Ông Sáu Dân hôm đó tâm sự với chúng tôi: “Một đất nước đi lên công nghiệp hoá không thể chỉ có một con đường quốc gia độc đạo như quốc lộ 1A của ta. Con đường này không đảm bảo an toàn bởi hiện tại bão lụt hàng năm, nhất là ở Khu 4, Khu 5 cũ”. 

Ra Bắc vào Nam đầy ắp những kỷ niệm 

Năm ông Sáu Dân gọi chúng tôi (tôi và nhà báo Hoàng Hải Vân, báo Thanh Niên) tới nhà công vụ của ông để nghe ông nói chuyện là năm 1999. Khi đó, ông đã thôi trọng trách Thủ tướng và đảm trách cố vấn Ban chấp hành TƯ Đảng khoá 9.  

{keywords}
Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi thị sát cảng Quy Nhơn cuối năm 1995. Ảnh tư liệu

Lý do ông kêu anh em tôi lên là bởi khi đó sắp kỷ niệm 40 năm ngày mà Bộ Chính trị ra một quyết định cực kỳ táo bạo: Mở đường Trường Sơn để miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Cũng tại bữa đó, ông đã “bật mí” với chúng tôi những chi tiết thật thú vị rằng, trong suốt 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, ông đã từng nhiều lần ra Bắc vào Nam bằng nhiều cách đi khác nhau, lần thì đi 1 năm tròn, lần đi 14 ngày, lần đi 7 ngày (đường Hồ Chí Minh trên biển) và chuyến bay hơn 2 giờ khi đất nước thống nhất. Lần nào với ông cũng đầy ắp những kỷ niệm. 

Năm 1952 có lẽ là đặc biệt với ông vì nó là chuyến đi dài thời gian nhất. Số là sau khi từ Nam ra Bắc để dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 (tháng 1/1951), ông phải ở lại tập huấn rồi chỉnh huấn cả năm ngoài Bắc mới xong việc.  

Thế rồi ông đã  phải đi từ Tuyên Quang trở về Bạc Liêu, nơi ông đang là Phó bí thư Tỉnh ủy, mất tròn 1 năm trời (từ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, năm 1952 đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ, năm 1953 mới về được địa phương công tác). Lý do chuyến trở về dài ngày hơn chuyến đi (ngoài chuyện vừa đi vừa nghỉ để tích trữ thêm lương thực và tránh địch hành quân, phục kích) thì còn phải tránh một trận bão lớn tại Bắc Ái (Ninh Thuận) mất cả tháng chỉ để chờ qua sông Tân Mỹ. 

Song, một thông điệp mà ông muốn gửi gắm đến tất cả chúng ta, đó là dù chiến tranh đã lùi xa nhưng với một đất nước như Việt Nam, không nên và thật sự là không thể chỉ có một con đường độc đạo chạy dọc theo chiều dài đất nước như vậy.  

Không chấp nhận bất cứ sự chia cắt nào 

Ông Sáu Dân cho rằng. trong chiến tranh, ta đã làm đường Trường Sơn bằng mọi giá, vượt qua những gian khổ hy sinh tưởng chừng không thể vượt qua để nối liền con đường Nam - Bắc, không chấp nhận bất cứ sự chia cắt nào.  

{keywords}
Chiều 12/7/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó Thủ tướng Trần Đức Lương đến thăm, kiểm tra hoạt động của trạm biến áp 500 KV đường dây cao thế Bắc-Nam ở cầu Đò (Đà Nẵng). Ảnh: TTXVN

“Chúng ta đã tạo nên con đường Trường Sơn hùng vĩ. Vậy thì tại sao trong xây dựng một đất nước hoà bình, ta lại không xây dựng được một xa lộ mang tên Trường Sơn?”, ông đặt vấn đề. “Xa lộ Trường Sơn sẽ là kỳ tích hào hùng của thời kỳ công nghiệp hoá, là sự tiếp nối truyền thống những kỳ tích của đường Trường Sơn năm xưa và sẽ tạo ra dấu ấn bất diệt cho các thế hệ sau này”. Đến khi Bác Hồ đi xa, đường Trường Sơn còn có tên Đường mòn Hồ Chí Minh.

Vào năm 1999, đây là một chủ trương lớn đã được Bộ Chính trị và Trung ương khoá 8 thống nhất rất cao. Thế nhưng nó vẫn chưa thể triển khai vì thiếu vốn khiến ông Sáu Dân rất day dứt vì lúc này ông không còn làm Thủ tướng nữa để có thể rốt ráo thực hiện khát vọng do Chính phủ - nhiệm kỳ của ông đề xuất.  

Ông Sáu Dân hôm đó có tâm sự với chúng tôi rằng: “Một đất nước đi lên công nghiệp hoá không thể chỉ có một con đường quốc gia độc đạo như quốc lộ 1A của ta. Con đường này không đảm bảo an toàn bởi hiện tại bão lụt hàng năm, nhất là ở Khu 4, Khu 5 cũ. Dù ta có nâng cấp như bây giờ hoặc hơn thế thì sự an toàn  cũng không đảm bảo và hiện nay bản thân nó cũng đã quá tải. Đó là những nhược điểm cơ bản của quốc lộ 1A. 

Ưu điểm của ta là tuy có tuyến ven biển dài nhưng ngay cả các quốc đảo như Nhật Bản hay Indonesia hay bán đảo Triều Tiên cũng không ai coi nhẹ đường bộ và đường bộ của họ cũng không độc đạo. Yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong thời kỳ tiến lên công nghiệp hoá, không thể không có đường cao tốc của quốc gia. Nó phải rất an toàn, không xuyên qua đô thị lớn và dân cư đông. Vấn đề là bước đi phải tính toán thật hợp lý và phải rất sáng tạo vì chủ trương 1 thì phải có biện pháp 10, biện pháp 100. 

Đường dây 500 KV vào tháng này (tháng 5) là tròn 5 tuổi đời (1994-1999 - tác giả chú thích) hoạt động cũng là tinh thần tiến công và sáng tạo khi có chủ trương của Đảng. Phải tính toán với một tinh thần tích cực lắm, phải có tinh thần cách mạng tiến công mới có thắng lợi lớn”, ông Sáu nói, “và nếu đủ vốn, ta có thể làm xa lộ ngay. Còn trong điều kiện vốn hạn hẹp thì ta có thể làm thành nhiều giai đoạn, thời gian có thể rộng ra, làm đoạn nào xung yếu nhất trước, bảo đảm thông suốt Bắc - Nam, bảo đảm an toàn cho quốc lộ 1A...”. 

Khát vọng của người lãnh đạo 

Cả nước đang hướng về "khúc ruột miền Trung” bị tàn phá vô cùng nặng nề bởi những trận cuồng lũ đổ về khiến đường xá bị chia cắt, núi đồi bị san ủi gây thảm họa nặng nề, cướp đi hàng trăm người. Nhiều khi cả một quả núi bị đổ ụp, san bằng và nuốt chứng những ngôi nhà, trụ sở cơ quan nhà nước và quân đội chỉ trong phút chốc... 

{keywords}
Bệnh viện Lệ Thuỷ, Quảng Bình ngập sâu trong biển nước. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Thật đau lòng làm sao bởi nó nhiều khi lại do con người tác động vào thiên nhiên khiến cho môi trường bị tàn phá. Và chính con người chúng ta là thủ phạm chứ chưa hẳn do khách quan này khác thì thật hết nói dù đã được giới khoa học cảnh báo trước khi xây đập thủy điện hoặc làm đường ven chân núi...

Điều đó khiến tôi lại nhớ về ông Sáu Dân và tầm nhìn của ông trong việc đối phó với thiên tai, địch họa từ một mảnh đất hình chữ S dài dằng dặc từ Bắc vào Nam.  

Hôm nay, sau 21 năm ông Sáu Dân bày tỏ nhận xét cùng khát vọng cháy bỏng ấy, tuy chúng ta chưa có 2 xa lộ cao tốc chạy dọc theo chiều dài đất nước như ông mong muốn nhưng thực tế, hạ tầng giao thông đã có nhiều chuyển động tích cực rất đáng ghi nhận cho thành quả của sự nghiệp Đổi mới. 

Hiện quốc lộ 1A cũng đã hoạt động khá tốt và đường Hồ Chí Minh chạy song song với quốc lộ 1A đã đi vào hoạt động, góp phải giảm tải.  

Thế nhưng mấy ngày qua, hiện tượng sạt lở trên tuyến đường nói trên cũng đã xảy ra. Chúng ta đã trù liệu mưa lũ lớn làm thêm đường chống lũ kiểu như Quảng Bình họ đã làm với 2 đường tránh lũ tại huyện Lệ Thuỷ và huyện Quảng Ninh thì xem ra mới chỉ góp phần nhất định tránh ùn tắc giao thông chứ cũng chưa thể an toàn triệt để. 

Điều này càng cho thấy, thực tế cuộc sống sẽ luôn để ra vô vàn thứ phải làm mà không khi nào hết việc...

Tầm nhìn của người lãnh đạo như ông Võ Văn Kiệt quả thật đã giữ một vai trò cực kỳ to lớn và không thể thiếu nếu một quốc gia nào đó muốn phát triển hoặc đi tắt đón đầu.  

Ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt là một trong những nhà lãnh đạo có tầm nhìn để có thể có những ý tưởng giúp cho đất nước ta như thế!  Sau trận đại hồng thủy những ngày qua tại "khúc ruột miền Trung”, chúng ta càng thương nhớ đến ông và thầm biết ơn ông vô cùng. 

Quốc Phong 

Những cái đã mất, liệu có lấy lại được không?

Những cái đã mất, liệu có lấy lại được không?

Câu trả lời là được, nếu mỗi chúng ta biết “giật mình”, để dừng lại và bắt đầu lại. Đừng dùng gỗ thiêng của rừng. Đừng phá rừng làm kinh tế.