Trong cuộc thảo luận trực tuyến gần đây, một số chuyên gia đưa ra dự báo về quan hệ Mỹ - Trung với hai kịch bản dựa vào kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. 

Trung Quốc đang làm quá 

Ông Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp về Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ): Vấn đề với cựu Phó Tổng thống Biden là Mỹ phải kiểm soát đại dịch Covid-19, phục hồi nền kinh tế, hàn gắn các mối quan hệ sắc tộc và giải quyết các vấn đề trong hệ thống tư pháp, hình sự. Hiện cũng có một vết rạn nứt lớn trong lòng nước Mỹ - sự chia rẽ. Vì vậy, ông Biden có nhiều việc lớn phải làm. 

{keywords}
Chuyên gia cao cấp về Đông Nam Á tại CSIS Murray Hiebert

Tôi nghĩ, các quan điểm ở Mỹ về Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều. Người Mỹ đang ngày càng mệt mỏi với việc chứng kiến Trung Quốc trục lợi và đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ cũng như cưỡng ép chuyển giao công nghệ. Mỹ có thể tiếp tục phải đối mặt với các thách thức do Trung Quốc tạo ra và rồi chứng kiến các hành vi gây hấn của Trung Quốc trên biển như ở Biển Đông. 

Hiện cả hai chính đảng tại Mỹ đều thống nhất rằng, Trung Quốc đang làm quá. Dù thế nào, ông Biden dường như cũng ít cứng rắn hơn. Ông ấy có thể giảm đôi chút trong một số đòn áp thuế, nhưng sẽ thực sự gây nhiều áp lực buộc Trung Quốc hợp tác trong kinh tế và những lĩnh vực rộng hơn. Và ông Biden có thể muốn hợp tác với Trung Quốc về những vấn đề khác như biến đổi khí hậu, hạt nhân Iran... 

Song, tôi và nhiều người ở Mỹ hy vọng ông ấy sẽ và có thể ứng xử hợp lý trước Trung Quốc về những vấn đề này mà không phải đánh đổi điều gì, ví dụ như vấn đề biến đổi khí hậu với Biển Đông hoặc thứ gì đó khác. Điều đó không thể chấp nhận được. 

Cạnh tranh vẫn tiếp tục 

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Hiện chúng ta đề cập tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 và yếu tố Trung Quốc.

Tôi nghĩ không chỉ chính quyền của ông Donald Trump mà cả nước Mỹ nói chung, kể cả 2 chính đảng lớn tại nước này đều nhận ra một Trung Quốc mới cùng cách thức trỗi dậy mới của quốc gia châu Á này. 

{keywords}
Đại sứ Phạm Quang Vinh

Như ông Murray đã đề cập, Trung Quốc hiện được nhìn nhận hoàn toàn khác ở Mỹ. Do đó, tôi có thể nói rằng cạnh tranh giữa hai bên sẽ vẫn tiếp tục dù ông Trump tái cử nhiệm kỳ hai hay nước Mỹ có tổng thống mới là ông Biden. 

Liệu cạnh tranh giữa hai cường quốc có leo thang sau cuộc bỏ phiếu tháng 11? Tôi nghĩ, vào thời điểm này của năm nay, cạnh tranh Mỹ - Trung đã rất, rất khác biệt. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc này, ví dụ như đại dịch Covid-19, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới và rất nhiều khó khăn bên trong nước Mỹ. Vì vậy, cạnh tranh Mỹ - Trung đang nổi lên theo một cách khác. 

Vì vậy, ngay cả với ông Trump tái cử, tôi nghĩ cạnh tranh sẽ vẫn leo thang. Ông Trump sẽ vẫn giữ cách làm như hiện nay nhưng có thể ít nhiều kiềm chế. Với trường hợp ông Biden đắc cử tổng thống, tôi đồng ý với học giả Murray Hilbert, ông Biden sẽ quay trở lại cách tiếp cận truyền thống hơn trong việc kiểm soát các cường quốc lớn. 

Cạnh tranh sẽ vẫn còn đó nhưng đồng thời cũng tồn tại các kênh gắn kết, kể cả về kinh tế và các vấn đề toàn cầu khác như Trung Đông hay môi trường. Một điểm then chốt liên quan đến Biden là ông ấy rất có thể quay trở lại với chủ nghĩa đa phương và hoạt động mạng lưới cùng các đồng minh và đối tác. Tôi cũng có cảm nhận như ông Hilbert đã đề cập về cạnh tranh và gắn kết, nhưng không đánh đổi những vấn đề trọng yếu, chẳng hạn như Biển Đông. 

Tôi nghĩ, với các nước khác, bao gồm cả Việt Nam, đối diện với cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra ở Mỹ, hiện có nhiều nền tảng để tiếp tục tích cực gắn kết trong khu vực. Vấn đề thứ hai là cạnh tranh với Trung Quốc sẽ tiếp tục tồn tại ở đó, nhưng nó sẽ theo được kiểm soát theo cách này hay cách khác, hoàn toàn khác nhau dưới thời ông Biden hoặc ông Trump. 

Tuy nhiên, sự cạnh tranh đó sẽ không biến thành một dạng chiến tranh Lạnh như những gì từng xảy ra giữa Mỹ với Liên Xô. Vì vậy, vẫn còn chỗ để các quốc gia nhỏ hơn trở thành đối tác của cả Mỹ và Trung Quốc. Đồng thời cũng còn chỗ để Việt Nam và những nước khác trong khu vực cùng bắt tay hợp tác với những người chơi trọng yếu khác như Nhật, Ấn Độ, Australia. Và ASEAN vẫn có vai trò trong đó. 

Tiếp nối hơn là thay đổi 

TS Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Singapore): Tôi nghĩ, như hai diễn giả trước đã trình bày, các vấn đề đối nội sẽ là ưu tiên then chốt đối với tân tổng Mỹ, dù đó là ông Biden hay Trump. 

{keywords}
TS Lê Hồng Hiệp

Về chính sách đối ngoại, nhiều khả năng sẽ là sự tiếp nối hơn là thay đổi. Như các bạn đã biết, nước Mỹ có sự đồng thuận về chính sách Trung Quốc, nên với Biden, ngay cả khi ông sẽ cố gắng "giơ cao đánh khẽ" Trung Quốc về một số vấn đề nhất định như môi trường nhưng tôi không nghĩ Washington sẽ đánh đổi lĩnh vực hợp tác đó với những lợi ích trọng yếu khác hay vấn đề Biển Đông. 

Tôi nghĩ có cả mặt lợi và mặt bất lợi trong trường hợp ông Trump giành thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa hoặc ngược lại ông Biden trở thành lãnh đạo Nhà Trắng. Tôi nghĩ cả hai dường như sẽ cứng rắn với Trung Quốc, đây là nhận định hầu hết mọi người đều tán thành. 

Thái An - Quỳnh Anh

Cân đo cơ hội tái cử của Tổng thống Trump

Cân đo cơ hội tái cử của Tổng thống Trump

Nếu như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 có 2 nhân vật chính là Hillary Clinton và Donald Trump thì năm nay, đánh giá kết quả cuộc bầu cử thực chất là xem xét cơ hội tái cử của đương kim Tổng thống Mỹ.