tư phát triển của Nhà nước chủ yếu dựa vào vốn vay, nhu cầu chi đầu tư của Nhà nước tăng rất nhanh, nhất là chi để khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái, trong bối cảnh vay vốn không còn rẻ và dễ như trước.
Tôi nêu hai lĩnh vực trên vì chúng có mối quan hệ nhân quả. Bộ máy nhà nước phình to sẽ luôn có xu hướng đặt ra thêm các điều kiện kinh doanh, hạn chế quyền kinh doanh của người dân, của doanh nghiệp.
Cắt giảm điều kiện kinh doanh lẽ ra phải được đặt vấn đề từ cải cách bộ máy; xác định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của họ; phân định vai trò của nhà nước và thị trường. Còn không, tình trạng giấy phép con sẽ còn tiếp tục nở rộ, và việc cắt giảm nó giống như thả gà ra đuổi.
Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không những không đạt được mục tiêu đề ra trong hai chính sách lớn mà tôi điểm qua trên đây mà ngược lại? Tôi cho rằng, cần có hàng loạt các nghiên cứu thực sự nghiêm túc về nhiều lĩnh vực mà bắt đầu từ đường lối phát triển đất nước.
Một lần nữa, tôi hoan nghênh VietNamNet mở Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường”. Tôi cho rằng Diễn đàn là nơi rất tốt để mọi người tâm huyết nêu thực trạng, nguyên nhân cốt lõi của tình hình và kiến nghị của mình để làm sao cho Việt Nam thịnh vượng. Nếu được phép, tôi sẽ cùng mọi người tìm cách trả lời các khía cạnh khác nhau của câu hỏi nêu trên.
Hải Lộc
Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn: Vì Việt Nam hùng cường theo địa chỉ Email: [email protected]
Xem thêm các bài viết khác của Diễn đàn Vì Việt Nam hùng cường đăng tải trên Chuyên trang Tuần Việt Nam/ Báo VietNamNet:
Diễn đàn: Vì Việt Nam hùng cường
Hãy cùng tham gia Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” của chúng tôi bằng những bài viết, những góp ý trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai đất nước.
Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ kinh tế?
Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không đẩy lùi được “nguy cơ tụt hậu” về kinh tế như đã chỉ ra 30 năm nay và “tụt hậu” cứ đeo đẵng chúng ta?
Khát vọng Việt Nam đang ở đâu?
Để có thể đạt được điều mong ước, khát vọng và quyết tâm làm cho bằng được là điều tiên quyết Việt Nam cần phải có.
Vì Việt Nam hùng cường, cần gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp tư nhân
Nhìn lại suốt quá trình lịch sử, kinh tế đất nước cứ khi nào phát triển là luôn gắn liền với sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, hoặc ngược lại.
“Khát vọng Việt Nam” khi tụt hậu không còn là "nguy cơ”
"Chúng tôi thừa nhận Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều nguy cơ, trong đó nguy cơ bị bỏ lại và rơi vào bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam là rất lớn”.
Vượt trần thể chế
Nếu không quyết tâm cải cách, chúng ta mãi chỉ là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, không có gì đáng tự hào.
Thể chế nào, doanh nghiệp đó
Cứ khi nào Nhà nước cởi trói, trao quyền cho người dân, thay vì hạn chế, bao cấp cho họ, sẽ luôn huy động được nguồn lực khổng lồ về tài chính và trí tuệ cho phát triển.