XEM VIDEO: 

Ở phần tiếp theo của cuộc tọa đàm với Tuần Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) Đỗ Hùng Việt chia sẻ về sự hợp tác quốc tế cũng như nỗ lực đảm bảo an toàn cho lực lượng rà phá bom mìn.

Theo Thượng tướng, công tác rà phá bom mìn hiện nay còn gặp những khó khăn gì?

Người ta hay nói đến khó khăn về nguồn lực tài chính, kỹ thuật. Điều ấy là đúng nhưng không phải lớn nhất. Lớn nhất là nhận thức của người dân. Nếu người dân có nhận thức tốt, tự bảo vệ mình, khi phát hiện nguy cơ bom mìn báo cho cơ quan, người có trách nhiệm thì điều ấy tạo thuận lợi nhất vô cùng lớn cho hoạt động rà phá bom mìn ở Việt Nam.

Nhưng người dân thậm chí còn cưa bom, chở sau xe máy quả bom và đi khắp nơi. Như vậy chúng ta phải làm sao giáo dục cho người dân biết sợ bom mìn và khi thấy báo cho người có trách nhiệm. Phải dạy cho con trẻ về bom mìn ngay từ bài học đầu tiên của lớp vỡ lòng.

Thứ hai là xây dựng năng lực cho các cơ quan chuyên trách. Trước hết phải có cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác trên các địa phương để chúng ta biết chỗ nào cần làm trước, đưa ra kế hoạch hoàn chỉnh. Chúng ta phải nâng cao năng lực cho công tác quản lý và cho những người trực tiếp làm rà phá bom mìn.

Thừa nhận sai lầm, chịu trách nhiệm là vô cùng khó khăn

Thưa Thượng tướng, Mỹ là một trong các nước hợp tác tích cực nhất với Việt Nam trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, triển khai các dự án tháo dỡ, rà phá bom mìn. Những ngày đầu hai nước bắt tay trong công tác này diễn ra như thế nào?

Chúng ta phải cảm ơn nhân dân Mỹ, cụ thể là những cựu chiến binh, gia đình họ, gia đình Mỹ có thân nhân tử nạn và liên đoàn các binh sĩ mất tích tại Việt Nam. Họ đã đấu tranh mạnh mẽ, yêu cầu chính phủ Mỹ có trách nhiệm với những trẻ em chịu hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

{keywords}
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh

Tôi đã cùng một số đoàn thượng nghị sĩ Mỹ đi thăm các cháu bé bị cụt tay, chân do gặp tai nạn thương tâm dù chiến tranh đã kết thúc hàng chục năm. Họ đều khóc, đều có cái nhìn chung là nhất định phải đấu tranh, không để điều này xảy ra nữa. Chính vì thế mà những năm qua, Mỹ và một số nước khác như Hàn Quốc... rất có trách nhiệm.

Theo tôi, khoảng 95% nguồn lực để rà phá bom mìn là từ nhà nước. Còn lại từ đóng góp của các quốc gia, tổ chức khác. Chúng ta rất coi trọng sự hỗ trợ về tài chính cũng như chia sẻ thông tin, ứng dụng công nghệ nước ngoài.

Để có thành quả như hôm nay trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh chắc hẳn đã có những câu chuyện chưa từng xảy ra giữa hai nước từng đứng hai bên chiến tuyến, thưa ông?

Việc thừa nhận tội ác chiến tranh, thừa nhận sai lầm, thừa nhận trách nhiệm của một nước sau chiến tranh là điều vô cùng khó khăn. Tôi nhớ đến ông Patrick Leahy. Ông nói điều kỳ diệu tưởng là vấn đề khó khăn trong quan hệ hai nước - hậu quả chiến tranh - hóa ra là lĩnh vực hợp tác hiệu quả nhất.

Liệu ai biết rằng ngay sau khi ký kết hiệp định Paris vài tháng, chúng ta đã lập một tổ chức tìm kiếm hài cốt binh sĩ Mỹ mất tích để trả lại cho gia đình họ. Điều này tác động sâu sắc tới tâm lý và tình cảm của người dân Mỹ.

Hiện nay, việc hợp tác quốc tế trong công tác xử lý đất đai bị ô nhiễm bom mìn ra sao, thưa ông Đỗ Hùng Việt?

Trong nỗ lực rà phá bom mìn, Mỹ rõ ràng là một điển hình, đây là sự hợp tác có ý nghĩa vô cùng lớn với quan hệ song phương. Nhưng từ góc độ đa phương, chúng tôi nhìn thì cũng thấy điều đó đem lại tác động rất tích cực nữa. Đó là giúp cộng đồng quốc tế và những nước hiện nay có xung đột nhìn thấy rằng, các quốc gia cựu thù hoàn toàn có thể hợp tác với nhau.

Ngoài Mỹ, chúng ta còn có sự hợp tác quốc tế với rất nhiều đối tác khác. Ngay trong HĐBA có Na Uy, Ireland, Anh… đều có nhiều hoạt động hợp tác, hỗ trợ cho chúng ta.

Tôi còn nhớ hình ảnh Tổng thống Ireland khi thăm Việt Nam cách đây vài năm cũng đã đến Quảng Trị để trực tiếp chứng kiến hoạt động rà phá bom mìn Việt Nam. Bên cạnh đó, ta cũng nhận được nhiều sự hợp tác, hỗ trợ của LHQ, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ.

Có những người hùng không phải trên phim ảnh

Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn về kết quả phiên thảo luận mở của HĐBA diễn ra tại Hà Nội vừa qua?

Phiên thảo luận nhận được sự tham dự và hưởng ứng rất cao của LHQ và các nước thành viên HĐBA.

Một cuộc họp cấp bộ trưởng mà ta có sự tham gia của 9 bộ trưởng, thứ trưởng các nước, tham gia của Tổng thư ký LHQ, hai diễn viên rất nổi tiếng trong phim Điệp viên 007 là Daniel Craig, Đại sứ LHQ về khắc phục hậu quả bom mìn và Dương Tử Quỳnh - Đại sứ thiện chí của UNDP. Dương Tử Quỳnh dành đến 1/3 thời lượng phát biểu để nói về Việt Nam, về nỗ lực của Việt Nam trong rà phá bom mìn.

{keywords}
Ông Đỗ Hùng Việt: Các nước đánh giá cao nỗ lực của chúng ta trong rà phá bom mìn

Các nước đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam, đánh giá cao nỗ lực của chúng ta trong rà phá bom mìn, mặt khác hiện sự hưởng ứng với cách tiếp cận toàn diện của chúng ta trong việc khắc phục hậu quả bom mìn, cũng là thống nhất với hướng đi mà chúng ta đề xuất tại HĐBA. Đó là thời gian tới phải quan tâm đến vấn đề này, gắn bó với nỗ lực phát triển bền vững và hòa giải hậu xung đột.

Tôi có đề cập đến hai diễn viên nổi tiếng và ngay sau cuộc họp, có twitter đăng tải có lẽ của Na Uy. Họ nói rằng hai diễn viên này là những người hùng trên màn ảnh, nhưng Việt Nam thực sự có những người hùng khác thực tế. Chúng tôi mời tới cuộc họp chị Diệu Linh là Đội trưởng Đội rà phá bom mìn nữ tỉnh Quảng Trị, người đại diện cho hàng nghìn chiến sĩ công binh, hàng trăm tình nguyện viên tham gia vào công tác rà phá bom mìn.

Sự hiện diện của Diệu Linh gây tiếng vang lớn trong phiên thảo luận.

Tai nạn dù tỉ lệ nhỏ nhất cũng không chấp nhận được

Bản thân tôi tuần qua có chuyến tác nghiệp tại tỉnh Quảng Trị, được tận mắt chứng kiến công việc của các đội rà phá bom mìn. Họ là những người còn rất trẻ, tỉ mỉ và chuyên nghiệp trên thực địa, không quản ngại nguy hiểm luôn rình rập tính mạng.

Thưa Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, chúng ta đã và tới đây sẽ triển khai những biện pháp gì để đảm bảo an toàn cho lực lượng rà phá bom mìn, hạn chế tối đa thương vong cho họ giữa thời bình?

Chúng ta đã có nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho lực lượng trực tiếp rà phá bom mìn. Tuy nhiên, cũng xin nói thật là cho đến nay vẫn có tai nạn đáng tiếc xảy ra, nhưng không một chiến sĩ công binh nào, không một tình nguyện viên nào từ chối khi được giao nhiệm vụ.

{keywords}
"Chúng ta cần hiện đại hóa hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn"

Theo tôi có mấy giải pháp. Trước hết là công tác nắm tình hình, xác định chính xác khu vực ô nhiễm và loại bom mìn sót lại, để ta biết rõ dồn nguồn lực vào đâu và ở những khu vực nào, đánh giá chính xác loại vật liệu nổ. Thứ hai, luôn luôn nâng cao năng lực cho những người trực tiếp làm, quan trọng nhất như bạn nói là tính cẩn thận, nguyên tắc hay ta gọi là quy trình chuẩn.

Chúng ta phải thực hiện quy trình chuẩn, dù có thể thừa với trường hợp này nhưng nếu trường hợp khác mà không có quy chuẩn đó sẽ gây tai nạn. Ba là kiểm tra thường xuyên năng lực của các cơ quan, đơn vị làm công tác này. Các đơn vị làm bề mặt phải được cấp chứng chỉ của cơ quan có trách nhiệm.

Chúng ta cần hiện đại hóa hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn. Đây là những giải pháp chính để khắc phục, ngăn ngừa tai nạn xảy ra khi rà phá. Những giải pháp này trong nhiều năm qua có hiệu quả rõ rệt, tỷ lệ tai nạn còn rất ít. Nhưng chúng ta không thể chấp nhận dù là tỷ lệ nhỏ nhất.

Trong phiên thảo luận mở của HĐBA tại Hà Nội ngày 18/4, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nhấn mạnh, hòa bình chỉ bền vững khi những hậu quả chiến tranh, xung đột, trong đó có hậu quả bom mìn được giải quyết.

D.Thúy - L.A.Dũng - Đ.Yên - X.Quý - B.Tuấn

Tướng Vịnh: Chúng ta đang trả dần món nợ với người lính

Phần 1: Tướng Vịnh: Chúng ta đang trả dần món nợ với người lính

Chính phủ bỏ kinh phí để làm sạch bom mìn, đất sạch tới đâu thì cất bốc hài cốt tới đó. Nghĩa là món nợ với người lính được trả từng bước.