- Tình trạng đối đầu, cạnh tranh giữa Mĩ và Nga hay giữa Mĩ và Trung Quốc được coi là sự đối chọi có tính chiến lược, toàn cầu và toàn diện. Dàn xếp giữa các quốc gia này không chỉ có tác động đến chính họ mà còn có tác động đến thế giới xung quanh.

Ngày 16/7, tổng thống Mĩ Donald Trump sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Nga Vladimir Putin. Trước cuộc gặp với Putin, Trump có cuộc gặp với các nước đồng minh NATO và thăm Anh – đồng minh thân cận nhất của Mĩ. Ngày 15/7, ngoài xem trận chung kết bóng đá World Cup, tổng thống Pháp Macron cũng sẽ có cuộc gặp với tổng thống Nga Putin.

Tương tự như thượng đỉnh Trump – Kim, cuộc gặp Trump – Putin cũng sẽ được tổ chức ở một địa điểm trung lập, Helsinki, mà không phải là một chuyến thăm và làm việc chính thức. Khác với các cường quốc khác, việc hai nguyên thủ quốc gia Mĩ và Nga gặp nhau tại một địa điểm trung lập cho thấy quan hệ Mĩ – Nga chưa thể là một quan hệ bình thường, thậm chí hàm ý đối đầu. Kể cả với Trung Quốc là nước mà Mĩ đang có những chính sách cứng rắn về thương mại thì nguyên thủ Mĩ và Trung Quốc vẫn có những chuyến thăm cấp nhà nước và với cả hai chiều chứ không phải là các cuộc gặp ở một quốc gia thứ ba.

Vậy có thể trông đợi gì sau cuộc gặp ngày 16/7 giữa Trump và Putin? Trump được cho là Tổng thống đưa phong cách đàm phán kinh doanh vào các hoạt động đối ngoại quốc gia. Putin được xem là Tổng thống đang ở đỉnh cao quyền lực của Nga. Nếu như Trump nổi tiếng với phong cách khó đoán vì không theo hướng truyền thống nào thì Putin được cho là Tổng thống bí hiểm và khó lường. Cuộc gặp sắp tới sẽ có một phần được tổ chức dưới dạng gặp một đối một giữa hai Tổng thống, chỉ có người phiên dịch, không có các cố vấn, không có người chứng kiến và cũng không được chính thức ghi âm.

Cách làm này khiến những người hoài nghi cảm thấy lo lắng về những kịch bản có thể xảy ra. Theo giải thích của Trump thì cách làm này sẽ làm giảm tính hình thức, bớt rào cản và giúp mỗi bên ước lượng tính cách cá nhân của người đối diện tốt hơn. Dù sao với Trump, các cuộc gặp ở mức cao nhất là để bắt đầu một đàm phán hơn là để chốt lại một thỏa thuận. 

{keywords}
Có thể trông đợi gì sau cuộc gặp ngày 16/7 giữa Trump và Putin?

Đối đầu giữa một quốc gia đứng đầu một hệ thống và một quốc gia đang tìm kiếm một vị thế như đã từng có

Đối với bất kì quốc gia nào, một quốc gia bị xem là đối thủ là quốc gia có khả năng đe dọa lợi ích và vị thế quốc gia. Đối với những quốc gia có tầm ảnh hưởng vượt ra khỏi biên giới của mình, đặc biệt là quốc gia dẫn đầu một hệ thống do chính họ đóng vai trò nhân tố chính gây dựng nên, thì quốc gia đối thủ còn là quốc gia có hệ giá trị khác, trái ngược và có xu hướng phổ biến hệ giá trị ấy ngay trong hệ thống đang tồn tại. Nếu như lợi ích và vị thế quốc gia là những nhân tố mang tính chất riêng biệt của mỗi quốc gia thì giá trị theo đuổi lại có thể là nhân tố có tính phổ quát, được nhiều quốc gia chia sẻ và có tính chủ động, tự nguyện.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Mĩ và Liên Xô cùng xây dựng hai hệ thống quốc tế có giá trị đối chọi. Mĩ cùng các đồng minh Tây Âu chủ trương xây dựng một thế giới mở, thị trường mở, tự do luân chuyển vốn, tự do cạnh tranh và đề cao năng lực cá nhân. Theo chiều ngược lại, Liên Xô và các đồng minh Đông Âu, Trung Quốc và một số quốc gia châu Á, Phi và Mĩ La Tinh chủ trương xây dựng xã hội không cạnh tranh thông qua sự điều khiển tuyệt đối từ nhà nước dưới một hệ thống chính trị duy nhất.

Hai hệ thống này cạnh tranh quyết liệt và hậu quả là cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt. Ở tầm toàn cầu, cuộc chạy đua giành lợi thế dẫn đến cuộc “Chiến tranh Lạnh” và cả những cuộc chiến tranh “nóng” tại những khu vực kém phát triển, xuất thân từ thuộc địa như Việt Nam, Triều Tiên, Trung Đông hay châu Phi, Mĩ La tinh. Sau khi Liên Xô và hệ thống Đông Âu không còn tồn tại nữa, Mĩ và hệ thống đã thất bại trong việc “tích hợp” hai quốc gia nổi bật nhất của khối này – Nga và Trung Quốc. Cả hai quốc gia này đều sử dụng chủ nghĩa dân tộc để tìm kiếm vị trí cho mình, và dĩ nhiên, trên nhiều khía cạnh, cạnh tranh hay thậm chí đối đầu trực diện với Mĩ.

Vì thế, tình trạng đối đầu, cạnh tranh giữa Mĩ và Nga hay giữa Mĩ và Trung Quốc được coi là sự đối chọi có tính chiến lược, toàn cầu và toàn diện. Dàn xếp giữa các quốc gia này không chỉ có tác động đến chính họ mà còn có tác động đến thế giới xung quanh.

Vậy Mĩ và Nga sẽ dàn xếp những gì ? Chắc chắn không phải là về vấn đề kinh tế, hay đúng hơn kinh tế không phải là vấn đề chính. Dù Nga là nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới nhưng có thể khẳng định điều này vì theo số liệu của Cơ quan thống kê Mĩ, thương mại hai chiều Mĩ – Nga chỉ đạt 24 tỉ USD năm 2017, không đáng kể so với 717,9 tỉ USD với khối Liên minh châu Âu (EU), 635,3 tỉ USD với Trung Quốc, 581,6 tỉ USD với Canada, 557,6 tỉ với Mexico hay thậm chí 204,1 tỉ USD với Nhật Bản trong khi quy mô kinh tế của Nga chỉ chưa bằng 1/13 so với Mĩ.

Theo Colin Clark và William Courney, những chuyên gia khoa học chính trị tại RAND, một think tank tư vấn chính sách và ra quyết định chính trị thông qua việc nghiên cứu và phân tích chính sách của Mĩ, thì "Nga vẫn là cường quốc thế giới trong lĩnh vực an ninh. Nga, với chương trình hiện đại hóa vũ khí, đã làm mọi thứ để có thể đẩy lùi ảnh hưởng của Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mĩ đứng đầu. Tuy nhiên, một cường quốc là quốc gia có ý chí và năng lực để có thể sắp xếp các sự kiện ở bất cứ khoảng cách nào và với quy mô mong muốn. Hầu hết các cường quốc như Mĩ, Pháp hay Trung Quốc đều thực hiện được ý đồ của họ qua nhiều kênh : kinh tế, văn hóa, chính trị, ý thức hệ và an ninh quốc tế. Nhưng như một câu ngạn ngữ cổ của Nga thì đồng minh của Nga chỉ là quân đội và hải quân !”.

Như vậy có thể nói, đối với giới tinh hoa Mĩ, khía cạnh an ninh quốc tế sẽ là vấn đề lớn nhất. Điểm qua các khu vực có sự can dự của Nga và Mĩ (và các đồng minh như NATO hay các đồng minh khu vực Đông Á, châu Mĩ) như Trung Á, Đông Âu, Baltic, Bắc Âu, Bắc Á và Trung Đông hay các chương trình phát triển vũ khí tấn công chiến lược ở tầm hoạt động toàn cầu thì có thể thấy cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn, sự cạnh tranh thậm chí đối đầu chiến lược giữa hai quốc gia này vẫn sẽ là vấn đề lớn nhất trong an ninh quốc tế. 

{keywords}
Năm 1997, tổng thống Clinton gặp tổng thống Nga Yeltsin tại Helsinki. Ảnh: AP/Madison.com

Tuy nhiên cần phải đặt cuộc gặp Trump – Putin trong bối cảnh cân bằng sức mạnh thế giới có những dịch chuyển đáng kể. Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, cả về kinh tế lẫn tiềm lực quân sự với đặc trưng về sự khác biệt về hệ giá trị. Các quốc gia mới nổi, không phải là đồng minh thân cận của Mĩ bắt đầu chiếm các vị trí quan trọng hơn trong nền kinh tế thế giới. Ấn Độ trong năm 2017 đã vượt Pháp, trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới và sẽ đứng thứ 5 khi vượt qua Anh năm nay. Brasil vượt qua Ý, trở thành nền kinh tế thứ 8, đứng ngay sau Pháp. Châu Âu, đồng minh thân cận và hùng mạnh nhất của Mĩ cũng đang chia rẽ với vấn đề Brexit và quan điểm khó thống nhất giữa các quốc gia trụ cột và một số thành viên Đông Âu cũ về một châu Âu thống nhất hơn, tự chủ hơn về an ninh quốc phòng.          

Một vấn đề nữa được truyền thông thế giới và các đảng phái tại Mĩ nhắc đến rất nhiều là sự can thiệp của Nga vào kết quả bầu cử tổng thống Mĩ năm 2016. Nhiều khả năng Trump sẽ nói với Putin về vấn đề này, nhưng đây là chủ đề không có câu trả lời chính xác và vì vậy, sẽ không có hi vọng nhiều về một thỏa thuận thành thực giữa hai nước về can thiệp vào chính trị nội bộ.

Trong quá khứ, các dàn xếp giữa Mĩ và Liên Xô hay Nga sau này cũng đã nhiều lần được tổ chức tại Helsinki. Năm 1975, tại Helsinki, nguyên thủ Mĩ, Liên Xô và các nước châu Âu đã kí “Thỏa thuận về hướng dẫn nguyên tắc quan hệ giữa các quốc gia tham gia” gồm 10 điểm : bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng quyền chủ quyền; hạn chế đe dọa và sử dụng vũ lực; tính không thể xâm phạm về biên giới; toàn vẹn lãnh thổ; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình ; không can thiệp vào nội bộ của nhau; tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản, bao gồm tự do suy nghĩ, tự do nhận thức và tự do tôn giáo, tự do niềm tin; bình đẳng về quyền và quyền tự quyết dân tộc; hợp tác giữa các quốc gia và thực thà thực hiện nghĩa vụ quốc gia trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Thỏa thuận này được kí như là một biên bản cuối cùng của “Hội thảo về an ninh và hợp tác ở châu Âu” giữa 35 nước tham gia. Đây có thể coi là tuyên bố chung về cải thiện quan hệ giữa hai khối Đông – Tây tuy không có điều khoản có tính chất ràng buộc pháp lí.

Năm 1990, tổng thống George H.W. Bush và chủ tịch Soviet, Mikhail Gorbachev gặp nhau tại Helsinki để bàn việc giải quyết khủng hoảng vùng Vịnh khi Iraq tiến vào Kuweit. Liên Xô tuy là đồng minh của Iraq nhưng khi ấy đang gặp khủng hoảng toàn diện, đặc biệt là khó khăn về kinh tế. Bush tuyên bố ủng hộ cải cách của Liên Xô, hỗ trợ kinh tế trong khi mong muốn giải quyết dứt điểm mối bất ổn ở vùng Vịnh. Hai bên kết luận về một giải pháp hòa bình dưới nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trong khi để ngỏ giải pháp quân sự sẽ được thực hiện nếu Iraq không rút quân. 

Năm 1997, tổng thống Clinton gặp tổng thống Nga Yeltsin tại Helsinki. Cuộc gặp này được đánh giá là quan trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nga phản đối kế hoạch mở rộng Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra phía đông, bao gồm các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây. Nhưng Yeltsin không có ý định đối đầu với Clinton. Ngoài ra thảo luận khi đó còn liên quan đến thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa hai nước. Nga khi đó không đủ tiềm lực để chạy đua vũ trang nên thỏa thuận giữa hai bên được triển khai theo hướng cắt giảm chi phí.

Lần gặp gỡ Trump – Putin lần này có khác, Putin ở vị thế khác so với Gorbachev hay Yeltsin vì Putin có quyền lực lớn hơn nhiều. Về phía Mĩ, qua truyền thông, Trump đưa ra nhiều đề nghị có lợi cho Nga như muốn Nga tham gia trở lại với G7, dỡ bỏ cấm vận hiện tại với Nga, để ngỏ khả năng công nhận lãnh thổ Crimea hay gián tiếp làm lợi cho Nga khi tranh cãi với các đồng minh châu Âu, v.v… mà không đưa ra yêu cầu gì với Nga. Trong khi đó, Putin chưa hề đưa ra truyền thông các yêu cầu nào về phía Nga.

Ngày 10/7, trước khi rời thượng đỉnh với các đồng minh NATO, Trump trả lời rằng chưa biết Nga là “bạn” hay “thù” nhưng chắc chắn là một “đối thủ cạnh tranh”. Vì thế, viễn cảnh về một thỏa thuận cụ thể giữa Mĩ và Nga thông qua cuộc gặp tay đôi Trump – Putin là rất khó có thể hình dung.

Xem tiếp kỳ 2: Thượng đỉnh Trump-Putin: Những tính toán khó đoán định

Trần Bình

------

Các nguồn tham khảo: Imf.org, Census.gov, Thecipherbrief.com, Presidency.ucsb.edu, Nytimes.com, Reuters.com

Ông Trump gặp ông Putin: Ai cần ai?

Ông Trump gặp ông Putin: Ai cần ai?

Trong cuộc gặp sắp tới tại Helsinki (Phần Lan), người mà ông Trump đối mặt sẽ là một cựu điệp viên KGB. 

Cựu điệp viên KGB gặp nhà tỷ phú: Cuộc đối đầu may rủi

Cựu điệp viên KGB gặp nhà tỷ phú: Cuộc đối đầu may rủi

Cả Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Putin đều có những nước cờ riêng trước khi đến với bàn đàm phán tại Helsinki ngày 16/7 tới. Tuy nhiên hội nghị ở Helsinki tới sẽ là một "cuộc chơi hai mặt" và không hứa hẹn kết quả rõ ràng.

Kim Jong-un đã thắng trong “canh bạc lòng tin” Mỹ – Triều?

Kim Jong-un đã thắng trong “canh bạc lòng tin” Mỹ – Triều?

Sau cuộc gặp lịch sử tại khách sạn Capella, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un coi như đã giành phần thắng trong “canh bạc lòng tin”.

Lời hứa từ thượng đỉnh Mỹ - Triều: Cứ phải chờ xem

Lời hứa từ thượng đỉnh Mỹ - Triều: Cứ phải chờ xem

Tái khẳng định của Triều Tiên về phi hạt nhân hóa hoàn toàn ở hội đàm với Mỹ là tín hiệu lạc quan cho cả thế giới, nhưng có trở thành hiện thực không, còn phải chờ xem, cựu đại sứ Dương Chính Thức nói.

Tướng Hưởng phân tích về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều

Tướng Hưởng phân tích về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều

Tuy cuộc gặp Mỹ - Triều đã được ấn định nhưng triển vọng của nó vẫn mong manh và khó lường do những tuyên bố bấp bênh và những tính toán chiến thuật của cả hai bên.

Thế giới 24h: Nga-Mỹ 'nóng ran' trước cuộc gặp Trump-Putin

Thế giới 24h: Nga-Mỹ 'nóng ran' trước cuộc gặp Trump-Putin

Bộ Tư pháp ở Washington thông báo truy tố 12 người Nga tình nghi can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Moscow lập tức mô tả hành động này là "vô căn cứ".