Chiến thuật vùng xám, theo định nghĩa của chuyên gia Michael Green thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, là những hành vi vượt quá khả năng răn đe hoặc đảm bảo thông thường nhằm đạt được các mục tiêu an ninh trong khi vẫn nằm dưới ngưỡng có thể gây ra phản ứng vũ trang.

Phơi  bày hoạt động của dân quân biển Trung Quốc

Biển Đông, Trung Quốc đang sử dụng lực lượng dân quân biển (PAFMM), hạm đội đánh cá có vũ trang làm tác nhân vùng xám để khẳng định các yêu sách chủ quyền.

{keywords}
Philippines công bố hình ảnh khoảng 220 tàu Trung Quốc neo đậu gần đá Ba Đầu. Ảnh: AP

PAFMM củng cố các tuyên bố của Bắc Kinh bằng cách giữ các ngư dân Đông Nam Á tránh xa khu vực đánh cá màu mỡ truyền thống của họ và bảo lưu sự tiếp cận của đội tàu đánh cá lớn thuộc Trung Quốc.

Bắc Kinh đã khẳng định yêu sách chủ quyền với hơn 90% vùng biển và các thực thể ở Biển Đông thông qua "đường 9 đoạn" hay còn được biết đến với tên gọi "đường lưỡi bò". "Đường 9 đoạn" đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước Đông Nam Á và vi phạm Công ước Liên hợp quốc về luật Biển.

Các vấn đề pháp lý, tài phán và ngoại giao đang giới hạn phản ứng của Mỹ đối với chiến thuật trên của Trung Quốc. Trong khi đó, các nước Đông Nam Á hầu như không có đủ lực lượng để chống lại chiến thuật này.

Một giải pháp để chống lại các lực lượng có vỏ bọc dân sự như PAFMM là phơi bày các hoạt động vùng xám này thông qua những chiến dịch truyền thông xã hội rộng khắp Đông Nam Á. Trong đó, PAFMM sẽ bị vạch trần nhiều hơn không chỉ như một đội tàu đánh cá mà còn có các hoạt động vừa trợ giúp Trung Quốc củng cố yêu sách chủ quyền vừa làm tổn hại các lợi ích kinh tế của Đông Nam Á.

Kể từ năm 2012, Bắc Kinh bắt đầu tăng cường sử dụng chiến thuật vùng xám ở Biển Đông. Sự leo thang này bao gồm việc chiếm đóng bãi cạn Scarborough từ Philippines năm 2012, mở rộng xây đảo nhân tạo trong giai đoạn 2014 - 2017, tăng cường sử dụng hải cảnh và PAFMM ở Biển Đông.

Mỹ đã ứng phó bằng cách thực hiện nhiều hoạt động hơn trong khu vực. Các chiến dịch Tự do hàng hải (FONOPS) của Mỹ đã tăng từ con số 0 vào năm 2014 đến mức cao nhất mọi thời đại là 10 vào năm 2019. Hải quân Mỹ đang duy trì 60% hạm đội tàu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thực hiện 3 sứ mệnh tác chiến tàu sân bay trong khu vực vào năm 2017 và năm 2020. 

Chiến lược ứng phó ít hiệu quả

Sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Mỹ và các nước đối tác ở Biển Đông cùng các tuyên bố ngoại giao lên án hành động của Bắc Kinh tại vùng biển này đã có rất ít ảnh hưởng trong việc ngăn chặn Trung Quốc sử dụng lực lượng vỏ bọc dân sự như PAFMM.

{keywords}
Trung Quốc dùng chiến thuật vùng xám để giành quyền kiểm soát Biển Đông. Ảnh: AP

Tháng 4 năm nay, Bắc Kinh đã cho 220 tàu PAFMM neo đậu tại đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. May mắn, sự hiện diện của quá nhiều lực lượng xung quanh rạn san hô đá Ba Đầu đã không leo thang thành một cuộc xung đột rộng hơn.

Theo một số chuyên gia, việc điều các chiến hạm của Mỹ hoặc Đông Nam Á tới để giải quyết các tranh chấp như chiến thuật ở đá Ba Đầu của PAFMM là một chiến lược thất bại.

Thứ nhất, nó có nguy cơ làm leo thang căng thẳng. Dù Hải quân Philippines có thể đánh chìm các tàu PAFMM nhưng các đơn vị hải cảnh và hải quân Trung Quốc, vốn đang tuần tra gần đó có thể đáp trả bằng lực lượng thậm chí còn lớn hơn nhiều nếu tàu PAFMM bị tấn công.

Thứ hai, phản ứng vũ trang của Hải quân Philippines hoặc các quốc gia Đông Nam Á khác hay của các tàu chiến Mỹ có khả năng trở thành một cơn ác mộng về quan hệ công chúng.

Ngay cả khi Hải quân và Hải cảnh Trung Quốc chọn không trả đũa, hình ảnh các đơn vị quân đội của Philippines hay Đông Nam Á hoặc Mỹ tấn công những thực thể dường như là tàu cá không vũ trang có thể được Bắc Kinh mô tả như một lần lạm dụng vũ lực thái quá.

Giải pháp mạng xã hội

Một cách tốt hơn để đối phó với việc sử dụng các đơn vị vỏ bọc dân sự của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ là áp "phí tổn ngoại giao công khai cao" đối với Bắc Kinh. Cách làm này sẽ đòi hỏi một chiến lược tập trung vào những tiếng nói của ngư dân bị ảnh hưởng vì PAFMM và cho thấy lực lượng này thực sự là công cụ quân sự thực thi các yêu sách của Trung Quốc cũng như gây tổn hại cho sinh kế của ngư dân.

Các chính phủ trong khu vực có thể xúc tiến những chiến dịch truyền thông xã hội phối hợp tốt hơn, giúp ngư dân ghi lại việc họ bị quấy rối ở Biển Đông, sau đó tập hợp thành video, hình ảnh cũng như những câu chuyện từ Biển Đông để đăng tải trên các mạng xã hội khu vực và toàn cầu.

Ngay hiện tại đã có một số câu chuyện và video của các ngư dân bị quấy rối ở Biển Đông xuất hiện trên mạng xã hội nhưng họ thiếu một chiến dịch truyền thông có tổ chức để phản ánh lớn hơn, lý giải đầy đủ vai trò của PAFMM và cung cấp thông tin rộng rãi về cách PAFMM đang tác động tiêu cực thế nào đến sinh kế của người dân.

Nếu các chính phủ trong khu vực cùng bắt tay hành động với các ngư dân, có thể tạo ra những bài tường thuật tập trung vào việc ngư dân thu nhập tương đối thấp của Đông Nam Á đang gặp bất lợi thế nào trước PAFMM, họ có thể phơi bày bản chất PAFMM nhiều hơn. Họ cũng có thể giành được sự cảm thông ở khu vực và toàn cầu.

Ví dụ, hãy nghĩ về video quay cảnh những con tàu Trung Quốc nhất quyết đuổi bắt một ngư dân Philippines đang phải vật lộn chống cự trên thuyền và những video này sau đó được truyền phát thông qua các chiến dịch truyền thông xã hội toàn diện. Ngoài ra, các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông không chỉ tác động đến ngư dân Đông Nam Á, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghiệp chế biến và kinh doanh cá trong khu vực.

Nỗ lực truyền thông trên mạng xã hội như vậy sẽ khắc họa Bắc Kinh một cách tiêu cực. Trung Quốc có thể phản ứng mạnh mẽ như bao gồm việc PAFMM phá hủy thiết bị âm thanh/hình ảnh của ngư dân, bắt giữ ngư dân và Bắc Kinh đáp trả bằng chiến dịch truyền thông của riêng họ.

Tuy nhiên, vì nhiều chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội của Bắc Kinh thường phản tác dụng nên những chiến thuật này có thể gây họa cho Trung Quốc xét về dư luận trong khu vực và toàn cầu.

Chiến lược truyền thông xã hội như vậy có thể là một cách tương đối rẻ và đơn giản cho các quốc gia Đông Nam Á đang đối mặt với việc Trung Quốc sử dụng PAFMM ngày càng tăng.

Quỳnh Anh (Theo CFR) 

Phán quyết Biển Đông: Cơ sở giải quyết tranh chấp mà không cần Trung Quốc công nhận

Phán quyết Biển Đông: Cơ sở giải quyết tranh chấp mà không cần Trung Quốc công nhận

Các quan chức và chuyên gia cho rằng, phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về Biển Đông 5 năm trước vẫn là cơ sở hữu ích để giải quyết hòa bình các tranh chấp.