Tối muộn ngày 1/8, những nhóm chat của tôi sáng rực. Tất cả đều rất quan tâm đến thông tin vừa phát đi của CDC Hà Nội, theo đó có 21 ca dương tính vừa được phát hiện tại công ty thực phẩm Thanh Nga, quận Hai Bà Trưng. Ngay sáng hôm sau, CDC Hà Nội tiếp tục phát đi “thông báo khẩn” tìm người liên quan.
Gần đây, những người tôi biết đã khá quen thuộc với thông tin Hà Nội có thêm 50-60-70 ca mỗi ngày. Song, do công ty Thanh Nga cung cấp thực phẩm cho nhiều chuỗi siêu thị, nên thông tin đó được đặc biệt chú ý. Virus đã hiện diện ở những nơi khó kiểm soát nhất là các chợ, siêu thị, khu dân cư đông đúc trong ngõ.
Dịch đã lây lan trong cộng đồng
Hà Nội đã thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 từ rất sớm, nhưng đến nay tổng số bệnh nhân Covid-19 trong đợt dịch bệnh thứ 4 này đã là 1.244 và số bệnh nhân trong cộng đồng vẫn có xu hướng tăng.
Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải |
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nói: “Điều này cho thấy, biện pháp giãn cách xã hội là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, hiệu quả. Nếu không áp dụng biện pháp này, với hệ quả lây lan từ các ca mắc trong cộng đồng nêu trên, thành phố không giữ được như hiện nay”.
Đánh giá đó có lẽ đã tổng kết được những nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp và người dân ở Thủ đô trong việc thực hiện nghiêm giãn cách và cách ly.
Song, có một điều tôi băn khoăn.
CDC Hà Nội cho biết, ngày càng nhiều các ca F0 được ghi nhận ngoài cộng đồng. Ví dụ, Hà Nội ghi nhận 35 ca phát hiện tại cộng đồng sáng 1-8; 31 ca bệnh tại cộng đồng trưa 2-8.
Bên cạnh đó, Giám đốc Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock, TS Nguyễn Thu Anh ghi nhận thêm, tỷ lệ trẻ 0-5 tuổi mắc bệnh ở Hà Nội từ 5-30/7 là 5%, cao gấp khoảng 2 lần so với giai đoạn trước đó. Ở độ tuổi này, trẻ không thể tự tiếp xúc với các tác nhân lây nhiễm bên ngoài mà lây nhiễm qua người thân, chứng tỏ dịch đang lây lan trong cộng đồng.
Nhóm của TS Thu Anh ghi nhận, đường cong dịch bệnh thể hiện số ca nhiễm Sars-Cov-2 được phát hiện tại Hà Nội tính từ 6/7 đang tương đồng với TP.HCM tính từ 24/5.
Với hệ số lây lan R0 của chủng Delta lên tới 8, 9 và ngày càng có nhiều số ca dương tính trong cộng đồng được ghi nhận ở Thủ đô, đồ thị gợi ý của TS Thu Anh là không thể xem thường.
Đẩy nhanh cấp vắc xin cho Hà Nội
Theo cổng thông tin Tiêm chủng của Trung tâm phòng chống Covid-19 quốc gia, Thủ đô đã được phân bổ 2.246.990 liều vắc xin, trong đó đã hoàn thành tiêm 777.983 liều tính đến ngày 2/8.
Nếu căn cứ vào số liệu này thì tốc độ tiêm ở Hà Nội quá chậm, và mâu thuẫn với năng lực tiêm chủng rất cao khi lãnh đạo Hà Nội phát động phong trào tiêm chủng lớn nhất với rất nhiều mục tiêu như xây dựng năng lực tiêm 200.000 mũi tiêm/ngày, nâng cấp 704 dây chuyền tiêm sẵn có lên 1.200 dây chuyền.
Xin trích dẫn thông tin liên quan về tiêm chủng mà Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh từng tiết lộ ngày 1/8: “Đến nay, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành tiêm gần 100% số lượng vắc xin được phân bổ”.
Ông nói thêm, việc tiêm chủng phụ thuộc vào lượng vắc xin do Bộ Y tế phân bổ trong thời gian tới. “Tới nay Hà Nội mới nhận được một phần số lượng vắc xin được phân bổ, vắc xin về đến đâu sẽ triển khai tiêm ngay đến đó”.
Chủ tịch Hà Nội nói thêm: “Vì thế, biện pháp quan trọng nhất lúc này để đẩy lùi dịch phải là thực hiện nghiêm Chỉ thị 17/CT-UBND”.
Lời nói của ông Ngọc Anh, tôi tin, là tự đáy lòng của ông và nhiều người dân. Thủ đô, người dân và doanh nghiệp đã phải áp Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 rất sớm để tự bảo vệ và chia lửa với nhiều địa phương. Nhiều bác sỹ, nhân viên y tế ở Hà Nội đã được tăng cường cho các tỉnh phía Nam chống dịch. Hà Nội phải “thắt lưng, buộc bụng” phòng thủ cho lợi ích chung của đất nước.
Dẫu biết, nhắc đến vắc xin là chuyện rất nhạy cảm trong bối cảnh địa phương nào, ngành nào cũng cần, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói, nhưng không thể không nhắc đến chuyện vắc xin cho Thủ đô.
Xin trích dẫn nghiên cứu mới công bố của GS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM, theo đó, Hà Nội vừa lọt vào danh sách các địa phương đã qua giai đoạn “dịch lây lan chậm” và bước vào giai đoạn “dịch lây lan nhanh”.
Sau khi trình bày nhiều số liệu chứng minh, GS Nhân kiến nghị: “Để việc tiêm vắc xin đóng góp hiệu quả nhất vào việc phòng chống dịch của cả nước, đề nghị xem xét thứ tự ưu tiên cho tiêm chủng đại trà (70% dân số) trong tháng 8 và tháng 9 cho Hà Nội và 9 địa phương có dịch nặng nhất”.
Kiến nghị của GS Nhân là rất đáng chú ý và cấp thiết cho Thủ đô của cả nước.
Tư Giang
Không để cho dân đói trong đại dịch
Thật cảm động trước tâm niệm của Tổng bí thư khi ông nói trong dịch không cho phép có người bị bỏ lại phía sau. Chủ tịch nước khẳng định: Không được để dân đói. Và Công điện của Thủ tướng nêu không để người nào thiếu ăn, thiếu mặc.