XEM VIDEO: 

Việt Nam đảm nhận trong tháng này vai trò Chủ tịch HĐBA LHQ, với một trong 3 chủ đề ưu tiên là khắc phục hậu quả bom mìn, duy trì hòa bình bền vững.

Để nhìn lại những kết quả đạt được trong công tác làm sạch đất đai bị ô nhiễm bom mìn cũng như hướng đi trong thời gian tới, Tuần Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm với 2 khách mời: Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao.

Thưa Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, hiện tại có bao nhiêu tỉnh, thành bị ô nhiễm bom mìn và tổng diện tích đất đai bị ô nhiễm là bao nhiêu?

Có thể nói Việt Nam là một trong những nước bị ô nhiễm bom mìn nặng nề nhất trên thế giới. Chúng ta có 63 tỉnh, thành đều bị ô nhiễm bom mìn, tổng diện tích đất ô nhiễm hiện nay khoảng hơn 5,5 triệu ha. Như vậy gần 20% diện tích đất nước bị ô nhiễm bom mìn, chưa kể ô nhiễm ở dưới biển, bờ biển.

Nói vậy chưa đủ, vì là hậu quả của nhiều cuộc chiến tranh từ gần 100 năm nay nên bom mìn đa dạng, nằm ở nhiều tầng nấc khác nhau, thời gian có trôi qua nhưng các vật liệu nổ luôn chờ nổ, để lại hậu quả rất lớn với cuộc sống của người dân cũng như phát triển kinh tế xã hội.

Nửa thế kỷ nữa để làm sạch bom mìn

Với thực trạng này và với tốc độ rà phá bom mìn hiện nay, chúng ta sẽ mất bao nhiêu năm và kinh phí cho việc làm sạch đất đai bị ô nhiễm bom mìn, thưa ông?

Năm 2010, Chính phủ có tính toán sơ bộ bình quân 1 năm làm sạch khoảng 3.000ha đất. Như vậy, với số lượng đất đai bị ô nhiễm, chúng ta mất khoảng hơn 200 năm làm sạch bom mìn với kinh phí khoảng gần 6 tỷ USD.

Từ năm 2010, Chính phủ có chương trình 504 với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ làm sạch và trong 10 năm ta làm sạch được khoảng 5.000ha. Cho đến nay, ta đang làm sạch được khoảng nửa triệu ha. Như vậy còn 5 triệu ha nữa, với tốc độ hiện nay thì 1 năm ta làm sạch được 100.000 ha đất. Vậy chúng ta cần 50 năm nữa để làm sạch bom mìn.

{keywords}
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Công tác rà phá bom mìn có ý nghĩa nhân văn rất lớn

Nhưng ở đây không thể nói sạch tuyệt đối vì bom mìn nhiều loại, ở nhiều tầng nấc. Ở châu Âu vẫn phát hiện ra bom mìn từ Thế chiến 1, đe dọa tính mạng người dân. 

Chúng ta hạ quyết tâm là đến năm 2030, cơ bản không còn tai nạn bom mìn xảy ra với người dân và tới 2045, cơ bản làm sạch bom mìn trên toàn bộ đất nước.

Xây dựng nền hòa bình bền vững

Xin hỏi ông Đỗ Hùng Việt, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao mới đây, ông đề cập đến chương trình hoạt động tháng 4 - cũng là tháng Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐBA. Ông có thể nói rõ hơn về những trọng tâm ưu tiên của HĐBA trong tháng này và tại sao một trong 3 trọng tâm lại là khắc phục bom mìn và duy trì hòa bình bền vững?

Chủ đề xuyên suốt của chúng ta khi tham gia HĐBA trong nhiệm kỳ 2020-2021 là tăng cường quan hệ đối tác vì một nền hòa bình bền vững. Riêng trong tháng này, ta triển khai 3 trọng tâm: Hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực trong phòng ngừa xung đột; Bảo vệ thường dân, các cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang; Khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là hậu quả do bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại.

Với cả 3 sự kiện này, ta muốn đề cập đến vấn đề hòa bình một cách tổng thể để thực sự đạt được mục tiêu mà ta mong muốn, là xây dựng một nền hòa bình bền vững.

Tại Việt Nam, bom mìn vẫn đang là mối đe dọa thường xuyên với sự an toàn của người dân, cản trở phát triển KT-XH. Khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có bom mìn là một vấn đề mang tính lợi ích sát sườn.

Khi chúng ta tham gia HĐBA, mục tiêu chính là bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Việc lựa chọn chủ đề khắc phục hậu quả bom mìn là lựa chọn tự nhiên phục vụ tối đa lợi ích của Việt Nam. Bên cạnh đó, phương châm của chúng ta là hài hòa lợi ích Việt Nam với lợi ích của cộng đồng quốc tế.

{keywords}
Ông Đỗ Hùng Việt: Chúng tôi mong muốn quốc tế sẽ quan tâm hơn đến công tác rà phá bom mìn tại Việt Nam

Như Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đề cập, vấn đề bom mìn không chỉ của riêng của Việt Nam. Khi tôi trao đổi với các đối tác ở Bỉ, họ cũng nói nước họ vẫn còn những quả bom từ Thế chiến 1. Hay xung đột đang diễn ra ở Syria, Yemen thì bom mìn cũng là một vấn đề lớn.

Khoảng 60 nước vẫn đang phải xử lý các vấn đề về bom mìn, mỗi năm hơn 10.000 người chịu thương vong do tác động của bom mìn. Đưa ra vấn đề này, chúng tôi hy vọng thu hút sự quan tâm của HĐBA, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế với việc rà phá bom mìn tại Việt Nam.

Đất sạch tới đâu cất bốc hài cốt tới đó

Thưa Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, hiện tại Việt Nam có những lực lượng nào tham gia rà phá bom mìn?

Toàn bộ hoạt động rà phá bom mìn nằm trong ban chỉ đạo chung của Chính phủ gọi là Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả chiến tranh bom mìn và dioxin. Trong đó, trung tâm bom mìn chịu trách nhiệm quản lý và điều phối toàn diện các hoạt động rà phá.

Trực tiếp thì chủ yếu là lực lượng quân đội như công binh, nhất là các điểm nóng hay trường hợp nguy hiểm. Chúng ta có các tổ chức dân sự của các địa phương cũng như hợp tác quốc tế mang tính chất tự nguyện là chính để rà phá bom mìn. Điển hình là các đội rà phá ở Quảng Trị, Bình Định, Thừa Thiên Huế…

Hiện nay ta ưu tiên rà phá ở khu vực nào?

Trước hết là những khu vực đông dân cư, đã đánh dấu đỏ và vùng phát triển KT-XH, các khu vực nhạy cảm, như cửa biển, vùng duyên hải.

Tôi muốn nói thêm về ý nghĩa to lớn của hoạt động rà phá bom mìn. Một địa phương rất nghèo của tỉnh Quảng Trị có vùng đất phía đông rất đẹp, nhìn ra biển. Nếu đưa khu vực này vào phát triển KT-XH, kêu gọi đầu tư thì Quảng Trị sẽ bớt nghèo.

Nhưng bao nhiêu năm nay không thể làm gì do bom mìn, khu đất còn để trống. Vừa qua, Chính phủ hợp tác với quỹ KOICA của Hàn Quốc, đổ kinh phí để làm sạch khu này. Tới nay đã hình thành khu kinh tế phía đông - trọng điểm phát triển của Quảng Trị.

{keywords}
 

Hoặc hiện nay ta tập trung xây dựng các cảng biển rồi mở rộng luồng lạch, cửa sông ra biển để phát triển kinh tế, giao thông nhưng bom mìn và thủy lôi vẫn còn lại.

Công tác rà phá có ý nghĩa nhân văn rất lớn. Sau chiến tranh biên giới phía Bắc, có khu vực gọi là lò vôi thế kỷ. Hơn 40 năm không quy tập được các đồng chí hy sinh. Mỗi ngày trôi qua, hài cốt của anh em thêm mai một, đó là vì bom mìn dày đặc. Có lần chúng ta tiến hành quy tập hài cốt, thì bộ đội vướng bom mìn đã hy sinh.

Vừa rồi Chính phủ bỏ kinh phí để làm sạch bom mìn và đất sạch tới đâu thì cất bốc hài cốt tới đó. Nghĩa là món nợ với người lính được trả từng bước, đưa được anh em về với quê hương, gia đình. Như thế để thấy, nếu chọn đúng chỗ và đúng thời điểm, ta đẩy mạnh hơn, nhanh hơn một chút sẽ rất thuận lợi cho sự phát triển KT-XH đất nước.

Tạo lòng tin, tạo thiện chí

Chúng ta kỳ vọng gì khi đưa trọng tâm khắc phục hậu quả bom mìn vào chương trình nghị sự HĐBA tháng 4?

Ông Đỗ Hùng Việt: Chúng tôi có nhiều kỳ vọng. Đó là mang tới HĐBA, cộng đồng quốc tế cách tiếp cận toàn diện và tổng thể hơn của chính Việt Nam. Chúng tôi mong muốn HĐBA sẽ nhìn nhận cách tiếp cách toàn diện này trong vấn đề về hòa bình, an ninh quốc tế.

Khắc phục hậu quả chiến tranh không chỉ liên quan đến hòa bình, an ninh mà thực sự tác động lớn đến sự sống còn của người dân, liên quan đến phát triển KT-XH của mỗi đất nước, mỗi cộng đồng.

Chúng tôi cũng mong muốn quốc tế sẽ quan tâm hơn đến công tác rà phá bom mìn tại Việt Nam. Tất cả được gợi nhớ rằng, rất nhiều nơi trên thế giới mặc dù xung đột đã qua đi hàng thập kỷ nhưng hậu quả để lại là vô cùng lớn và cần tiếp tục được quan tâm giải quyết.

{keywords}
Việc duy trì để khắc phục hậu quả bom mìn sẽ khiến các quốc gia nhận thức rõ đừng đem chiến tranh đến đất nước của người khác nữa

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi tiếp lời Vụ trưởng Đỗ Hùng Việt. Khắc phục hậu quả bom mìn ngoài mục đích quan trọng nhất là làm sạch ô nhiễm đất, bảo vệ an toàn cho người dân, phát triển KT-XH còn có ý nghĩa quân sự, quốc phòng và chính trị quan trọng.

Đầu tiên việc duy trì để khắc phục hậu quả bom mìn sẽ khiến các quốc gia nhận thức rõ đừng đem chiến tranh đến đất nước của người khác nữa. Thứ hai là thể hiện mối quan hệ hợp tác với những cựu thù. Chúng ta có thể gọi là gác lại quá khứ, không quên quá khứ.

Sau chiến tranh, người dân và hội cựu chiến binh Mỹ, các liên đoàn… đã đấu tranh mạnh nhất với chính phủ Mỹ trong việc hợp tác với Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh. Qua đó, ta cũng biết thái độ của các quốc gia cựu thù như thế nào, có nước tự giác, có nước chúng ta phải đấu tranh để buộc họ có trách nhiệm với điều đã làm…

Thứ ba, khắc phục hậu quả bom mìn nói riêng và khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung là nội dung rất quan trọng trong hợp tác quốc phòng song phương, đa phương. Bên cạnh việc thu hút các nguồn lực quốc tế và hỗ trợ thì ta tăng cường nội dung hợp tác với các quốc gia, xây dựng lòng tin. Như vậy họ cũng có lợi bằng việc tạo lòng tin, sự thiện chí với nhau.

Hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn cũng như khắc phục hậu quả dioxin nằm trong chương trình thiên niên kỷ, chính là làm sạch môi trường bền vững.

* Phần 2: Dân còn cưa bom, làm sao để họ biết sợ bom mìn

D.Thúy - L.A.Dũng - Đ.Yên - X.Quý - B.Tuấn

Người đi tìm tử thần trên đất lửa Quảng Trị

Người đi tìm tử thần trên đất lửa Quảng Trị

Quảng Trị một chiều đầu tháng 4 nắng gắt, những thanh niên mặc đồng phục kaki, mũ tai bèo, tay cầm dụng cụ và máy móc dò kim loại cần mẫn làm việc trên mảnh đất cằn cỗi.