LTS: Hiệp định EVFTA đã được Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua vào giữa tháng 2 năm 2020 và được Hội đồng châu Âu phê duyệt vào cuối tháng 3 năm 2020. Ngày 24 tháng 4, Hội đồng châu Âu cũng đã gửi công hàm thông báo chính thức với Việt Nam về việc EU đã hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ. Như vậy Hiệp định giờ chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định của Hiệp định là sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam. Tuần Việt Nam trao đổi với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhân dịp Quốc hội sẽ xem xét, thông qua hiệp định này.
Ông Tuấn Anh nói:
Khi được thông qua, Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà cả hai bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý nội bộ để Hiệp định này có hiệu lực.
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19 thời gian vừa qua, đồng thời cũng là cơ hội tốt giúp Việt Nam bước vào để lấp đầy chỗ trống trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp khôi phục và thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.
Bộ trưởng Công Thương - Trần Tuấn Anh |
Thưa Bộ trưởng, Việt Nam và EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu của hai bên như thế nào trong khuôn khổ Hiệp định?
Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (07 năm).
Về phía Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực chúng ta cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan với 48,5% số dòng thuế, chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu. Sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế, chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu. Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng TRQ theo cam kết WTO hoặc không cam kết.
Cơ hội gia tăng xuất khẩu của nước ta là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ...Ảnh: Lê Anh Dũng/VietNamNet |
Các quy định về quy tắc xuất xứ đối với mặt hàng dệt may, một trong những điểm then chốt của Hiệp định, là như thế nào?
EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. |
Hiệp định yêu cầu quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi) đối với hàng dệt may, tức là để được hưởng thuế quan ưu đãi theo EVFTA thì hàng dệt may của Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ Việt Nam. Ngoài ra, đối với các sản phẩm dệt may thuộc Chương 61 và 62 của biểu thuế, EU cũng cho phép ta được sử dụng vải nhập khẩu từ Hàn Quốc để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng xuất khẩu sang EU và vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi của hiệp định.
Ông nói gì về cam kết của Việt Nam mở cửa lĩnh vực mua sắm của chính phủ trong hiệp định?
Trong Hiệp định này chúng ta cam kết mở cửa mua sắm đối với cả các cơ quan ở cấp trung ương và địa phương, cụ thể là 21 Bộ, ngành trung ương, một số đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng (ngoại trừ hàng hóa và dịch vụ phục vụ mục tiêu an ninh – quốc phòng), 02 địa phương là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng công ty đường sắt Việt Nam, 34 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và một số Viện thuộc trung ương.
Ông biết đấy, dịch bệnh COVID-19 đang gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ông nghĩ sao về vai trò của Hiệp định đối với nền kinh tế Việt Nam?
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu của không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới. Nhiều chuyên gia kinh tế còn nhận định rằng tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ không đạt được mục tiêu đã đề ra.
Trong bối cảnh đó, việc Hiệp định được đưa vào thực thi mang ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh. Từ phía doanh nghiệp, Hiệp định còn được khẳng định là cứu cánh mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng hậu dịch bệnh.
Những yêu cầu đặt ra trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thể chế, chính sách pháp luật sau đường biên giới,... theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế sẽ là những tiền đề quan trọng đưa Việt Nam tăng tốc phát triển. |
Thời gian qua, doanh nghiệp trong nước còn loay hoay tại thị trường châu Âu do cạnh tranh đến từ các nền công nghiệp quy mô khác trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Giá sản phẩm của Việt Nam thường cao hơn 10-20% so với nước bạn. Do vậy, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại EU còn khiêm tốn.
Trong khi đó, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới. Hàng năm, EU nhập khẩu khoảng 2.338 tỷ USD, trong khi thị phần xuất khẩu của Việt Nam ở EU khoảng 2% với chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Do đó với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA, cơ hội gia tăng xuất khẩu của nước ta là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ...
Theo nghiên cứu, Hiệp định sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 43% vào năm 2025 và 44% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 33% vào năm 2025 và 37% vào năm 2030.
Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57- 5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033). Bên cạnh đó, về nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU.
Như vậy, giai đoạn hậu dịch bệnh, nếu Hiệp định được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam đã có trong tay lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường 18 nghìn tỷ USD này.
Trong Hiệp định này chúng ta cam kết mở cửa mua sắm đối với cả các cơ quan ở cấp trung ương và địa phương. Ảnh: Lê Anh Dũng/VietNamNet |
Đáng chú ý, với EVFTA chuỗi giá trị mới của Việt Nam với một đối tác quan trọng trên thế giới sẽ được hình thành. Môi trường đầu tư mở hơn và thuận lợi hơn, khi triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt là các lĩnh vực như dịch vụ, tài chính, ô tô, chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông sản thực phẩm chế biến... Gắn với đó, những yêu cầu đặt ra trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thể chế, chính sách pháp luật sau đường biên giới... theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế sẽ là những tiền đề quan trọng đưa Việt Nam tăng tốc phát triển.
Thưa Bộ trưởng, ông có lo về tác động của nó tới lao động, việc làm là những vấn đề rất nhạy cảm hay không?
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp tăng thêm việc làm khoảng 146.000/năm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU.
Ảnh: Lê Anh Dũng/VietNamNet |
Do các nền kinh tế của các nước thành viên EU đều phát triển ở trình độ cao hơn Việt Nam và mang tính bổ sung đối với nền kinh tế Việt Nam, nhập khẩu từ các nước EU phần lớn là không cạnh tranh trực tiếp, nên với một lộ trình giảm thuế hợp lý, kết hợp với hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, ta có thể xử lý được các vấn đề xã hội nảy sinh.
Các cam kết về lao động trong đó bao gồm việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp hay việc thành lập Nhóm tư vấn trong nước (DAG) để thực thi các cam kết về thương mại và phát triển bền vững với sự tham gia của đại diện người lao động, đại diện các doanh nghiệp, các nhà khoa học và các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam có thể làm gia tăng sức ép về giám sát xã hội trong quá trình thực thi Hiệp định và từ đó đặt ra những thách thức nhất định đối với Việt Nam.
Người nông dân và ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào?
Ngành nông nghiệp được dự báo là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ Hiệp định EVFTA. Khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như: gạo tấm, các sản phẩm từ hạt… Đối với mặt hàng rau củ quả, EU cũng cam kết xóa bỏ thuế khi EVFTA có hiệu lực. Đối với thuỷ sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xoá bỏ, 50% dòng thuế còn lại cũng sẽ được xoá bỏ trong lộ trình 5–7 năm.
Cạnh tranh mang lại động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Đây là con đường mà sớm hay muộn chúng ta cũng phải đi qua để đổi mới mô hình tăng trưởng. |
Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành nông sản sẽ tăng đáng kể cho tới năm 2025 nhờ EVFTA, ví dụ như gạo tăng thêm 65%, đường 8%, thịt lợn 4%, lâm sản 3%, thịt gia súc gia cầm 4%, đồ uống và thuốc lá (5%). Ở một khía cạnh khác, hội nhập cũng tạo thêm việc làm giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác, góp phần cải thiện đời sống cho người nông dân.
Một cơ hội khác là việc thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp chuyển giao công nghệ, cách thức tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó giúp tăng sản lượng, chất lượng nông sản, giúp nông sản Việt Nam tiến dần tới các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, để nắm bắt được các cơ hội này không dễ dàng. Cửa đã mở nhưng để có thể thông hành, hàng nông sản của ta còn cần phải vượt qua nhiều rào cản như hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, hay vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Với tính chất sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, người nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp lại càng phải chủ động đẩy mạnh nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản Việt Nam.
Nhiều người cho rằng, doanh nghiệp trong nước sẽ bị giảm thị phần bởi các doanh nghiệp đến từ EU. Ông nhìn nhận điều này như thế nào?
Chúng ta đối diện với thách thức là sự gia tăng áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa trong nước do dòng hàng chất lượng cao từ châu Âu được mở rộng cửa vào thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng ta cần xét đến các yếu tố bao gồm: cơ cấu kinh tế của EU và của ta mang tính bổ sung cho nhau, không đối đầu trực tiếp và cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam có lộ trình, đặc biệt với những nhóm sản phẩm nhạy cảm. Vì thế, sức ép cạnh tranh mà Hiệp định mang đến là sức ép lành mạnh, hợp lý, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Ngoài ra, cần nhìn nhận rằng cạnh tranh luôn có tính hai mặt rõ ràng.
Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các doanh nghiệp yếu kém, nhất là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu.
Mặt khác, cạnh tranh mang lại động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
Đây là con đường mà sớm hay muộn ta cũng phải đi qua để đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.
Tư Giang - Lan Anh thực hiện
Khát vọng Việt Nam hùng cường của Bác Hồ
- Trong bức thư gửi các em học sinh, nhân ngày khai trường đầu tiên dưới chế độ mới, ngày 05/9/1945, Bác Hồ đã nói về khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.